Sống cùng ký túc xá – Lựa chọn lý tưởng hay cấm kỵ đối với idol K-Pop?

Một số thần tượng thích cuộc sống trong ký túc xá, nhưng không phải lúc nào đây cũng là nơi ở lý tưởng với họ.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Korea Times, một nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc K-Pop có uy tín đã lý giải vì sao họ tin rằng cuộc sống trong ký túc xá là ý tưởng tồi đối với các thực tập sinh và idol mới vào nghề.

Như các fan K-Pop vẫn nhớ, idol thường sống chung trong những căn hộ mà họ ở từ khi còn là thực tập sinh. Việc để các thành viên trong một nhóm ở cùng nhau trong ký túc xá giúp cho công ty quản lý dễ giám sát, chăm sóc và lên lịch làm việc cho họ hơn. Cũng vì vậy mà nhiều nghệ sĩ rất hoài niệm những ngày tháng sống trong ký túc xá của họ khi phải chuyển ra ngoài. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi thứ cũng đều màu hồng.

Các chuyên gia tâm lý đều đồng ý rằng một mối quan hệ tốt đẹp sẽ cần không gian và thời gian riêng tư. Thế nhưng, với các idol sống trong ký túc xá thì chuyện này là bất khả thi. Họ sống cùng nhau, thường ngủ chung phòng, ăn cùng nhau và làm việc cùng nhau. Trên hết, các thần tượng thường bị hạn chế giao tiếp bên ngoài nhóm của mình vì không có nhiều thời gian rảnh rỗi hoặc quy tắc hẹn hò của công ty đề ra.

Vì thế, một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc các công ty nên bỏ hệ thống ký túc xá – hoặc chí ít không biến nó thành yêu cầu bắt buộc với các idol. Giáo sư giao tiếp và nghiên cứu xã hội Lee Jong Im và nhà phê bình âm nhạc của tờ IZM Magazine Jung Min Jae đã chia sẻ quan điểm của họ về vấn đề này.

Theo Lee Jong Im, tác giả cuốn sách khám phá về hệ thống đào tạo K-Pop có tên Idol Trainess’ Sweat and Tears, hệ thống ký túc xá không cần thiết đối với các ngôi sao K-Pop. Thực tế, cô tin rằng ký túc xá có thể dẫn đến căng thẳng ở mức độ cao và gây ra những mâu thuẫn như bắt nạt – một vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay trong ngành công nghiệp K-Pop.

Tuy nhiên, nếu công ty thực sự cảm thấy cần để các nghệ sĩ sống cùng nhau, Lee cho rằng các nghệ sĩ này “cần không gian riêng tư”. Cô cũng giải thích thêm, họ cần tự do hơn để đi học, gặp gỡ gia đình và phát triển các mối quan hệ bên ngoài nhóm nhạc.

“Các công ty không nên giám sát nghệ sĩ suốt ngày đêm… Tôi tin họ cần có thời gian và không gian thoải mái hơn để đi học và tạo dựng quan hệ với người ngoài chứ không chỉ với thành viên cùng nhóm nhạc.” – Lee Jong Im

Đề cập đến những thông tin mình thu thập được trong quá trình viết sách, Lee Jong Im khẳng định rằng các thực tập sinh phải “kìm nén bản thân rất nhiều” nếu họ muốn được chọn và ra mắt công chúng. Vị giáo sư lý giải về cách xã hội Hàn Quốc có xu hướng đặt tập thể lên trên cá nhân, và nhiều người Hàn Quốc tin rằng những người có khát vọng phải “hy sinh mọi thứ” để đạt được thành công.

“Trong nhiều trường hợp, ngay cả khi đã ra mắt, [các thực tập sinh] vẫn được yêu cầu tự giải quyết các vấn đề cá nhân (mà không được tìm kiếm sự giúp đỡ) hoặc chỉ đơn giản là chịu đựng quãng thời gian khó khăn.” – Lee Jong Im

Lee Jong Im chia sẻ rằng những quy tắc của công ty quản lý như cấm hẹn hò và tịch thu điện thoại di động xâm phạm các quyền lợi của thực tập sinh trẻ và tước đi cơ hội xây dựng những mối quan hệ cần thiết giúp họ thấy vui vẻ.

“Các ca sĩ không nên bị tước đi cơ hội học được cách tự đưa ra quyết định và cần có thêm cơ hội tiếp xúc với xã hội bên ngoài.” – Lee Jong Im

Nhà phê bình âm nhạc Jung Min Jae chia sẻ những quan điểm tương tự trong cuộc phỏng vấn với The Korea Times. Dẫn ra ví dụ về nhóm nhạc nam Anh Quốc nổi tiếng – One Direction, Jung giải thích rằng các thành viên đều rất đoàn kết dù không bị ép ở cùng trong một ký túc xá.

Tất nhiên, Jung Min Jae cũng biết rằng một vài nhóm nhạc dành được nhiều thành công hơn nhờ sống tập thể trong ký túc xá. Nhiều nghệ sĩ đã chọn sống chung ở ký túc xá lâu hơn thời gian quy định – điển hình như Red Velvet, họ chỉ mới chuyển ra sống riêng khi nhóm đã hoạt động được 7 năm. Ngoài ra còn có Chorong và Bomi (Apink), cũng chọn sống chung dù đã rời ký túc xá.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng vậy. Jung Min Jae dẫn ví dụ về Fin.K.L. Dù đã trở thành một trong số các nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất thời kỳ cuối thập niên 90 đầu những năm 2000, sau này nhiều thành viên vẫn thú nhận rằng cuộc sống tập thể rất khó khăn. Ngay cả khi vẫn duy trì mối quan hệ rất thân thiết với bạn cùng nhóm, Key (SHINee) từng đùa rằng lần đầu ở ký túc xá cùng các thành viên là “một thảm họa và như địa ngục”. Ngôi sao cho biết họ trở thành bạn thân sau khi chuyển khỏi ký túc xá ở năm thứ tư của sự nghiệp.

“Khi đến với K-Pop, văn hóa ký túc xá góp phần đem lại thành công cho một số nhóm nhạc, nhưng cũng làm sứt mẻ mối quan hệ giữa các thành viên.” – Jung Min Jae

Tựu chung lại, nhà phê bình âm nhạc chia sẻ quan điểm riêng rằng những vụ bê bối liên quan đến bắt nạt gần đây đã cho thấy rằng các công ty quản lý K-Pop đang đi theo hướng chưa hợp lý. Hình thức nhóm nhạc rất thuận lợi cho công ty trong việc tiếp cận công chúng, hơn hẳn so với hình thức solo, bởi các thần tương “có thể làm việc cùng nhau như một nhóm như mong muốn của fan”. Tuy nhiên, Jung Min Jae khuyến nghị các công ty nên tập trung vào việc định hình tính cách để tạo ra mối quan hệ lâu dài làm lên thành công.

“[Việc duy trình một nhóm] rất có lợi cho các công ty, nhưng nó cũng có giá. Những vụ bê bối bắt nạt gần đây cho thấy rằng các công ty quản lý tài năng nên tập trung hơn vào việc phát triển tính cách của từng ca sĩ để từ đó họ có thể hợp tác ăn ý hơn.” – Jung Min Jae

Thúy Ái - CTV

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/am-nhac/song-cung-ky-tuc-xa-lua-chon-ly-tuong-hay-cam-ky-doi-voi-idol-k-pop-202103191906361756.html