Sớm đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua vào cuộc sống

Ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị.

Đồng chí Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có các ĐBQH: Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và một số sở, ban, ngành tỉnh.

Tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết. Trong đó, quy định những nội dung quan trọng về căn cước; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; tài nguyên nước; viễn thông; các tổ chức tín dụng; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch phát triển KT-XH; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn…

Nhằm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết, thực hiện chủ trương “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.

Đa số các bộ, ngành, địa phương đã lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024. Bên cạnh đó, đã có 27/63 tỉnh, TP có kế hoạch, công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức tập huấn, biên soạn tài liệu phục vụ việc phổ biến, giới thiệu luật, nghị quyết đến người dân và doanh nghiệp.

Về thực hiện các nhiệm vụ được giao theo các nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Thông qua đề nghị xây dựng các Luật: Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Cùng đó, Thủ tướng Chính phủ giao 47 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, trong đó xác định lộ trình cụ thể, mốc thời gian và định lượng các chỉ tiêu, công việc cần thực hiện.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết theo thẩm quyền. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh (nếu có) trong quá trình thi hành luật, nghị quyết trong trường hợp cần thiết theo đề nghị của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Đối với Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ cần kịp thời bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, nhất là các chính sách, quy định mới, đặc thù, các chính sách, quy định có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật.

Đối với chính quyền địa phương cần khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội; chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nội dung các văn bản thuộc lĩnh vực được giao.

Tiếp tục thực hiện việc giải ngân vốn ngân sách trung ương và địa phương đã được phân bổ; chỉ đạo đẩy mạnh việc lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác.

Chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết; kịp thời báo cáo, đề xuất phương án đối với những vấn đề có vướng mắc để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, xem xét, xử lý và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết.

HĐND các cấp nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc cách thức phù hợp để quán triệt, triển khai nội dung luật, nghị quyết của Quốc hội, tập trung vào những nội dung, nhiệm vụ được triển khai tại địa phương mình và những nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho chính quyền địa phương thực hiện.

Vân Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/som-dua-cac-luat-nghi-quyet-duoc-quoc-hoi-thong-qua-vao-cuoc-song.bbg