Sớm gỡ vướng cho các đơn vị vệ sinh môi trường

Ách tắc rác thải về khu xử lý tập trung, chênh lệch giá tiền lương, nhiên liệu... đang là những vấn đề 'đau đầu' đối với các đơn vị thực hiện duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) tại nhiều địa bàn quận, huyện thuộc TP Hà Nội.

Khó khăn bủa vây

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, trên địa bàn có 2 đơn vị trúng thầu, duy trì VSMT là Công ty CP Dịch vụ Môi trường Thăng Long, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long.

Tại 27 xã, thị trấn của huyện, đang tổ chức thu gom với tần suất từ 2 - 7 ngày/tuần và vận chuyển đến khu xử lý rác của TP (tại Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây). Tuy nhiên, việc thu gom rác chưa đáp ứng thực tế phát sinh tại các xã, thị trấn có mật độ dân cư tập trung đông.

Đáng nói, công tác vận chuyển rác từ địa bàn huyện đến khu xử lý rác của TP bị phụ thuộc nhiều vào điều kiện nơi tiếp nhận rác. Năm 2021, 2022 xảy ra các sự cố không mong muốn khiến cho tồn đọng hàng nghìn tấn rác thải tại trạm trung chuyển Phú Minh và điểm dự phòng của các xã làm ảnh hưởng đến hoạt động thu gom, vận chuyển.

Cùng với đó, ý thức của một bộ phận dân cư, nhất là các hộ kinh doanh mặt đường, khu vực họp chợ chưa cao nên tình trạng đổ rác bừa bãi còn diễn ra. Ngoài ra, nguồn thu từ dịch vụ VSMT và hợp đồng thu gom, vận chuyển chấ thải rắn công nghiệp thông thường được sử dụng để cân đối một phần cho công tác thu gom rác ngõ xóm còn thấp so với kế hoạch.

Trong khi đó, huyện Thanh Trì đang trong quá trình phát triển lên quận. Trên địa bàn không có khu vực làm nơi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt. Toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn đều được các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn để xử lý theo quy định.

Trạm trung chuyển, phân loại và xử lý rác hữu cơ Phú Minh, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Thành Luân

Trạm trung chuyển, phân loại và xử lý rác hữu cơ Phú Minh, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Thành Luân

Từ năm 2021 đến nay, liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Môi trường đô thị Thanh Trì và Công ty CP Dịch vụ Môi trường Thăng Long đã cơ bản thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, duy trì VSMT theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, về khó khăn hiện nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn cho biết, đang thực hiện đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 nên việc thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường vẫn đang áp dụng theo Quyết định số 54/QĐ-UBND năm 2016 của UBND TP là không phù hợp. Vì thế, huyện Thanh Trì kiến nghị UBND TP sớm điều chỉnh tăng mức thu giá dịch vụ VSMT để đảm bảo cân đối nguồn thu - chi cho liên danh nhà thầu.

Lãnh đạo UBND huyện cũng kiến nghị sớm điều chỉnh, bổ sung, ban hành quy trình công nghệ, định mức, đơn giá mới. Trong đó, ban hành giá nhiên liệu, vật tư, vật liệu, tiền lương cho phù hợp với thực tế.

Đồng thời sớm xây dựng, đưa vào vận hành các khu xử lý, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt để công tác thu gom, vận chuyển rác thải phát sinh được kịp thời, đảm bảo chất lượng VSMT, hạn chế tối đa, không để tồn đọng rác thải sinh hoạt qua ngày gây mất cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường.

Đầu tư công nghệ xử lý rác thải hiện đại

Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Môi trường Thăng Long Nguyễn Phúc Thành chia sẻ, đơn vị đã trúng 4 gói thầu duy trì VSMT giai đoạn 2021 - 2023 tại các quận Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì. Với cơ sở kết quả đấu thầu, DN đã nghiêm túc thực hiện theo nội dung đã ký kết, thu gom rác thải đảm bảo hiệu quả, đúng, đủ theo các quy trình, định mức do UBND TP Hà Nội ban hành. Tuy nhiên, đánh giá kết quả thực hiện công tác vận chuyển rác về khu vực xử lý từ 1/1/2021 - 31/3/2023 tại 4 địa phương không hoàn thành khối lượng vận chuyển được giao, đặc biệt tại huyện Phú Xuyên với chỉ 67,7%.

Lý giải về nguyên nhân, với địa bàn quận Hoàng Mai và Thanh Trì, công ty tiến hành vận chuyển rác về khu xử lý rác Nam Sơn trong năm 2021 nhiều lần bị người dân chặn không cho xe vận chuyển vào khu xử lý.

Tiếp đó, hoạt động đăng kiểm xe cơ giới từ giữa tháng 12/2022 - 1/2023 gặp nhiều khó khăn do các trạm đăng kiểm bị đóng cửa hoặc quá tải, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển rác, gây tồn đọng khoảng 1.700 tấn.

Khó chồng khó, khi bãi rác Xuân Sơn (nơi vận chuyển rác của huyện Phú Xuyên và Thường Tín) bị cản trở đã dẫn tới 30 quận, huyện phải vận chuyển rác về bãi Nam Sơn.

Việc này gây quá tải kéo dài cho các hoạt động nhận rác vào khu xử lý, gây tồn đọng nhiều tại các địa bàn. Khó khăn cho DN khi tập kết rác như vậy nhưng khi có quy hoạch dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt lại cũng đầy "trắc trở", có thể nói đến huyện Phú Xuyên.

Mặc dù UBND huyện đã phê duyệt điều chỉnh chi tiết xây dựng Khu xử lý chất thải rắn Châu Can (thôn Lễ Thượng, xã Châu Can) nhưng do nhà thầu không đủ năng lực nên UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 6/1 về việc dừng thực hiện và chấm dứt chủ trương đầu tư.

Về vấn đề này, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Đàm Văn Huân thông tin, đối với Nhà máy xử lý rác thải xã Châu Can, hiện tại TP mới tạm dừng, vì thế huyện cần sớm đề xuất đầu tư, công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu. Mỗi địa phương cần sớm thực hiện việc phân loại rác tại gia đình. Vì phân loại rác tại nguồn là cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư công nghệ, quy trình, định mức cụ thể.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong quy hoạch, yếu tố công nghệ rất cần thiết, lấy rác là tài nguyên tái chế, không để làm gánh nặng cho xã hội và hướng tới kinh tế tuần hoàn. TP nên chọn đầu tư công nghệ xử lý rác thải hiện đại, để người dân không e ngại việc đặt nhà máy xử lý rác tại địa phương.

Chúng tôi rất mong muốn UBND TP Hà Nội sớm điều chỉnh tăng mức thu giá dịch vụ VSMT để đảm bảo cân đối nguồn thu - chi cho liên danh nhà thầu.

Đại diện liên danh Công ty CP Môi trường đô thị Thanh Trì và Công ty CP Dịch vụ Môi trường Thăng Long

Thành Luân - Hồng Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/som-go-vuong-cho-cac-don-vi-ve-sinh-moi-truong.html