Sơn Động: Bảo đảm tiến độ xây dựng nhà, giúp hộ nghèo an cư

Năm nay, huyện Sơn Động (Bắc Giang) quyết tâm hoàn thành xây mới, sửa chữa 266 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và người có công. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện quan tâm phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng thời lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

Mỗi ngôi nhà là một dự án

Hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và người có công, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, huyện Sơn Động chú trọng huy động lồng ghép các nguồn lực. Trong đó, năm nay, từ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, toàn huyện có 100 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở để an cư. Bên cạnh đó, nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xuống cấp không thuộc đối tượng hỗ trợ cũng sẽ được đưa vào danh sách sửa chữa, xây mới nhà ở bằng nguồn vốn xã hội hóa. Qua rà soát, xét duyệt, năm nay, huyện đã phê duyệt danh sách 266 hộ nghèo, cận nghèo, người có công được hỗ trợ nhà ở; trong đó, xây mới 206 nhà và sửa chữa 60 nhà. Đối tượng hỗ trợ gồm 198 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo và 15 gia đình người có công.

 Các hội, đoàn thể xã Thanh Luận hỗ trợ tháo dỡ nhà cũ để xây dựng nhà mới cho gia đình ông Hoàng Văn Đính ở thôn Rỏn.

Các hội, đoàn thể xã Thanh Luận hỗ trợ tháo dỡ nhà cũ để xây dựng nhà mới cho gia đình ông Hoàng Văn Đính ở thôn Rỏn.

So với các địa phương trong tỉnh, huyện Sơn Động có số lượng nhà tạm, dột nát cần xóa nhiều nhất đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn. Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trong khi nguồn lực tài chính huy động trong nhân dân lại hạn chế.

Đồng chí Ngụy Văn Tuyên, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công huyện cho biết: “Để đạt mục tiêu đến tháng 11 năm nay hoàn thành việc xóa số nhà tạm, nhà dột nát nêu trên, Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp thành lập ban chỉ đạo, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu. Mỗi một ngôi nhà được xác định là một dự án, rõ thời gian khởi công, hoàn thành, địa điểm xây dựng, tổng mức đầu tư. Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà đối với cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực”. Thực hiện chỉ đạo của huyện, các xã, thị trấn đều rốt ráo vào cuộc.

Đến ngày 20/5, toàn huyện đã khởi công 96/266 nhà, một số công trình đã bàn giao, đưa vào sử dụng, còn lại đang tiến hành các bước xây dựng dự án, chuẩn bị hồ sơ pháp lý để thi công.

Tính đến ngày 20/5, toàn huyện đã khởi công 96/266 nhà. Hiện một số công trình đã bàn giao, đưa vào sử dụng, còn lại đang tiến hành các thủ tục xây dựng theo quy định.

Năm nay, xã Thanh Luận có kế hoạch hỗ trợ xây mới, sửa chữa 13 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Đồng chí Vũ Bá Mừng, Bí thư Đảng ủy xã phân tích, ước tổng kinh phí cần huy động hơn 4,1 tỷ đồng. Xã giao cho một đồng chí phó chủ tịch UBND xã làm đầu mối theo sát tiến độ, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có phương án tháo gỡ, giúp đỡ. Nhờ vậy, đến nay có 2 nhà đã hoàn thành; nhiều công trình thực hiện từ 70-80% khối lượng. Đáng chú ý, ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 625 triệu đồng, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương còn hỗ trợ hàng trăm ngày công tháo dỡ, vận chuyển nguyên vật liệu.

Mới đây, Đoàn Thanh niên xã vận động một cá nhân tài trợ toàn bộ phần sơn tường cho gia đình bà Nguyễn Thị Lụa ở thôn Gà khi sửa chữa lại căn nhà; Hội Nông dân xã phối hợp với Hội Nông dân huyện tài trợ 3 tấn xi măng cho gia đình hội viên Hoàng Văn Đính ở thôn Rỏn xây mới nhà...

Tập trung gỡ vướng

Được ở trong ngôi nhà mới gần một tháng nay, anh Đàm Văn Công, thôn Lọ, xã Lệ Viễn rưng rưng niềm hạnh phúc. Anh Công sức khỏe yếu, không có khả năng lao động, nhiều năm ở trong căn nhà lụp xụp, không có điều kiện sửa chữa. Từ sự chung tay của cấp ủy, chính quyền và xã hội, ngôi nhà cấp 4 của anh Công được xây theo hình thức “chìa khóa trao tay”, mái lợp tôn, diện tích sử dụng gần 60 m2, tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Ngày về nhà mới, anh còn được họ hàng, bạn bè tặng thêm nhiều vật dụng sinh hoạt để sớm ổn định cuộc sống.

Thực tế triển khai việc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Sơn Động phát sinh một số khó khăn, nguy cơ làm chậm tiến độ thi công các dự án như: Nhiều hộ thiếu giấy tờ xác định quyền sử dụng đất; một vài nơi, đồng bào dân tộc có thói quen xem tuổi, xem tháng đẹp mới khởi công, động thổ xây nhà; có trường hợp nêu lý do thiếu kinh phí đối ứng nên chần chừ chưa triển khai...

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết những vướng mắc trên, đồng chí Mã Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Lạc cho hay, trước khi đưa vào danh sách hỗ trợ xây, sửa nhà, xã đã rà soát các tiêu chí về nhà ở, đất ở, chú ý đến tính pháp lý tài sản và khả năng đối ứng của từng hộ. Đối với hộ neo đơn, có người đau yếu, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, địa phương chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc hỗ trợ. Ban chỉ đạo cấp xã thường xuyên họp kiểm điểm, gắn trách nhiệm, đánh giá thi đua đối với cán bộ, đảng viên được phân công hỗ trợ. Đôn đốc các hộ thực hiện đúng cam kết bảo đảm thời gian thực hiện.

Đồng chí La Mạnh Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện thông tin, trong quá trình triển khai, địa phương đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Số tiền vận động đến nay đạt hơn 1,9 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công. Một số đơn vị hỗ trợ với nguồn lực lớn như: Tổ chức phi chính phủ DIVA Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ hơn 300 triệu đồng; Công ty cổ phần Phát triển Fuji Bắc Giang hỗ trợ 800 triệu đồng; Công ty 45 (Tổng Công ty Đông Bắc) hơn 300 triệu đồng...

Theo lãnh đạo huyện Sơn Động, dù có kế hoạch cụ thể, rõ ràng song do số lượng nhà cần sửa chữa, xây mới lớn nên để đạt mục tiêu xóa xong nhà tạm, nhà dột nát vào cuối năm nay gặp khó khăn. Vì thế, cùng với nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, địa phương cần chủ động kết nối, giới thiệu địa chỉ hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với nhà tài trợ để có phương án giúp đỡ phù hợp.

Quá trình thực hiện, chú trọng hình thức giúp đỡ trực tiếp. Ủy ban MTTQ, chính quyền các cấp tập trung cao đôn đốc, giám sát thi công bảo đảm chất lượng công trình, tiêu chuẩn nhà ở và tiến độ đề ra. Cùng đó kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị tiêu biểu có cách làm hiệu quả; phê bình, kiểm điểm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền triển khai chậm, thiếu sát sao kiểm tra, giám sát trong thực hiện nhiệm vụ này.

Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/son-dong-bao-dam-tien-do-xay-dung-nha-giup-ho-ngheo-an-cu-074318.bbg