Sông Mã siết chặt quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản

Những năm qua, huyện Sông Mã đã triển khai các giải pháp, siết chặt việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, từng bước đưa hoạt động khai thác đi vào nền nếp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sông Mã kiểm tra điểm mỏ cát tại bản Trung Châu, xã Chiềng Cang.

Hiện nay, cát là khoáng sản chính của huyện Sông Mã với các điểm mỏ khai thác nằm dọc theo dòng sông Mã. Toàn huyện có 30 điểm mỏ khoáng sản cát đã được quy hoạch, gồm: 9 điểm mỏ được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho phép Công ty cổ phần Quỳnh Ngọc khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên với tổng diện tích khai thác 15,348 ha; 5 điểm mỏ được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho phép Công ty cổ phần xúc tiến đầu tư Thành Nam khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên với tổng diện tích là 38,057 ha; 8 điểm mỏ được UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; 8 điểm mỏ được UBND huyện đề nghị đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường.

Chi nhánh Cát Sông Mã thuộc Công ty cổ phần Quỳnh Ngọc là đơn vị được cấp phép khai thác 9 điểm mỏ cát tại các xã: Mường Lầm, Chiềng Sơ, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Chiềng Khương với trữ lượng 36.500 m³/năm. Doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống camera để theo dõi, cử người thường xuyên kiểm đếm số xe ra vào mỏ, tránh thất thoát tài nguyên. Ông Trần Thanh Nam, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Hằng năm, đơn vị được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát việc chấp hành khai thác khoáng sản đúng tọa độ, diện tích, trữ lượng, công suất theo quy định. Đơn vị đã thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương pháp, quy trình kỹ thuật; đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn mỏ, lao động; thực hiện các nghĩa vụ tài chính đúng quy định của pháp luật.

Hoạt động khai thác, vận chuyển cát của Chi nhánh Cát Sông Mã.

Là đơn vị đang khai thác mỏ đất sét để làm nguyên vật liệu sản xuất gạch nung trên địa bàn huyện Sông Mã, Công ty cổ phần Quyết Tiến Sông Mã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho phép công ty khai thác đất sét làm nguyên vật liệu sản xuất gạch nung bằng phương pháp lộ thiên tại bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu. Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Công ty, cho biết: Nhà máy gạch của công ty đang sản xuất khoảng 20 triệu viên gạch/năm. Trong quá trình hoạt động, công ty thực hiện đúng, đẩy đủ phương pháp, quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn sản xuất; thu hồi tối đa sản phẩm khai thác từ mỏ đất sét; thường xuyên kiểm tra khu vực khai thác, chế biến, các công trình phụ trợ và các khu vực liên quan, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an toàn, trật tự đúng quy định của pháp luật. Trung bình mỗi năm công ty nộp thuế vào ngân sách Nhà nước trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động địa phương.

Điểm mỏ khai thác đất sét của Công ty cổ phần Quyết Tiến Sông Mã.

Đối với khoáng sản chưa khai thác, UBND huyện Sông Mã đã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Công an huyện và các đơn vị liên quan thành lập và duy trì các đoàn kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo lĩnh vực và địa bàn quản lý; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không rõ nguồn gốc hợp pháp. Từ đầu năm đến nay, huyện Sông Mã phát hiện, kiểm tra, xử lý 14 vụ việc vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, đã xử phạt trên 42 triệu đồng.

Nhà máy sản xuất gạch của Công ty cổ phần Quyết Tiến Sông Mã.

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Hằng năm, huyện tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền để các cá nhân, hộ gia đình không khai thác cát, sỏi trái phép; vận động nhân dân và các tổ chức không tiêu thụ cát, sỏi lòng sông do khai thác trái phép hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tăng cường quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; tiếp tục thực hiện các nội dung đã ký cam kết của Chủ tịch UBND huyện với Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2022. Phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Với sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện Sông Mã ngày càng hiệu quả, góp phần đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng, thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/song-ma-siet-chat-quan-ly-bao-ve-tai-nguyen-khoang-san-54293