Sống để phiêu lưu: Yersin và những 'đứa trẻ'

Là tác giả của nhiều tựa sách hư cấu và phi hư cấu viết về Đà Lạt, mới đây Nguyễn Vĩnh Nguyên bất ngờ trở lại với một tác phẩm dành cho độc giả thiếu niên mang tên 'Sống để phiêu lưu - Những cuộc thám hiểm của ông Năm Yersin'.

Như tiêu đề, đây là cuốn sách kể về cuộc đời, sự nghiệp của bác sĩ Alexandre Yersin (1863 - 1943), người đã đóng góp rất lớn không chỉ cho người Việt mà còn đánh bại nhiều dịch bệnh đã từng hoành hành từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Bằng lối viết trong sáng, dễ hiểu, hướng đến độc giả nhỏ tuổi, cuốn sách không chỉ kể lại cuộc đời của một vĩ nhân, mà cũng đồng thời truyền đi bài học “Ce n'est pas une vie que de ne pas bouger - Sống mà không xê dịch thì không phải là sống”.

Nỗ lực tìm tiếng nói mới

Trong những năm qua, đã có rất nhiều tác phẩm viết về Yersin được cho ra mắt cũng như xuất bản ngay tại Việt Nam. Đó là thuận lợi cũng là khó khăn, khi nguồn tư liệu đã khá đầy đủ nhưng cũng từ đó mà những người chấp bút phải tìm ra cách để các tác phẩm trở nên khác biệt. Nếu Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương được viết bằng lối tường thuật đơn giản, trong sáng, mô tả một cách chính xác trải nghiệm của Yersin, thì ở cuốn sách đoạt giải Femina 2012 - Yersin: Dịch bệnh và Thổ tả - tác giả người Pháp Patrick Deville đã dựng nên những “cuộc đời song chiếu” để làm nổi bật việc phải liên tục đứng trước ngả rẽ của vị bác sĩ.

Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã xuất bản nhiều tác phẩm biên khảo, tản văn, tiểu thuyết về Đà Lạt gây tiếng vang. Ảnh: CTV

Kế thừa từ những điều này, Nguyễn Vĩnh Nguyên bên cạnh khả năng tưởng tượng những lối dẫn mới cũng tạo nên được sự hài hòa trong việc kết hợp những lối viết trên. Là nhà nghiên cứu có sự tiếp xúc với nhiều tư liệu trong các năm qua, nên việc sắp xếp, bố trí cũng như cấu trúc ở tác phẩm này đã được thực hiện một cách khúc chiết và rất sáng tạo. Điều khó ở đây là phải làm sao để câu chuyện vừa mới mẻ, hạn chế trùng lắp; đồng thời phải thật phù hợp với đối tượng mà anh hướng đến, đó là trẻ em.

Vì vậy mở đầu tác phẩm, nhà văn đã tạo ra một nhân vật hư cấu (mà cũng ít nhiều dính dáng đến mình) là cậu bé Nguyễn An Nam trong những ngày cuối của Yersin ở xóm Cồn. Ở đó những em nhỏ được vào không gian nơi vị bác sĩ và nhà thám hiểm đã dành rất nhiều năm tháng của cuộc đời mình, được xem những cuốn phim cũ mô phỏng hành trình của ông, cũng như được lắng nghe, khuyên răn, học hỏi bởi một con người đã dành cả đời theo đuổi những mục đích sống.

Điểm khởi đầu này có phần giống với Patrick Deville, khi trong Yersin: Dịch hạch và Thổ tả, ông đã bắt đầu cuốn sách vào thời điểm Yersin lên chuyến bay cuối cùng từ Pháp về Việt Nam, và sẽ không còn quay lại nơi đã gắn bó. Chính bằng việc đảo dòng thời gian mà hai nhà văn đã tạo nên được lối dẫn về những ngày xưa, với ký ức và sự ngậm ngùi của quá khứ, cũng như mở lối cho sự can thiệp của tính hư cấu vào phi hư cấu. Với Nguyễn Vĩnh Nguyên, ký ức là một hấp lực không dễ chối bỏ, không chỉ trong việc yêu thích các tác giả/tác phẩm thường xuyên khai thác chủ đề lớn này, mà còn trong những cuốn sách của anh - từ các nghiên cứu, biên khảo, cho đến tiểu thuyết có sự nhân đôi - Ký ức của ký ức

Như anh chia sẻ, bản thân viết tác phẩm này dành cho con trai ở tuổi 13, để lúc nào đó thế hệ tiếp sau có thể tìm thấy ngôn ngữ của thời đại mình, hoặc là xa hơn để được gặp gỡ một biểu tượng lớn có tính soi dẫn. Thế nhưng viết cho con trai cũng là cho mình, cho sự tương đồng giữa anh và vị vĩ nhân về việc khai phá những vùng đất mới dẫu là thiên nhiên hay trên trang viết. Đó cũng là sự trở lại của những cảm hứng mà anh chia sẻ đã đọc tiểu sử, hồi ký, nhật ký của Yersin từ hơn 20 năm trước. Và cũng có khi trong những chọn lựa cuộc sống, anh nghĩ đến ông. Vì vậy có thể nói Sống để phiêu lưu dành cho mọi người, và ở mỗi nơi một người nào đó cũng sẽ tự mình nhìn thấy một góc nào đó.

Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên và con trai trong một chuyến đi Đà Lạt. Ảnh: NVCC

Với độc giả thiếu niên, đó có thể là sức hút của những phong tục lạ thường của người xứ Thượng như cúng thịt và trái cây cho thần Sấm, nghi thức tang ma kéo dài cả tháng... Hoặc cũng có thể là trong trải nghiệm gần như cận tử của Yersin với toán cướp muốn kéo đến Phan Rang hành hung người Pháp... Những chi tiết này được cắt gọt và rồi điều chỉnh một cách khéo léo, phù hợp với đối tượng mà tác phẩm phái sinh hướng đến, bởi trong Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương, còn nhiều hơn nữa những điều mới mẻ Yersin viết ra.

Vọng âm đến từ quá khứ

Nguyễn Vĩnh Nguyên bằng những cắt dán thể loại cũng giúp cuốn sách trở nên đa dạng và nhiều màu sắc. Có khi là sự song chiếu như cách Deville đã làm, khi anh đặt ra giả thiết rằng sự đam mê với việc khám phá của vị bác sĩ có trùng hợp nào với Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio được đăng dài kỳ trên tuần báo Il Giornale dei Bambini của nhà văn Ý Carlo Collodi, hoặc cũng đôi khi là việc trích dẫn toàn văn của ông, khi mà trải nghiệm của người trong cuộc và chính những gì ông viết ra mới chạm đến được cảm xúc người đọc...

Chẳng hạn đó là bức thư khi Yersin gửi về cho mẹ. Trong đó ông viết: “Lúc này mẹ hỏi con có còn hứng thú với những thực hành y khoa hay không? Mẹ ơi, có, và không. Con vừa thích được thăm khám cho những người tìm đến chờ lời khuyên của một bác sĩ, song vừa lại không muốn dùng chuyên môn ngành y để mà kiếm sống như một cái nghề. Nghĩa là con không muốn bệnh nhân phải trả công khám bệnh và điều trị cho mình. Con trót xem nghề y như là một thứ thiên chức, như là một thầy tu chăm sóc phục vụ đời sống tinh thần của tín đồ vậy. Nếu con đòi tiền của bệnh nhân, thì có khác nào con ngầm bảo với họ rằng “các người muốn sống thì hãy bỏ tiền ra”…”.

Tác phẩm với nhiều tranh minh họa của họa sĩ Linh Rab, do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn phát hành cuối tháng 2.2024. Ảnh: Minh Anh

Những dòng chữ ấy chất chứa xót xa mà khi viết lại bằng một giọng khác sẽ không tái hiện được cảm xúc đó. Cũng như trận chiến với toán tù nhân tiến đến Phan Rang sẽ không thể nào có tính gấp rút cũng như hấp dẫn khi được viết lại… Chính cách chọn lựa tôn trọng sự thật cũng như giữ nguyên cảm xúc của chính nhân vật đã giúp Sống để phiêu lưu hấp dẫn và chân thật hơn. Nó không chỉ khiến cấu trúc tác phẩm trở nên đa dạng, mà mặt cảm xúc cũng được giữ nguyên một cách trung thực.

Một điều khác nữa mà Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng đào sâu hơn là sự gần gũi của chính Yersin với các em nhỏ. Đó là thời bình với sự thương yêu và những lời khuyên chân thành, đồng thời còn là những năm tháng cũ, khi ông tham gia điều trị với tư cách bác sĩ ngoại trú trong bệnh viện nhi của giáo sư Grancher, nơi có nhiều trẻ em nghèo mắc các bệnh truyền nhiễm như: lao, tả, bạch hầu, viêm màng não và các dị tật... từ đó đi vào nghiên cứu chuyên sâu vắc xin ngừa các bệnh này.

Nhưng những đứa trẻ không chỉ là các bệnh nhi, mà cũng đồng thời là người xứ Thượng. Như ông từng viết trong cuốn hồi ký: “Nếu công việc khiêm tốn của tôi có thể thu hút chút ít sự chú ý của Chính phủ tới vùng đất người Thượng, tôi sẽ coi như mình được đền đáp cho những đau đớn và khổ sở mà tôi phải chịu đựng trong suốt những chuyến đi khác nhau, vì tôi đã học cách yêu thương người Thượng trong suốt thời gian ở đó; họ là những đứa-trẻ-lớn cần được dẫn dắt bởi một bàn tay vững chắc và công bình, và những đứa trẻ sẽ biết ơn vì điều đó”.

Vì vậy nỗ lực mang y tế đến hay là giảng giải cho các mâu thuẫn giữa nhiều buôn làng... cũng chính là một bài học đáng được ghi nhận, bởi “Anh đã sống ở Paris và chốn núi non này, anh nhận ra con người văn minh man rợ kiểu văn minh, con người man rợ thì man rợ kiểu... man rợ. Anh cảm thấy mệt mỏi hết sức khi nhìn thấy những thứ khiến con người trở nên nhỏ nhen”. Qua cách viết đơn giản, trong sáng nhưng cũng hài hòa trong việc sắp xếp cũng như phân bổ các nguồn tư liệu, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã rất thành công khi khắc họa về “một biểu tượng về mục đích sống dành cho con người nói chung trong thế giới hiện đại”.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/song-de-phieu-luu-yersin-va-nhung-dua-tre-43187.html