Song Khủa bảo vệ 'đầu cơ nghiệp'

Ở xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, hiện đàn trâu, bò vẫn được coi là 'đầu cơ nghiệp', chỉ khác ở chỗ, bà con không còn nuôi theo hình thức thả rông, nuôi để lấy sức kéo, mà đã chuyển sang nuôi nhốt chuồng, hoặc bán chăn thả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với trồng cỏ.

Người dân xã Song Khủa, huyện Vân Hồ phát triển chăn nuôi gia súc.

Đến thăm gia đình ông Vũ Văn Chắc, bản Co Súc, một trong những hộ chăn nuôi đại gia súc lớn của xã Song Khủa. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Chắc còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong bản với mức tiền công ổn định 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Chắc chia sẻ: Sau nhiều năm, gia đình đã lựa chọn làm giàu từ mô hình nuôi đại gia súc nhốt chuồng. Hiện nay, gia đình đang nuôi 60 con trâu, bò, trong đó có hơn 40 con bò đực thương phẩm, còn lại là trâu, bò sinh sản để nhân giống tăng đàn vật nuôi và trồng 2 ha cỏ voi. Số lượng trâu, bò lớn, nên gia đình đặc biệt quan tâm công tác phòng chống dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rắc vôi bột trên lối ra, vào chuồng. Tính riêng năm 2021, gia đình đã xuất bán 30 con bò thương phẩm và con giống, sau khi trừ hết các chi phí, thu lãi hơn 500 triệu đồng.

Ông Vì Văn Son, Chủ tịch UBND xã Song Khủa, cho biết: Xã đã tuyên truyền, khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ voi với trên 70 ha. Thức ăn cho đàn gia súc được đảm bảo thường xuyên, kể cả trong những tháng mùa đông. UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn các hộ chăn nuôi đầu tư con giống có chất lượng; làm chuồng trại kiên cố, đúng kỹ thuật. Ngoài ra, vận động bà con tận dụng rơm rạ, thân lá cây ngô sau khi thu hoạch để ủ chua làm thức ăn dự trữ trong mùa đông; chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn gia súc.

Cùng với việc vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, xã cũng đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống; phòng, chống dịch bệnh, làm chuồng trại kiên cố. Các tổ chức đoàn thể, ngân hàng ký kết ủy thác, tín chấp, hỗ trợ vốn để người dân có vốn đầu tư chăn nuôi. Hiện, UBND xã chỉ đạo các bản rà soát chặt chẽ số hộ chăn nuôi và số lượng gia súc trên địa bàn để chuẩn bị thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ xuân - hè bảo vệ đàn vật nuôi; tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh và tầm quan trọng của việc tiêm phòng để chủ động thực hiện phòng dịch bệnh cho đàn gia súc.

Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành các khu chăn nuôi tập trung, quy mô tại các bản, như: Co Súc, Tầm Phế, Song Hưng, Suối Sấu... Bên cạnh việc phát triển gia súc thương phẩm, nhiều hộ đã mạnh dạn chăn nuôi gia súc sinh sản để chủ động nguồn giống tại chỗ. Hiện, tổng đàn vật nuôi của xã Song Khủa đạt trên 8.000 con, trong đó có trên 3.400 con trâu, bò. Nhiều hộ đã thoát nghèo, kinh tế khá giả nhờ chăn nuôi gia súc, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm như: Gia đình ông Mùi Văn Vân, bản Suối Sấu có hơn 40 con trâu, bò nuôi bán chăn thả; ông Đinh Văn Uôn, bản Tà Lạc, chăn nuôi 20 con trâu, bò; anh Đinh Văn Thư, bản Song Hưng duy trì 12 con trâu, bò...

Phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh cùng với sự năng động của người dân, chăn nuôi gia súc ở Song Khủa đã và đang được duy trì, phát triển ổn định. Đây cũng là hướng đi để địa phương đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/song-khua-bao-ve-dau-co-nghiep-49520