Sợi vải 'kỳ diệu' đầu tiên

Xu hướng thời trang nhanh bắt đầu từ rất lâu trước đây, khi công ty E.I. DuPont de Nemours and Company phát minh ra loại vải tổng hợp hoàn toàn đầu tiên: nylon.

DuPont tuyên bố rằng loại vải mới rất tuyệt vời đó chỉ đơn giản được chế tạo từ cặn than, không khí và nước, nhưng trên thực tế, quá trình tạo ra nó không hề đơn giản hay thuần túy chỉ bao gồm những vật liệu tự nhiên như thế.

Giáo sư hóa học ở Harvard, Wallace H. Carothers, được công ty này mời về lãnh đạo một đội ngũ gồm 230 nhà khoa học và dự án nghiên cứu này kéo dài 11 năm ròng rã. Họ đã khám phá ra cách để ghép các chuỗi phân tử dài lại với nhau, gọi là polymer, và sau đó đan chúng lại thành vải.

DuPont cũng không tiếc tiền đầu tư vào các chiến dịch quảng bá cho các đặc điểm mang tính cách mạng của nylon, họ thậm chí còn đưa những chiếc tất dài trở thành điểm nhấn nổi bật của mình trong triển lãm quốc tế World’s Fair năm 1939.

Triển lãm này giới thiệu nhiều sản phẩm ấn tượng mang hơi thở tương lai, chẳng hạn Elektro, robot biết nói dài 2 mét của Westinghouse với vốn từ vựng lên tới 700 từ và trước mặt đám đông đang trầm trồ ngắm nhìn mình, robot này còn tiết lộ: “Não của tôi lớn hơn não của quý vị”. Tuy vậy, sản phẩm tất nylon của DuPont mới là tâm điểm thu hút được sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu.

Gian hàng của công ty này biểu diễn hoạt cảnh những người thợ may làm ra những chiếc tất dài bằng nylon, sau đó các nữ người mẫu đeo chúng lên, thậm chí còn dùng chúng để chơi trò kéo co nhằm chứng minh cho độ bền của loại vải này. DuPont khẳng định rằng tất nylon “mạnh mẽ như sắt thép”.

Mặc dù một số bài báo tỏ ra hoài nghi về khả năng tất nylon sẽ được thị trường đón nhận, thậm chí còn nhận xét với thái độ trịch thượng rằng “tâm lý phụ nữ rất khó nói”, nhưng phụ nữ lại rất phấn khích với sản phẩm được quảng cáo là “bền tới nỗi kéo không dão, đầu thuốc lá đốt không cháy” này.

Năm 1939, Dupont triển khai bán một đợt hạn chế gồm 4.000 đôi tất nylon tại sáu cửa hàng ở Wilmington, Delaware, nơi đặt trụ sở của họ. Phụ nữ đến xếp thành những hàng dài cả dãy phố và tất nhanh chóng được bán hết trong vòng ba giờ. Tên ban đầu của loại vải này là nuron, theo giải thích của một vị quản lý thuộc Bộ phận Nylon của DuPont thì đây là từ “no run” (không dão) viết ngược. (Nhưng họ buộc phải đổi tên vì một công ty khác đã đăng ký sở hữu thương hiệu cho tên gọi này).

Có câu chuyện kể lại rằng một phụ nữ tên là Grace Lyons hỏi nhân viên bán hàng rằng loại tất này có thể dùng được trong bao lâu và lời kể của những người phụ nữ có mặt trong buổi bán hàng hôm đó đã chứng thực cho độ bền của tất nylon. Về sau, Grace nói với một phóng viên: “Chúng cứ như sắt vậy, dùng được suốt một năm”.

Vậy thì vì sao giờ đây chúng lại dễ dão đến như vậy? Bởi vì có thông tin nói rằng sau này DuPont ra lệnh cho các nhà hóa học của họ phải tìm cách để tất dễ dão hơn. Lại là một chủ trương lỗi thời hóa có tính toán!

Dĩ nhiên, có thể làm cho nylon trở thành một vật liệu có sức bền rất lớn, đây là lý do vì sao quân đội Mỹ lại yêu cầu DuPont ngừng sản xuất tất và chuyển toàn bộ số vải nguyên liệu sang phục vụ cho việc sản xuất dù và lều trong Thế chiến II. Tình trạng khan hiếm tất nylon trong thời gian này đã tạo ra những cuộc bạo loạn vì tất nylon khi mặt hàng này được bán trở lại vào năm 1945.

Khi thông tin trên được tiết lộ, hàng chục nghìn phụ nữ ở khắp nơi trên nước Mỹ đã rầm rập tìm đến các khu trung tâm mua sắm. Vụ việc nghiêm trọng nhất là khi một đám đông gồm khoảng 40.000 người ở Pittsburgh cùng đổ về một cửa tiệm nhỏ vừa xoay xở kiếm được 13.000 đôi tất để tranh giành mua chúng.

Theo nhận định của tác giả Susannah Handley trong cuốn sách Nylon: The Story of a Fashion Revolution (tạm dịch: Nylon: Câu chuyện về một cách mạng trong ngành thời trang) thì: “Trong toàn bộ lịch sử của các loại vải vóc, không có sản phẩm nào khác được công chúng tiếp nhận hồ hởi và ngay lập tức như sản phẩm tất nylon của DuPont”.

Không phải không ai chú ý đến những tác hại về môi trường mà các loại quần áo sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch gây ra. Khi đó một phóng viên từng lên tiếng chỉ trích, chỉ có điều đó vẫn là giọng điệu miệt thị giới tính: “Các cô gái này, nếu các cô xỏ những chiếc tất nylon mới đó, tức là số bụi than mà các cô mang theo trên người còn nhiều hơn thợ mỏ đấy”.

Nhưng ai có thể tranh cãi được gì trước thành công to lớn như vậy? Các công ty hóa chất khác cũng vội vàng vào cuộc và trong thập niên tiếp theo họ đã cho ra đời rất nhiều chất liệu tổng hợp mới khác, mà nổi tiếng nhất là polyester.

Khi chất liệu này ra mắt vào năm 1951, nó được giới thiệu là “một loại sợi diệu kỳ có thể mặc liên tiếp 68 ngày, không cần là ủi nhưng trông vẫn phẳng phiu”. (Còn việc vẫn giữ được mùi dễ ngửi thì lại là một câu chuyện khác). Có người băn khoăn không biết vào ngày thứ 69 thì sẽ có sự lạ gì diễn ra.

Cary Grant và Audrey Hepburn trong bộ phim hình sự Charade. Ảnh: Charles Lang/Stanley Donen Films.

Polyester được tạo thành từ hóa chất xăng dầu chứ không phải là từ các chiết xuất từ than như hầu hết loại sợi tổng hợp được chế tạo từ thời đó cho đến ngày nay. Giá thành sản xuất của chúng rẻ hơn so với sợi tự nhiên và điều này mang lại cho chúng một lợi thế mạnh mẽ trên thị trường.

Bên cạnh đó, khả năng chống nhăn cũng là một điểm cộng khác của chúng. Khi doanh số bán máy giặt ở Mỹ tăng mạnh sau Thế chiến 2, từ năm 1950 đến 1956 đã tăng gấp ba lần, doanh số bán các loại quần áo “giặt xong là mặc được” cũng tăng theo. Những bộ âu phục “giặt không nhăn” được đông đảo người dùng ưa thích thậm chí còn đòi hỏi ít công sức hơn và được những người bán hàng quảng cáo là chỉ cần giặt dưới vòi hoa sen là đủ.

Chính diễn viên Cary Grant, có lẽ là người đàn ông có lối ăn mặc phong cách nhất mọi thời đại, đã chia sẻ mẹo hay này cho Audrey Hepburn trong bộ phim hình sự Charade (Câu đố) năm 1963 mà hai người đóng chung. Trong phim, trước sự sửng sốt của Hepburn khi thấy ông đang xoa xà bông dưới vòi hoa sen, ông đã vui vẻ đọc phần hướng dẫn giặt chiếc áo comple của mình rằng: “Mặc áo trong lúc giặt giúp áo giữ phom tốt hơn!”

Ron Gonen/NXB Công thương & Thaihabooks.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/soi-vai-ky-dieu-dau-tien-post1399973.html