Sóng gió chưa nguôi

Cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở Đức chính thức mở ra một nhiệm kỳ mới cho bà Angela Merkel.

Với kết quả đã được dự đoán trước, bà Merkel giành kỷ lục tương đương cựu Thủ tướng Helmut Kohl, trở thành thủ tướng lâu năm nhất trong lịch sử nước Đức thời hậu chiến. Qua lá phiếu ủng hộ, cử tri Đức đã đặt niềm tin và sự kỳ vọng vào đương kim Thủ tướng Merkel.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, như nước Anh quyết định chia tay Liên minh châu Âu (EU), nước Mỹ có tổng thống mới là một nhà tỷ phú, cuộc khủng hoảng di cư chưa được giải quyết tận gốc hay bóng đen khủng bố vẫn bủa vây, cử tri Đức càng khao khát hơn nữa đất nước sẽ duy trì sự thịnh vượng, ổn định và phát triển bền vững như trong suốt 3 nhiệm kỳ bà Merkel nắm quyền.

Thế nhưng, dù giành chiến thắng có vẻ dễ dàng, người phụ nữ quyền lực nhất thế giới lại chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ lần thứ tư với không ít sóng gió mới.

Chiến thắng dễ dàng

Cuộc bầu cử Quốc hội Ðức vừa “hạ màn” và không ngoài dự kiến, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel và đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) đã giành thắng lợi với khoảng 33% tổng số phiếu bầu.

Ðảng Dân chủ Xã hội (SPD) chỉ giành được 20,5% tổng số phiếu, trong khi đảng Xanh và đảng Cánh tả duy trì tỷ lệ ủng hộ bằng năm 2013 với 8,8% tổng số phiếu bầu. Điều đáng quan tâm là sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).

Giành được 12,6% số phiếu ủng hộ, AfD lần đầu tiên có mặt trong Quốc hội và giữ vị trí đảng lớn thứ ba trong cơ quan lập pháp của Đức. Dù Chính phủ Đức do bà Merkel lãnh đạo đã xử lý tương đối ổn thỏa cuộc khủng hoảng di cư, bố trí chỗ ở, hướng nghiệp và dạy tiếng Đức cho khoảng 1 triệu người tị nạn, đồng thời trục xuất những người không đủ điều kiện về nước, nhưng AfD với chủ trương chống người di cư vẫn có được 95 ghế trong Quốc hội.

Tuy nhiên, kết quả nêu trên đã gây thất vọng bởi đây là lần đầu trong vòng 70 năm qua đảng của bà Merkel thắng cử với số phiếu thấp như vậy. Trước cử tri, bà Merkel thừa nhận rằng trước đó bà kỳ vọng kết quả tốt đẹp hơn.

Bà Angela Merkel đắc cử nhiệm kỳ thứ tư, trở thành Thủ tướng lâu năm nhất trong lịch sử nước Đức thời hậu chiến.

Bà cũng nói về “những tuần lễ cam go sắp tới” và cam kết sẽ giành lại những lá phiếu rơi vào tay AfD. Nữ thủ tướng vẫn khẳng định sự tự tin của mình và thông báo nước Đức sẽ có chính phủ mới vào dịp Giáng sinh.

Trên thực tế, cử tri Đức rất kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới của bà Merkel bởi lẽ dù liên minh với đảng nào, Chính phủ Đức cũng đưa đất nước vượt qua khó khăn. Trong suốt 12 năm qua, Angela Merkel đã lèo lái con thuyền nước Đức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 đến cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, giúp Đức giữ vững vị trí là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới nói chung và Liên minh châu Âu nói riêng.

Theo giới phân tích, chính sách kinh tế là điểm mạnh nhất của Thủ tướng Merkel, và thực tế kinh tế Đức đang trở thành điểm tựa giúp bà giành ưu thế tuyệt đối trong cuộc đua trở thành Thủ tướng Đức nhiệm kỳ mới. Trên chính trường Đức bà Merkel vẫn nhấn mạnh các ưu tiên chính sách là tiếp tục thực hiện tốt những gì mà bà đã theo đuổi suốt 12 năm qua.

Bất chấp kinh tế châu Âu trải qua rất nhiều biến động và khủng hoảng, kinh tế Đức vẫn tăng trưởng ấn tượng, đạt 0,7% trong quý I và 0,6% trong quý II năm nay.

Bên cạnh việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế ổn định, nước Đức đã giải quyết tốt phúc lợi xã hội, nâng cao mức sống cho phần đông người dân. Đức cũng là một trong những “tấm gương” của châu Âu khi đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn trong 2 năm qua, giải quyết các nhu cầu cơ bản về nhà ở, giáo dục, y tế hay việc làm cho họ.

Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc bầu cử vừa qua tại Đức “chỉ là hình thức” khi những cuộc thăm dò dư luận gần đây luôn cho thấy tỷ lệ cử tri Đức ủng hộ nữ Thủ tướng rất vượt trội (so với những đối thủ khác). Rõ ràng, khi mọi thứ đang tốt đẹp, người dân Đức dường như không muốn có sự thay đổi.

Phát biểu sau chiến thắng, bà Merkel luôn nhấn mạnh rằng cử tri Đức hãy tiếp tục tin tưởng và dành sự ủng hộ cho bà, cũng như liên đảng CDU/CSU, để nước Đức luôn mang đến một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả người dân Đức như những gì họ đang tận hưởng.

Trước đây, Angela Merkel đã trải qua một nhiệm kỳ nhiều sóng gió khi nước Đức cũng như EU (mà Đức có vai trò dẫn dắt) đã phải đối mặt các cuộc khủng hoảng dồn dập. Khi cuộc khủng hoảng di cư lên đến đỉnh điểm và kinh tế EU xuống đáy, các chính sách của bà Merkel đã bị đặt dấu hỏi, và nhiều nhà phân tích dự báo việc “ra đi” của bà khỏi chính trường Đức. Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ, một kết thúc có hậu đã xuất hiện dành cho bà Merkel.

Nhiều thách thức

Truyền thông Đức cho hay, chiến thắng của bà Merkel không chỉ mang tính cá nhân mà còn là niềm hạnh phúc cho người dân Đức trong thời kỳ “quốc thái dân an”. Còn đối với EU, chiếc ghế Thủ tướng Đức “không đổi chủ” cũng bảo đảm định hướng và chính sách phát triển ổn định cho cả khối này trong những năm tới.

Tuy nhiên, dẫu liên minh CDU/CSU chiến thắng và bà Merkel chắc chắn trở thành Thủ tướng Ðức nhiệm kỳ tới, song bà Merkel phải đối mặt một loạt thách thức và những mối lo lớn, trước hết là việc tìm ra đối tác để thành lập một chính phủ liên minh. SPD đã tuyên bố không tiếp tục tham gia chính phủ liên minh mà muốn trở thành đảng đối lập.

Kinh tế Đức là điểm tựa giúp bà Merkel giành ưu thế tuyệt đối trong cuộc đua trở thành Thủ tướng Đức.

Trong khi đó, Thủ tướng Merkel nói rằng bà không muốn lãnh đạo một chính phủ thiểu số hay chấp nhận “chung thuyền” với AfD và đảng Cánh tả. Như vậy, CDU/CSU dường như chỉ còn lựa chọn liên minh với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh.

Thế nhưng, các cử tri của đảng Xanh thích duy trì đảng đối lập truyền thống hơn liên kết với CDU/CSU, vì vậy chưa chắc đảng này gia nhập liên minh cầm quyền của bà Merkel. Trong trường hợp CDU/CSU, FDP và đảng Xanh trở thành một liên minh thì đây sẽ là liên minh tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn vì giữa CDU/CSU với 2 đảng này tồn tại không ít bất đồng.

Một trong những thách thức lớn nhất của bà Merkel khi xây dựng chính phủ liên minh với FDP và đảng Xanh sẽ là các chính sách nhập cư và tị nạn khi các bên vốn đã có sự khác biệt lớn trong quan điểm và khó có thể đạt được bất cứ đồng thuận nào.

Chưa hết, ngay cả khi lập được chính phủ liên minh, bà Merkel sẽ đối mặt không ít chông gai khi kết quả bầu cử cho thấy uy tín của cá nhân bà đã giảm sút so với nhiệm kỳ trước. Ðồng thời, đảng cực hữu AfD cũng có thể trở thành “kẻ phá rối” với bà Merkel và liên minh cầm quyền khi tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối các chính sách của chính quyền Merkel.

Trên thực tế, Angela Merkel sẽ bước lên “đài vinh quang” trong một nhiệm kỳ mới nhiều sóng gió khi phải gánh vác 2 nhiệm vụ rất quan trọng: lãnh đạo nước Đức trong 4 năm tiếp theo, đồng thời giữ vai trò đầu tàu lèo lái EU vượt qua những bất ổn hiện nay.

Trong nước, bà Merkel cần phải tiếp tục việc bảo đảm sự thịnh vượng kinh tế và thống nhất trong nội bộ nước Ðức, giải quyết vấn đề di cư và bảo đảm một nước Ðức tự do - thống nhất. Ðiều này trở nên đặc biệt khó khăn khi phe cực hữu AfD có vai trò đáng kể trong Quốc hội Ðức. Các chính sách nhập cư của bà Merkel có thể sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ AfD - đảng đang ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân Ðức.

Ở phương diện châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel vẫn đang tiếp tục ưu tiên đoàn kết Liên minh châu Âu, củng cố và đổi mới EU để ngăn chặn nguy cơ tan rã, mà trước mắt là tiến hành “cuộc ly hôn” giữa EU và Anh, cuộc chiến chống khủng bố, giải quyết khủng hoảng người nhập cư, hay xúc tiến quan hệ với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Rõ ràng, sóng gió với bà Merkel vẫn chưa nguôi. Nữ Thủ tướng sẽ phải tìm kiếm sự đồng thuận giữa các đảng trong liên minh cầm quyền, giành lại niềm tin của những cử tri đã bỏ phiếu cho AfD, hay đẩy mạnh các quan hệ quốc tế, trong đó có cải cách EU, thúc đẩy thương mại tự do, và ứng phó với “những bất ngờ”.

Bà khẳng định với những người ủng hộ rằng, cần tìm ra một phương pháp để đấu tranh với việc nhập cư bất hợp pháp, bởi vấn đề an ninh là nỗi lo quan trọng không kém gì vấn đề kinh tế. Những thách thức này đòi hỏi chính quyền mới của bà Merkel cần có những điều chỉnh kịp thời và sáng suốt trong chính sách đối nội và đối ngoại...

Doãn Anh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/5githang-song-gio-chua-nguoi-462036/