Song hành hai ước mơ nhà báo, nhà giáo

Khi còn là học sinh, tôi từng ước mơ trở thành nhà báo.

Cô Hằng và học trò. Ảnh: NVCC

Cô Hằng và học trò. Ảnh: NVCC

Nhà báo được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, biết nhiều thứ… Lưng đeo balô, tay cầm máy ảnh… thong dong trên những cung đường, những thảo nguyên, những biển, những hồ, những sông, những suối… Hoặc len lỏi giữa những người áo đẫm mồ hôi, miệng cười hi vọng… Khoảnh khắc đẹp luôn giúp cuộc sống đẹp hơn. Tôi muốn trở thành nhà báo để chuyển tải thông điệp đó. Ước mơ của tôi càng lớn hơn khi tôi xem nhà báo Tạ Bích Loan dẫn chương trình Bảy sắc Cầu Vồng, Đường lên đỉnh Olympia… Đây là những chương trình gắn với thế hệ 8x đời đầu như tôi.

Cùng với ước mơ trở thành nhà báo, tôi còn ước mơ trở thành nhà giáo – ươm mầm tri thức cho các lứa học trò. Làm cô giáo thì ngày ngày giảng bài, quan tâm, dẫn dắt học trò trong hành trình trưởng thành của từng em. Ước mơ này bắt nguồn từ chính các thầy cô đã từng dạy tôi. Mỗi thầy cô cho tôi một lí do, một động lực, một niềm tin… nuôi dưỡng ước mơ giản dị mà cao đẹp này. Tôi yêu thích những bài hát ca ngợi thầy cô, đặc biệt là thầy cô nơi hải đảo, vùng cao. Tôi sẵn sàng dạy học ở những nơi ấy. Sáng lên lớp; chiều bắt cá, hái măng với học trò; tối ôn bài rồi cùng nhau múa hát… Cuộc sống yên bình, thú vị biết bao…

Khi làm hồ sơ thi đại học, lựa chọn nghề báo hay nghề giáo là khó khăn đối với tôi. Căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh, khả năng của bản thân và gia đình, tôi quyết định thi sư phạm. Quyết định này không buộc tôi phải đoạn tuyệt với nghề báo bởi tôi đăng kí thi khoa Ngữ văn – chuyên ngành có thể viết báo.

Đỗ Đại học Sư phạm là tin vui đáng giá ngàn vàng với tôi. Không bỏ lỡ cơ hội thực hiện song hành hai ước mơ, tôi vừa học sư phạm, vừa viết bài cho một số báo, tạp chí. Cảm giác có bài đăng báo rất khó tả: Vui, sướng, hạnh phúc… và nhiều hơn thế vì sau mỗi bài được đăng, tôi có nhiều bạn mới từ nhiều nơi gửi thư về.

Bốn năm đại học trôi qua, tôi chính thức trở thành cô giáo. Nơi tôi dạy không phải hải đảo, cũng không phải vùng cao mà là một thị trấn nhỏ nhưng nhộn nhịp. Mỗi học sinh một hoàn cảnh, một cá tính, một sở trường... đặc biệt. Điểm chung của hầu hết các em nằm ở sự lười, ngông, bố đời và mẹ thiên hạ... Ngày mới về dạy, tôi rất sốc. Tôi từng là học sinh nhưng chưa từng như thế, cũng không nghĩ trên đời có học sinh như thế: Xăm trổ, hổ báo, tráo chác…

Ở lâu trong cái sốc, tôi đã dần quen và càng lúc càng thấy thương học trò hơn. Nhà văn Nam Cao từng viết trong truyện ngắn “Lão Hạc” rằng: “Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...”.

Tôi đã cố tìm và hiểu rằng: Học trò nơi tôi dạy thực ra không đến nỗi. Dẫn đễn cơ sự này một phần do gia đình các em thiếu quan tâm, thừa phó mặc; bản thân các em thiếu ý chí, thừa thể hiện… Thành ra, tai tiếng học trò Trung tâm Giáo dục thường xuyên bị đồn thổi tùm lum tà la. Bằng lương tâm và sứ mệnh nghề nghiệp, tôi dốc sức chứng minh cho các học trò rằng: Các em hoàn toàn xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp nếu các em thực sự quyết tâm, chăm chỉ.

Với cô Hằng, vinh dự nào hơn khi học trò có tên, có mặt trong tờ báo lớn nhất của ngành Giáo dục nước nhà!. Ảnh: NVCC

Với cô Hằng, vinh dự nào hơn khi học trò có tên, có mặt trong tờ báo lớn nhất của ngành Giáo dục nước nhà!. Ảnh: NVCC

Cùng với việc dạy học, tôi tiếp tục viết bài đăng báo. Tôi chọn viết những học trò tiến bộ để cổ vũ các em, đồng thời khích lệ những em khác tăng tốc cố gắng. Học trò nào tích cực sẽ được xuất hiện trong sáng tác tiếp theo của cô giáo. Đây là món quà, là phần thưởng mà bất kì học trò nào của tôi cũng thích.

Mỗi khi nhận báo biếu từ tòa soạn, tôi nhường học trò mở phong thư. Giây phút ấy rất hồi hộp. Cả lớp chờ đợi và cùng vỗ tay khi quyển Báo Giáo dục & Thời đại - ấn phẩm Chủ nhật (bộ mới) được giơ lên. Vinh dự nào hơn khi học trò của tôi có tên, có mặt trong tờ báo lớn nhất của ngành Giáo dục nước nhà!

Quyển báo ấy được truyền tay khắp lớp, đảm bảo tất cả học trò cùng được nhìn thấy, chạm vào. Nhân vật trong sáng tác của tôi là người đọc đầu tiên. Đọc to trước lớp. Và được quyền mượn về cho gia đình cùng đọc. Phụ huynh phấn khởi cam kết: Sẽ nhắc nhở con chăm hơn, ngoan hơn, ý thức hơn… để không phụ niềm tin yêu của cô giáo. Đối với người giáo viên, đó là động lực để yêu nghề, say nghề, đặc biệt ở môi trường mà nhiều người ái ngại, lắc đầu.

Cuộc đời mỗi người đều có duyên may riêng. Đối với tôi, được cộng tác thường xuyên với Báo Giáo dục & Thời đại không chỉ là duyên may mà còn là duyên kì ngộ. Một sự gặp gỡ hoàn toàn ngẫu nhiên nhưng rất tâm đầu ý hợp. Tôi từng thi tuyển và làm việc tại VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhà báo Tạ Bích Loan khi ấy là Trưởng ban Thanh thiếu niên. Được làm việc cùng thần tượng là niềm vinh hạnh của tôi. Tôi bất ngờ hơn khi các nhà báo khác tường thuật lại lời khen của chị dành cho tôi trong quá trình tuyển dụng. Lời khen ấy khiến các nhà báo tò mò về một người ngoại đạo – cô giáo được Trưởng Ban trực tiếp chấm chọn.

Công việc tại Đài Truyền hình hấp dẫn nhưng cũng đầy thử thách. Tại những buổi truyền hình trực tiếp, do đặc thù công việc, các nhà báo thường về rất muộn: Mười hoặc mười một, mười hai giờ… đêm. Điều này không phù hợp với người nuôi con nhỏ và sức khỏe đang có chút vấn đề như tôi lúc đó.

Sự phù hợp rất quan trọng, và tôi thấy được điều đó tại Báo Giáo dục & Thời đại. Tôi được trải lòng trên những trang văn, được gửi gắm những câu chuyện đời, chuyện nghề, những thông điệp, những ước muốn… của bản thân. Báo Giáo dục và Thời đại là người bạn tri kỉ giúp tôi cân bằng cảm xúc, tâm trạng trong giai đoạn màn đêm của cuộc đời.

Báo Giáo dục & Thời đại là người bạn tri âm đem đến cho tôi niềm vui, sự thăng hoa, sáng tạo… trong hành trình thực hiện hai ước mơ: Viết báo và dạy học. Bài viết này, tôi đặc biệt viết để tri ân Ban biên tập, những người đã tạo dựng cho tôi và các đồng nghiệp, các học sinh trên dải đất hình chữ S có ngôi nhà chung tại Ấn phẩm Chủ nhật hàng tuần để tỏ bày, gặp gỡ, để tìm, để hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: 21/6, tôi xin chúc các nhà báo, đặc biệt các nhà báo đang công tác tại Báo Giáo dục & Thời đại sức khỏe dồi dào, cùng giáo viên và học sinh đưa giáo dục Việt Nam ngày càng vươn cao, gặt hái được nhiều thành tựu tốt đẹp.

Nguyễn Thị Hằng (Giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lương Tài, Bắc Ninh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/song-hanh-hai-uoc-mo-nha-bao-nha-giao-post643455.html