Sóng Cổ Cò vỗ cánh...

Dù chỉ được đề cập vài dòng ngắn ngủi trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhưng trong hình dung của tôi, sông Cổ Cò sẽ được hồi sinh đúng nghĩa với cảnh trên bến dưới thuyền như một thuở sông mang tên Lộ Cảnh giang.

Ghe thuyền, tàu cá cỡ lớn có thể đi lại trên sông Cổ Cò sau khi con sông được nạo vét.Ảnh: H.SƠN

“Dưới thuyền trên bến bốn phương tụ về”

Tôi đặc biệt ấn tượng với những câu từ của nhà thơ Lê Anh Dũng khi ông “vẽ” lại cảnh nhộn nhịp một thời trên sông Cổ Cò: “Xưa kia chợ Cầu Điện Dương/ Dưới thuyền trên bến bốn phương tụ về/ Hàng mộc, mây, ngói, đan tre/ Thế giới xuất nhập vạn ghe bạn đường”. (Trường ca Sóng Cổ Cò vỗ nhịp - NXB Hội Nhà văn, năm 2021). Có thể những địa danh nhà thơ nhắc đến nằm ở phía tỉnh Quảng Nam, nhưng có thể thấy, từ xa xưa, Cổ Cò đã đóng vai trò là một thủy lộ quan trọng nối liền Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam).

“Tôi cho rằng đương thời không có sông Cổ Cò thì không chừng không có Đà Nẵng như hôm nay, và không chừng Hội An cũng đã không trở nên phồn thịnh nhất Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn. Chính sông Cổ Cò nối cửa Đại với cửa Hàn đã tạo cho thương cảng Hội An lúc bấy giờ một ưu thế vượt trội là cùng lúc có hai cửa biển”, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, nhận định.

Tác giả Văn Thịnh, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết trong nhật ký truyền giáo của giáo sĩ dòng Tên là Cristophoro Borri viết vào những thập niên đầu của thế kỷ XVII, tuy chưa đề cập trực tiếp đến sông Cổ Cò nhưng đã cho biết khá rõ về thương cảng Hội An và hệ thống sông - cửa biển dẫn vào thương cảng này: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam (Hội An).

Người ta cập bến bằng hai cửa biển: một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Pulluciambello (Hội An). Các cửa biển cách nhau chừng 3 hay 4 dặm, kế đó biển chia thành hai nhánh đi sâu vào đất liền chừng 7 hay 8 dặm, làm thành như hai con sông luôn tách rời nhau để rồi cuối cùng gặp nhau và đổ vào một con sông lớn. Tàu bè từ hai phía tới cũng đi vào con sông này”.

Một ghi chép nổi tiếng khác đó là Hải ngoại kỷ sự của thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán. Năm 1695, thiền sư được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang Đàng Trong để thuyết giảng đạo Phật. Sau khi ở Phú Xuân một thời gian, ngày 7-8-1695, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử một đội ngự lâm quân của phủ chúa đưa thiền sư cùng đoàn tùy tùng đến Hội An để đáp thuyền buôn về nước.

Sau khi đoàn thuyền vượt biển Đà Nẵng đã đi vào sông Cổ Cò. Thiền sư Thích Đại Sán đã ghi lại chuyến đi trên sông Cổ Cò vào nhật ký của mình: “Gió thổi hiu hiu, nước xanh lạnh lẽo; rừng tre thâm thẩm, bãi cát sáng ngời; đã vui mừng gió thuận buồm xuôi, lại hớn hở gần ngày về nước… Bỗng chốc đã thấy núi Tam Thai trước mắt…”.

Từ những cứ liệu sử cũ, tôi cố công tìm kiếm địa diểm một thời gắn liền với cảnh buôn bán tập nập của các thuyền buôn và được cụ Nguyễn Văn Châu (78 tuổi, trú khối 2A, Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) kể lại những câu chuyện xung quanh chợ Cầu. “Từ thời phong kiến, chợ Cầu là 1 trong 3 chợ sầm uất nhất của 3 xã vùng cát Điện Bàn. Lúc còn nhỏ, tôi thường bắt cá mang đến chợ bán rồi mua muối, mắm về…

Trước thời điểm năm 1967, sông Cổ Cò còn đi lại được dù một số đoạn bị bồi lấp”, cụ Châu kể và tỏ ra tiếc nuối: “Theo lời kể của các bậc cao niên, hồi đó sông Cổ Cò qua chợ Cầu sâu lắm, ghe thuyền lúc nào cũng tấp nập. Ghe bầu đi từ cửa Đại Chiêm dừng lại khúc sông ngang chợ để bán muối, bán chiếu… rồi đi theo sông Cổ Cò lên Điện Ngọc, chạy ra sông Hàn. Giờ chợ Cầu cũng biến mất mà sông cũng lâm chung…”.

Ảnh: THANH QUỲNH

Chảy đi sông ơi

Đứng ở phía hữu ngạn sông Cổ Cò, ông Đặng Điểu (70 tuổi, tổ 20, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) đưa tay chỉ về danh thắng Ngũ Hành Sơn rồi kể, ông sinh ra và lớn lên ở xóm nhỏ bên cạnh ngọn Hỏa Sơn. Thuở thiếu thời, ông đã chứng kiến cảnh lòng sông Cổ Cò bị bồi lấp nhiều đoạn. Thậm chí, có đoạn người ta có thể lội để sang bờ bên kia. Cư dân sinh sống dọc hai bờ sông ngoài mưu sinh bằng nghề sông nước còn có thể trồng lúa.

“Từ nhỏ, tôi được nghe nhiều cụ già kể rằng, sông Cổ Cò từng thông dòng đến mức tàu bè ngày ngày qua lại tấp nập. Tôi không tin vì thấy cảnh đất đai hai bên đổ dồn về, bóp nghẹt lòng sông như thế. Nhưng cách đây 5-7 năm, thành phố triển khai dự án nạo vét, diện mạo sông Cổ Cò đã thay đổi đáng kinh ngạc. Dòng chảy được khơi thông, nước chảy cũng mạnh…”, ông Điểu nói.

Viễn cảnh Cổ Cò hồi sinh quả không còn xa khi nhìn vào quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11-2023. Có thể sẽ không giống cảnh tấp nập như ngày xưa khi con đường cái quan còn nhỏ hẹp. Nhưng sông sẽ trở nên sôi động thông quy hoạch luồng tuyến phát triển cảng thủy nội địa sông Cổ Cò, đoạn từ ngã ba Vĩnh Điện, Cổ Cò đến hạ lưu chùa Quán Thế Âm (có chiều dài 3,5km) và đoạn từ hạ lưu chùa Quan Âm đến điểm cuối sông (chiều dài 4,8km).

Đối với cảng, bến hành khách đường thủy nội địa, dự kiến sẽ có 13 vị trí cho tuyến du lịch sông Cổ Cò - sông Cái (sông Vĩnh Điện). Trong khi đó, phía tỉnh Quảng Nam cũng đang nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc để tiếp tục khơi thông sông Cổ Cò, xây dựng nhiều cầu lớn bắc qua sông…

Để nhắc nhớ một giai đoạn lịch sử huy hoàng của dòng sông, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng cho rằng, các thương điếm xưa - kể cả chợ Cầu làng Hà Lộc quê hương của nhà giáo Lê Tấn Toán thầy dạy Nguyễn Duy Hiệu - nếu được dựng bia di tích tại chỗ chắc sẽ làm phong phú thêm tài nguyên văn hóa - lịch sử của dòng Lộ Cảnh giang nhằm phục vụ du khách trên tuyến vận tải đường sông Đà Nẵng - Hội An. Đó là việc mà tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có thể làm ngay sau khi sông Cổ Cò được khơi thông.

“Để bảo đảm yếu tố văn hóa, lịch sử cũng như phát huy giá trị cảnh quan phục vụ du lịch của con sông Cổ Cò, Đà Nẵng có thể tập trung đầu tư phục dựng bến Ngự ở khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn… Cũng có thể từ bến Ngự, kết nối tuyến du lịch đường sông này với Nhà Sáng tác Đà Nẵng nằm ven sông Cổ Cò vừa để tạo cảm hứng nghệ thuật cho văn nghệ sĩ cả nước về dự trại, vừa để tạo thêm một tài nguyên văn hóa đương đại cho khách tham quan khu vực này”, ông Tiếng gợi mở.

Ở một quy hoạch khác mang tính “phong thủy” hơn, đó là Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, Chính phủ cũng cho phép thành phố Đà Nẵng tổ chức tuyến không gian văn hóa, lễ hội đông - tây kết nối không gian biển - danh thắng Ngũ Hành Sơn - sông Cổ Cò với điểm khởi đầu tuyến là khu vực công viên danh nhân và điểm kết thúc là cồn đất giữa sông Cổ Cò.

Lấy cồn đất tự nhiên làm yếu tố bình phong, sông Cổ Cò làm minh đường; hình thành không gian kiến trúc cảnh quan với các đường dạo, cây xanh, vườn tượng, điểm nghỉ chân… Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm cũng góp ý, cần tận dụng không gian sông và công viên về phía tây sông Cổ Cò để làm một cây cầu nghệ thuật đặc sắc nối liền không gian lễ hội Quán Thế Âm và công viên chỉ dành riêng cho xe điện và hoặc người đi bộ đi qua. Thượng tọa cũng đề xuất tổ chức thuyền hoa đăng trên sông Cổ Cò trong dịp lễ hội.

Nếu tất cả những quy hoạch, đề xuất thành hiện thực, sông Cổ Cò sẽ thật sự thức giấc sau cả thế kỷ giấc ngủ vùi trong cát. Lúc đó, người dân xứ Quảng không còn phải thao thức “chảy đi Lộ Cảnh giang…” nữa mà Cổ Cò sẽ chảy thành dòng thăng hoa như lời thơ của nhà thơ Lê Anh Dũng: “Bất ngờ mà trùng ngộ/Bên chân núi Ngũ Hành/Sóng Cổ Cò vỗ cánh/Thành Nhất Trụ Trung Thiên”.

HOÀNG SƠN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/bao-xuan-2024/202402/song-co-co-vo-canh-3966131/