Sóng gió khi Erdogan hàn gắn quan hệ đồng minh với Mỹ

Tổng thống Tayyip Erdogan vừa rời Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain đã kêu gọi trục xuất Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 18/5, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã kêu gọi trục xuất Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ sau khi bạo lực bùng phát giữa những người biểu tình ủng hộ cộng đồng người Kurd và các nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Nhà Trắng gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Trả lời phỏng vấn MSNBC, thượng nghị sĩ McCain, một trong những người có tiếng nói về chính sách ngoại giao hàng đầu tại Quốc hội Mỹ, nêu rõ: "Chúng ta nên trục xuất Đại sứ của họ ra khỏi Mỹ".

Biểu tình biến thành ẩu đả lớn trước đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ

Liên quan đến cuộc đụng độ nói trên, ít nhất 9 người bị thương và 2 người đã bị bắt bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington.

Đoạn video từ hiện trường cho thấy một số người bị chảy máu. Một số báo Mỹ cho rằng các nhân viên bảo vệ của Tổng thống Erdogan đã bị kéo vào cuộc đụng độ này khi tổng thống tới thăm đại sứ quán.

Người đứng đầu Washington D.C., Muriel E. Bowser đã lên án vụ việc: "Những gì chúng ta đã thấy ngày hôm qua, một cuộc tấn công bạo lực vào một cuộc biểu tình ôn hòa, là một sự sỉ nhục đối với các giá trị của Washington D.C. và các quyền của người Mỹ".

Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã yêu cầu phía Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi. "Chúng tôi mạnh mẽ lên án vụ bạo lực xảy ra ngày hôm qua bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi ngay lập tức vì sự tham gia của bất kỳ viên chức nào trong việc tấn công người biểu tình", các thượng nghị sĩ viết trong một tuyên bố.

Vụ việc trên cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa hết căng thẳng.

Ngay cả cuộc gặp gỡ ngắn giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/5 cũng không mang lại kết quả tích cực.

Mâu thuẫn và nghi kỵ vẫn bao trùm lên mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn nhìn bề ngoài là đồng minh của nhau trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Mặc dù khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh lâu dài trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhưng Tổng thống Trump không hề nhắc đến lo ngại của Ankara về quyết định vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Syria cũng như yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người được cho là đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Tổng thống Trump chỉ cam kết chung chung rằng Mỹ sẽ "theo dõi sát sao" giáo sĩ Gulen có thể coi là một thất bại của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Mỹ lần này.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn bảo vệ quyết định vũ trang cho lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) – một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách các nhóm khủng bố, điều mà ông Erdogan tuyên bố tại cuộc họp báo là "không thể chấp nhận được".

Cho đến nay, Mỹ không thể chối bỏ việc rất cần Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS, cũng như sử dụng chính quyền Ankara làm đối trọng với Iran tại Trung Đông.

Tuy nhiên, việc Washington có ủng hộ ông Erodgan hay không là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Cũng như các nước EU, chính quyền Mỹ không ủng hộ "chiến dịch thanh trừng" mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành trong nhiều tháng qua nhằm vào hàng chục nghìn đối tượng bị cáo buộc tham gia và ủng hộ cuộc đảo chính bất thành.

Mặc dù Tổng thống Trump đã gọi điện chúc mừng ông Erdogan sau thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp, nhưng với những gì diễn ra tại cuộc gặp cấp cao trực tiếp vừa qua tại Nhà Trắng, khó có thể xem đây thực sự là mối quan hệ giữa hai đồng minh.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/song-gio-khi-erdogan-han-gan-quan-he-dong-minh-voi-my-3335712/