Sông cuộn mình len trong lòng phố

Chẳng quá lời khi đánh giá xứ Huế đẹp hơn bởi dòng Hương điểm xuyết nét mềm mại, mượt mà uốn lượn, len lỏi giữa lòng đất cố đô.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông cuộn mình len trong lòng phố của tác giả Thanh Ny.

Miền thương của mỗi đứa con lớn lên nơi mảnh đất cố đô xinh đẹp này hẳn là khắc ghi bao dáng hình núi non xanh mướt, sông nước hữu tình, đền đài uy nghi…

Rồi mỗi khi bước chân đi xa, miền thương hóa miền nhớ cuộn trào trong lòng người con xa xứ lúc bất chợt nghe tiếng “dạ thưa”, lúc vỡ òa bắt gặp bóng hình xứ sở. Trong lớp lớp ký ức dệt thành chữ “Huế” thân thương, có góc nhỏ nào dành cho dòng Hương lững lờ trôi, mải miết len trong lòng phố thị?

(Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải/ Znews)

Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, Hương Giang kiêu hãnh băng qua chân núi, hùng dũng vượt cánh rừng già, thế mà về đến thành phố Huế, chợt hóa thành nàng thiếu nữ mộng mơ, cứ dùng dằng chảy qua làng mạc, phố phường. Kim Long lung linh hơn nhờ con sông bồi lấp sắc xanh. Đông Ba nhộn nhịp hơn nhờ con sông điểm tô sức sống. Bao Vinh tấp nập hơn nhờ con sông gọi mời thuyền ghe qua lại…

Phía bên này trầm mặc, cổ kính với đền đài rêu phong bao nhiêu thì bờ bên kia rộn ràng, sầm uất mang tầm vóc thời đại bấy nhiêu. Đôi bờ như hai tà áo vừa gìn giữ truyền thống vừa hòa nhập xu thế tiến bộ, hiện đại, văn minh. Sự phát triển song song giữa hai bờ Nam - Bắc kết tụ nên nét bản sắc riêng của một trung tâm văn hóa sôi động và gói ghém thành cốt cách con người xứ Huế.

Hương Giang là nhạc, là thơ, là mộng, là mối tình si của biết bao con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất được tạo hóa ưu ái ban tặng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ cùng bàn tay, khối óc của bao lớp người kiến tạo nên tầm vóc kinh kỳ xưa. Ai đã một lần ghé thăm Huế, lòng sẽ vấn vương chẳng dứt dòng Hương nên thơ, hữu tình, trọn nghĩa. Bạn chẳng tin ư?

Hương Giang lặng lẽ cuộn mình chở phù sa màu mỡ bồi đắp bạt ngàn ruộng lúa, rẫy sắn, nương ngô… Mùa lũ về, lòng sông dang rộng ra, tràn bờ, lênh láng nước và dạt dào khỏa lấp lớp đất bạc màu qua bao tháng ngày, vỗ về cơn sóng sánh thèm nguồn dưỡng chất. Cây trái thỏa thích đơm hoa, lúa ngô hả hê kết hạt… Cho nụ cười bừng nở đôi môi người cấy trồng. Cho niềm hy vọng tỏa rạng ánh mắt người vun xới.

Hương Giang êm đềm thong thả buông mình đã đan cài giấc mơ no miếng cơm, ấm manh áo của bao thế hệ sống dựa vào miền sông nước. Thuyền ghe xuôi ngược, lặn lội từ sớm tinh mơ đến tận đêm muộn, bươn chải từ khi thành phố lên đèn đến lúc trăng sao ủ mình trốn vào bình minh… Nhọc nhằn là thế, nên con nước thương cái tình mến cái nghĩa luôn cho cá tôm đầy nong, ốc hến đầy rá.

May mắn là phận đời lênh đênh con nước đã đưa giấc mơ no cơm ấm áo đi xa hơn, rộng mở hơn: Kết bạn cùng con chữ, tìm kiếm tương lai tươi sáng. Những đứa trẻ làn da rám nắng rời ghe thuyền, bước lên bờ, cõng cặp sách theo ánh sáng tri thức ngày càng nhiều. Những cô giáo tuổi mười tám hay vừa đôi mươi đầy nợ duyên với sự nghiệp “gõ đầu trẻ” trên những con thuyền chòng chành nay đã tóc hoa râm.

(Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải/znews)

Mỗi lần lắng nghe tâm sự của lớp người cõng chữ ngược xuôi trên sông Hương ấy là một lần chúng ta thấm thía hơn tấm lòng của người thầy miệt mài gieo ánh sáng tri thức, kiên nhẫn vượt qua những rào cản tâm lý, cần mẫn băng qua bạt ngàn khó khăn để thắp lên ánh sáng hy vọng cho lớp trẻ suốt mấy mươi năm dài đằng đẵng chưa xa.

Hỏi về động lực nào để các cô lặng thầm thắp lửa, lặn lội vận động phụ huynh cho trẻ đến trường, chúng ta vỡ òa cảm xúc nhận được câu trả lời ngắn, gọn mà đủ đầy vô cùng: “Vì thương!”.

Chữ “thương” đậm chất Huế ấy đã thổi bùng nhiệt tâm của một lớp người chẳng quản ngại vất vả để theo đuổi đến tận cùng lý tưởng gieo chữ, thắp lửa. Thương cái số lênh đênh sông nước. Thương cái phận nhọc nhằn mưu sinh. Thương cả tương lai mờ mịt long đong nữa… Vì thương nên tất tả, nhờ thương nên lặn lội thế nào cũng cố gắng đỡ nâng bước chân con trẻ, dìu dắt bàn tay con trẻ và nối dài nợ duyên với dân vạn đò mênh mông ra mãi...

Trong bạt ngàn câu chuyện về dòng Hương thơ mộng, có một mảnh ghép dạt dào tình yêu thương và bát ngát tấm lòng của những người thầy như thế đó. Ngưỡng mộ biết bao… Trân trọng ngút ngàn…

Thanh Ny

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/song-cuon-minh-len-trong-long-pho-2264394.html