Sông Mã quản lý các thủy điện vừa và nhỏ

Tận dụng lợi thế của hệ thống sông, suối có độ dốc cao, thời gian qua, huyện Sông Mã đã quan tâm phát triển các thủy điện vừa và nhỏ, góp phần tích cực vào việc phát triển KT-XH của địa phương, đảm bảo an ninh năng lượng.

Phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy thủy điện Nậm Công 4, xã Huổi Một (Sông Mã).

Sông Mã hiện có 7 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tập trung ở các xã: Mường Cai, Huổi Một, Chiềng Khoong, Nậm Mằn, Chiềng Cang, Mường Hung. Năm 2020, tổng sản lượng điện của các nhà máy đạt hơn 125 triệu kWh, doanh thu gần 185 tỷ đồng, nộp thuế 29,4 tỷ đồng. Hằng năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch quản lý các dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn với mục tiêu tăng cường quản lý hoạt động trong quá trình vận hành sản xuất của các dự án thủy điện vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản và sản xuất của người dân khu vực dự án; đảm bảo an toàn công trình thủy điện trong mùa mưa lũ gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, quá trình xây dựng và vận hành, nhất là mùa mưa lũ. Đồng thời, đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vùng thượng lưu và hạ lưu; giữ vững an ninh trật tự tại các địa phương vùng dự án thủy điện trên địa bàn huyện.

Suối Nậm Công có địa hình dốc, lượng nước ổn định nên nhiều đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện. Là một trong những nhà máy thủy điện được xây dựng sớm (từ năm 2008 và hoàn thành đưa vào vận hành tháng 3/2010), Nhà máy thủy điện Nậm Công 4 đầu tư xây dựng với 2 tổ máy công suất 10 MW. Nhà máy hiện có 14 cán bộ, công nhân chủ yếu là người địa phương quản lý và vận hành.

Anh Đào Kim Cương, Giám đốc Nhà máy thủy điện Nậm Công 4, thông tin: Hiện đang vào mùa khô, nên một ngày, Nhà máy chỉ phát điện 5 giờ. Khi không phát điện, chúng tôi tập trung sửa chữa, bảo dưỡng lại hệ thống máy móc, trang thiết bị để chuẩn bị cho đợt vận hành cao điểm từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay. Hằng năm, Nhà máy xây dựng các phương án ứng phó thiên tai, phương án bảo vệ đập, cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với huyện, xã, bản trong việc thông tin, phòng chống lũ bão, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Nhà máy đã ủng hộ 50 triệu đồng vào Quỹ Hội Khuyến học huyện; tặng 100 triệu đồng cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn của xã Huổi Một để xóa nhà tạm.

Các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn huyện Sông Mã chủ yếu được xây dựng theo kiểu thủy điện bậc thang, có tuyến hầm dẫn nước trực tiếp vào các tổ máy chứ không tạo áp lực từ trên cao, cột nước thấp nên ít tác động đến rừng, không ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy tự nhiên, hạn chế tối đa chiếm diện tích đất và không gây ngập lụt đối với diện tích trồng cây các loại ven sông, suối.

Bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Huyện đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, chủ đầu tư khảo sát, lập và đưa vào quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn. Chỉ đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp trong xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện, làm tốt công tác phòng, chống lũ bão, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện đã cơ bản chấp hành việc nộp tiền thuế, phí dịch vụ môi trường rừng theo sản lượng điện phát ra.

Các thủy điện trên địa bàn huyện Sông Mã đang vận hành đã có những đóng góp cho ngân sách, tuy nhiên cấp ủy, chính quyền địa phương cần sát sao trong việc chỉ đạo phối hợp theo dõi, quản lý các công trình thủy điện, đảm bảo an toàn về sản xuất và tính mạng, tài sản của nhân dân.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/song-ma-quan-ly-cac-thuy-dien-vua-va-nho-39572