Sơn La: Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử

Tỉnh Sơn La xác định chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử là 'chìa khóa' phát triển bền vững nông nghiệp và là con đường đưa nông dân thoát nghèo.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là việc làm cấp thiết

Hiện nay, công nghệ 4.0 đang được triển khai áp dụng và phát triển mạnh mẽ, trong đó thương mại điện tử được xác định là xu hướng phát triển tất yếu. Đặc biệt là từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động thương mại, nhất là hoạt động phân phối, bán buôn, bán lẻ hàng hóa theo phương thức truyền thống. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Nông sản được tiêu thụ trên sàn Postmart năm 2022

Với mục tiêu chung thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, HTX và cộng đồng, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong tỉnh về mức độ phát triển thương mại điện tử, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử quốc tế… ngày 25/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2934/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025. Sở Công Thương và các sở ngành, địa phương đã ban hành các văn bản, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Sơn La cũng thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Postmar… tổ chức tập huấn cho trên 200 đơn vị là các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và kinh doanh về thương mại điện tử, trong đó tập trung các nội dung như: Các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử; quy trình và hồ sơ liên quan đến nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm khi tham gia các sàn thương mại điện tử… Đồng thời hướng dẫn các đơn vị đăng ký tham gia giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa tại “Gian hàng Việt trưc tuyến” trên các sàn thương mại điện tử, tập huấn kỹ năng livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội…

Đồng thời, triển khai hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa; phần mềm quản lý bán hàng cho 13 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu và đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử như: Shopee, Sendo, Lazada, Postmart, Voso… Các sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử ngày càng phong phú, đa dạng, từ các sản phẩm nông sản sơ chế, chế biến, như: Chè, cà phê, sữa đến các loại hoa quả sấy đến sản phẩm quả tươi, như: Mận hậu, xoài, nhãn, bơ, chanh dây và sản phẩm mật ong Sơn La.

Chỉ tính riêng năm 2022, Hội nông dân tỉnh Sơn La đã hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn; hỗ trợ cho 26 hợp tác xã đưa 108 sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương lên sàn Postmart.vn (trong đó có 59 sản phẩm OCOP). Đồng thời, xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ 19.500 hộ nông dân kết nối với các sàn thương mại điện tử...

Ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, riêng mùa vụ 2022, trung bình mỗi ngày lượng truy cập vào sàn Postmart.vn đạt gần 10.000 lượt, tăng mạnh so với trước. Đa số người tiêu dùng truy cập và lựa chọn mua các sản phẩm nông sản trái cây, đặc sản chính vụ của các địa phương. Như vậy, có thể thấy rằng, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương trên thương mại điện tử đang tạo ra “làn sóng” mới trong thói quen tiêu dùng bởi sự tiện lợi khi mua sắm và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Song song với đó, UBND tỉnh Sơn La đã giao cho VNPT Sơn La chủ trì triển khai thí điểm Sàn giao dịch truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản của tỉnh Sơn La và đến nay VNPT Sơn La đã xây dựng xong và triển khai tập huấn sử dụng Sàn giao dịch cho các cán bộ tham gia quản lý, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh; đã có 110 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản được đăng tải lên sàn giao dịch.

Qua đó đã giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đến nhiều đối tượng khách hàng ở các tỉnh, thành trong cả nước, tạo cầu nối giữa đơn vị sản xuất, cung ứng với người tiêu dùng, giảm được các chi phí quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời tăng doanh số bán hàng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển và đạt hiệu quả hơn.

Sơn La có nguồn nông sản dồi dào

Đánh giá về hiệu quả đưa nông sản Sơn La lên sàn thương mại điện tử, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết, việc chuyển đổi số sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh; giảm chi phí sản xuất, kết nối thị trường thuận tiện, nhanh chóng. Chuyển đổi số cũng góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân - một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử

Hiện nay, Sở Công Thương Sơn La đang tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa của tỉnh Sơn La ra thị trường các nước trên thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX của tỉnh Sơn La kết nối và hợp tác xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước.

Theo đó, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản có sản lượng lớn của tỉnh (xoài, nhãn, cà phê…) sang các thị trường thế giới có nhu cầu thị trường lớn, nhiều tiềm năng để kết nối xuất khẩu như: Trung Quốc, Úc, EU…

Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đưa các sản phẩm lên quảng bá, giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử uy tín, có số lượng doanh nghiệp tham gia lớn trên thế giới như: Alibaba.com; EC21.com, Agrimp.com…

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin sản phẩm nông sản, doanh nghiệp, HTX cung ứng sản phẩm nông sản, sản phẩm nông sản chế biến để kết nối và quảng bá, giới thiệu trên các nền tảng số tại thị trường các nước trên thế giới được thuận tiện và hiệu quả hơn.

Tiếp tục triển khai hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội nghị kết nối giao thương trực tuyến, hội chợ trực tuyến thực tế ảo về nông nghiệp trên môi trường mạng để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh với các nhà nhập khẩu tại thị trường các nước.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/son-la-day-manh-tieu-thu-nong-san-qua-san-thuong-mai-dien-tu-242933.html