Sống cạnh 'người chết' giữa Thủ đô

Ngay tại Thủ đô Hà Nội đang tồn tại không ít những nghĩa địa đan xen các khu dân cư đông đúc. Mộ ngay ở lối đi, sát cửa nhà, thậm chí có ngôi còn 'tọa lạc' cả trong khuôn viên nhà. Hằng ngày, người sống vẫn ăn uống, sinh hoạt ngay cạnh 'người chết'. Lâu rồi thành quen, họ coi đó như những người hàng xóm của mình nên không còn cảm giác sợ hãi nữa.

Những người “hàng xóm” luôn im lặng

Theo quy định, nghĩa trang phải xây cách khu dân cư tối thiểu 1,5km nhưng do tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến nhiều nhà cửa đua nhau mọc lên, bao vây lấn át dần.

Nằm sâu trong con ngõ 68/123 đường Cầu Giấy (phường Quan Hoa, Cầu Giấy), một nghĩa trang tự phát với hơn 200 ngôi mộ nằm xen kẽ trong khu dân cư đông đúc. Những ngôi mộ nằm ngay sát nhà dân đã tồn tại được hàng chục năm. Khu nghĩa trang không có tường bao xung quanh, những ngôi mộ nằm thụt thò sát mép đường gây nguy hiểm cho người dân trong việc đi lại.

Không khó để bắt gặp những ngôi mộ ngay trước cửa nhà dân ở phố Giáp Nhị

Cũng trên địa bàn quận Cầu Giấy, gần cuối ngõ 95 Cầu Giấy hay hướng đi khác là cuối đường một con ngách nhỏ ngõ 445 phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy - Hà Nội) là một nghĩa trang có diện tích hàng trăm mét vuông với rất nhiều ngôi mộ lớn, nhỏ nằm xen kẽ với nhau. Trước đây, những ngôi mộ này nằm trên một khu đất trống cách xa nhà ở của dân cư.

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, đô thị hóa khiến khoảng cách này ngày càng được rút ngắn và hiện chỉ có thể tính bằng những bước chân. Một trong số “hàng xóm” của người chết là gia đình bà Trần Thị H. (65 tuổi). Bà H. hài hước cho biết: “Hàng xóm” xung quanh nhà tôi là hơn chục ngôi mộ mới, cũ xen kẽ”.

Nhìn bằng mắt thường sẽ thấy, đối diện cửa chính của ngôi nhà bà H. là 3-4 khu mộ cổ, phía bên trái ngôi nhà là sát nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ của các dòng họ, phía bên phải có một cửa sổ, nếu mở ra không khéo là chạm vào bia của khu mộ họ Bùi. Khi được hỏi, gia đình có khi nào cảm thấy sợ vì xung quanh mình toàn mồ mả không thì bà H. trả lời: “Nhà tôi 3 đời sống ở đây nên quá quen với cảnh này rồi. Sống lâu nên chẳng còn cảm giác sợ hãi gì nữa. Thậm chí tôi tin rằng nếu mình cứ chịu khó thắp hương cho những ngôi mộ này, có khi các cụ dưới đó còn phù hộ cho ấy chứ”.

Chị Như Bình cho rằng việc có ngôi mộ nằm ngay trước cửa hàng cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh

Không cùng quan điểm giống bà H., bà Nguyễn Thị T. lại cho rằng, ở gần nghĩa trang bất tiện nhiều cái. “Cái thứ nhất là mả xây liền vào với nhà luôn. Cái thứ hai là các ông các bà chuyển từ chỗ tươi về chỗ khô đêm hôm là làm mất ngủ từ hôm trước đến hôm sau. Nhà tôi có trẻ nhỏ nên khi họ đốt tiền vàng mã, rồi hương khói các thứ bay hết vào nhà khiến không khí rất ngột ngạt”.

Một trong số các con phố được xem là có nhiều ngôi mộ nhất Thủ đô chính là phố Giáp Nhị thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Nơi đây, cứ vài bước chân lại bắt gặp một ngôi mộ “tọa lạc” cạnh nhà dân. Xưa kia, khu vực ngõ 88 phố Giáp Nhị vốn là cánh đồng heo hút, xa làng, xa xóm. Người dân làng Giáp Nhị tiễn những thân nhân quá cố về với đất lạnh tại đó. Dần dà, nơi đây trở thành một nghĩa địa rộng lớn, quy tập các ngôi mộ hàng trăm năm tuổi

Sau này đất chật người đông, một số người dân địa phương cộng với bà con tứ xứ lao động chân tay ở ga Giáp Bát... lấn dần vào nghĩa trang để làm nơi tá túc. Ban đầu, họ chỉ dựng vài túp lều rơm rạ nhằm tránh nắng che mưa. Lâu dần, nhà cửa mọc lên san sát. Người sống chia sẻ không gian với người đã khuất.

Sau nhiều năm sinh sống, người dân phố Giáp Nhị đã quá quen với việc “sống chung với người chết” nên không ai cảm thấy sợ hãi, bất an. Không chỉ là những ngôi mộ bình thường mà Giáp Nhị còn có rất nhiều những ngôi mộ cổ với hàng trăm năm tuổi. Những ngôi mộ này thuộc sở hữu của nhiều dòng họ khác nhau.

Ở Giáp Nhị, các ngôi mộ nằm chen chúc nhau trong diện tích đất sinh hoạt của người dân. Khoảng cách từ những ngôi mộ đến nhà có thể tính bằng những bước chân. Đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương đã quy hoạch, tạo đường làng ngõ xóm cho người dân đi lại. Song, vẫn có những ngôi mộ chưa được chính quyền địa phương và người dân di dời do lo ngại vấn đề tâm linh.

Khoảng cách giữa người sống và “người chết” chỉ cách nhau chừng vài gang tay

Các ngôi mộ không chỉ nằm trên đường đi lại của người dân ngõ 88 Giáp Nhị mà một vài ngôi mộ còn tồn tại ngay trong khuôn viên gia đình. Đó là trường hợp của gia đình anh Bùi Ngọc Thông. Được hỏi về việc này, anh Thông cho hay, hai ngôi mộ bên trong nhà đều là của tổ tiên dòng họ, tồn tại từ rất lâu đời. “Trước kia, cả phố này là nghĩa trang nên việc mộ nằm xen kẽ nhà dân không có gì lạ. Mọi người ai cũng trân trọng và tổ chức lau dọn, thắp hương cho các ngôi mộ vào dịp mùng 1 hay ngày rằm”, anh Thông nói.

Cũng giống như anh Thông, đa phần người dân sinh sống tại khu phố nghĩa địa lạ lùng này không mấy quan tâm đến sự tồn tại của những “hàng xóm” đặc biệt. Anh Phạm Ngọc Mạnh (sinh sống trong ngõ 88 Giáp Nhị) tuyên bố chắc nịch: “Chúng tôi đều quen rồi nên chẳng sợ gì cả, kể cả có việc cần đi qua vào buổi đêm cũng không thấy ngại”.

Hàng quán tấp nập quanh nghĩa trang

Nhiều người nghĩ rằng, bất đắc dĩ phải sống cạnh nghĩa trang hay những ngôi mộ đơn lẻ cũng đã là quá lắm rồi. Vậy mà người ta lại vẫn mở hàng ăn, quán nhậu hay bán hoa quả, rau cỏ cạnh đó được thì cũng thật lạ đời. Nhưng điều lạ đời này lại là việc rất bình thường đối với chị Thu Trang (phố Giáp Nhị). Chị Trang chia sẻ: “Quán bia hơi của tôi ngay cạnh ngôi mộ cổ nhưng vẫn đông khách. Ban đầu nhiều người tin rằng tôi mở quán ở vị trí đó thì chỉ có “ma” mới dám đến. Thế mà người này rủ người kia, quen dần họ cứ lui tới thôi, chả ai cảm thấy sợ hay có điều gì bất ổn cả”.

Anh Vũ Đình Hưng (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) là người dân sinh sống ở phố Giáp Nhị. Hằng ngày, anh vẫn thường xuyên ra quán trà đá ngồi uống nước, nơi giáp với một ngôi mộ cổ. Anh Hưng cho biết: “Không chỉ tôi, mọi người ở phố này đều quen với cảnh này. Dọc ngõ này, cửa hàng, quán nước cạnh những ngôi mộ là chuyện hết sức bình thường”.

Nghĩa trang Yên Xá ở ngay sát khu dân cư

Chị Như Bình, chủ một cửa hàng trên phố Giáp Nhị chia sẻ: “Những ngôi mộ trước cửa nhà tôi đều là mộ tổ. Từ lúc tôi về làm dâu ở đây thì đã thấy những ngôi mộ này. Từ thời các cụ đẻ ra, bố chồng tôi cũng đã thấy những ngôi mộ này, thậm chí còn không biết rõ nó có từ bao giờ. Lúc mới về làm dâu, tôi chưa quen nên nhiều lúc thấy ớn lạnh; song theo thời gian cũng quen”.

Theo người dân, những ngôi mộ cổ này đều có mối quan hệ với dòng họ trong gia đình nên ai cũng trân trọng, nhiều gia đình thường tổ chức lau dọn, thắp hương cho các ngôi mộ cạnh nhà vào dịp mùng 1 hay ngày rằm.

Nhiều năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị T. (Yên Xá, quận Hà Đông) vẫn sống nhờ vào cửa hàng bán rau quả ngay sát nghĩa trang Yên Xá. Chị T. chia sẻ: “Mình cứ sống và làm ăn lương thiện thì chả sợ “ma” nào hết. Thậm chí, ngày rằm, mồng 1 cứ chịu khó thắp hương cho những ngôi mộ xung quanh có khi lại được các cụ “độ”. Cửa hàng rau củ của chị T. chỉ cách nghĩa trang Yên Xá đúng bằng chiều ngang của một con đường nhỏ. Bao nhiêu năm qua gia đình chị vẫn sinh sống ở nơi đây mà không hề có cảm giác bất an nào cả.

Được biết, nghĩa trang Yên Xá tọa lạc ngay cạnh khu dân cư Yên Xá và cạnh luôn với 2 tòa chung cư. Mỗi ngày, có hàng nghìn người phải đi qua khu nghĩa trang này để đi làm. Vào giờ cao điểm, con đường nhỏ sát nghĩa trang luôn trong tình trạng ùn tắc vì lưu lượng người qua đây quá lớn.

Không chỉ những con phố có những ngôi mộ đan xen, các khu đô thị mới mọc lên cạnh nghĩa trang cũng là vấn đề mà người quan tâm. Như gia đình anh Phạm Văn Thái (chung cư New Skyline Văn Quán, Hà Đông), chỉ cần mở cửa phòng ngủ cũng có thể nhìn ra khu nghĩa trang Văn Quán. “Để có được những ưu đãi về giá cả, gia đình anh nhận mua căn hộ có “view” nghĩa trang. Những buổi sáng của ngày nghỉ, mình muốn ra ban công để ngắm một chút view thì mắt lại đập ngay vào cái nghĩa trang ấy. Rõ ràng mình đã mua được căn hộ với giá rẻ hơn, nhưng về mặt tâm lý cũng thấy hơi bất tiện và hụt hẫng”, anh Thái chia sẻ.

Tương tự, chị Lê Bích Hòa (chung cư Goldmark City Cầu Giấy) cũng rơi vào tình cảnh mở cửa ban công là nhìn thấy nghĩa trang. Ban đầu chị cũng không quan tâm quá nhiều đến view, chỉ cần thuận lợi cho công việc và chỗ học cho con. Tuy nhiên sau một thời gian sống tại căn hộ này chị mới thấy tâm lý bất ổn. Chị Hòa cho biết: “Mỗi lần chồng đi công tác xa là mấy mẹ con không dám tắt điện đi khi ngủ. Mỗi lần ngày rằm, mồng 1 là người ta đến thắp hương cho người thân đã mất, thực sự là mùi nhang khói cũng khiến chúng tôi rợn rợn. Chỉ vì không tìm hiểu khi mua nên bây giờ muốn bán cũng khó khăn lắm. Nhiều người đến xem nhà xong đều lắc đầu chỉ vì hướng nhìn không được đẹp”.

TP.Hà Nội đã ban hành bản quy hoạch nghĩa trang định hướng đến năm 2050, trong đó ưu tiên việc quy tập, di dời mồ mả đến các nghĩa trang chung, nhường đất phát triển đường sá, cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị, việc di dời khu mồ mả giữa khu đông dân cư là không đơn giản, đôi khi phải chấp nhận cho “nghĩa địa làng” tồn tại giữa lòng Thủ đô.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, mồ mả liên quan đến đời sống tâm linh của con người, thậm chí người dân còn quan niệm động đến mồ mả là động đến vận mệnh của một gia đình, của một dòng họ.

Do vậy, nếu có phương án di dời mồ mả ra những khu vực tập trung, đơn vị quản lý phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động… thì người dân mới yên tâm khi di dời mồ mả người thân của họ. Nếu chưa thể di dời được, cơ quan quản lý cần tìm cách cải tạo, xây dựng cảnh quan để phù hợp với không gian đô thị, để không gian giữa người sống và người chết có sự hài hòa.

Phong Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/song-canh-nguoi-chet-giua-thu-do-i706363/