Soi từng góc cạnh vật thể cổ nhất Việt Nam, 3 tỉ năm tuổi

Để hiểu được giá trị có '1-0-2' của vật trông chẳng khác gì những cục đá mà chúng ta có thể bắt gặp bên đường ở đâu đó này, cần nhìn lại lịch sử hình thành kéo dài hàng tỉ năm của Trái đất.

Tại triển lãm "Lịch sử hình thành Trái Đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hóa thạch" đang diễn ra ở Bảo tàng Hà Nội có một hiện vật thu hút sự chú ý đặc biệt của khách tham quan, đó là “ Viên đá cổ nhất Việt Nam, có niên đại 2,936 tỷ năm”.

Thoạt nhìn, viên đá này không gây một ấn tượng gì đặc biệt. Nó có đường kính khoảng 60 cm, bề mặt góc cạnh, xù xì, màu nâu xám.

Để hiểu được giá trị có “1-0-2” của vật trông chẳng khác gì những cục đá mà chúng ta có thể bắt gặp bên đường ở đâu đó này, cần nhìn lại lịch sử hình thành kéo dài hàng tỉ năm của Trái đất.

Theo tài liệu của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội, liên đại Hỏa thành (Haden, 4.5 - 4 tỉ năm trước) của Trái đất trôi qua không để lại chút chứng liệu vật chất nào về thời kỳ bí ẩn sơ khai này.

Những mẫu đá đầu tiên được cho rằng thuộc về vỏ Trái đất có tuổi 3,8 tỷ năm được các nhà khoa học thu thập ở Australia và Canada thuộc về liên đại Arkei (Thái Cổ) bắt đầu từ khoảng 4 tỷ năm trước.

Còn ở Việt Nam, những tài liệu địa chất của suốt 100 năm nghiên cứu đã khoanh được hai vùng có khả năng chứa những loại đá cổ nhất có tuổi Arkei (Thái cổ), đó là địa khối Kon Tum ở Tây Nguyên và dãy núi Con Voi ở phía Tây Bắc Bộ.

Nhưng cụ thể loại đá nào, tại vùng nào…. thì lại là câu hỏi không dễ trả lời. Và công việc tìm kiếm đó được ví như “mò kim đáy biển”.

Vào năm 2001, PGS.TS Trần Ngọc Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Địa lí – Địa chất của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, đã có cơ may đến được khu vực thác nước Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái thuộc dãy núi Con Voi để tiến hành thu thập mẫu.

Chính những tinh thể zircon lấy trong tầng đá Orthogneis ở địa điểm trên đã được ông mang sang phòng thí nghiệm hiện đại ở Nhật Bản để xác định tuổi tuyệt đối bằng phương pháp phân tích đồng vị U/Pb.

Kết quả phân tích cho biết đá ở đó có niên đại 2,936 tỷ năm, thuộc đại Mesoarkei – tuổi đá cổ nhất trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay.

Khối đá có vẻ ngoài không lấy gì làm đặc biệt đang nằm trước mắt công chúng ở Hà Nội đã được mang về từ thác nước Hưng Khánh kể trên. Nó đã trải qua nhiều chu kỳ kiến tạo, nhiều pha tạo núi lớn nhỏ.

Nó là một “chứng nhân” của lịch sử phát triển sinh giới, từ những sinh vật đơn bào kích thước hiển vi ban đầu, đến những con vật khổng lồ từng làm mưa làm gió trên hành tinh trong suốt lịch sử dài lâu, mà so sánh với dòng thời gian đó, đời người chẳng khắc gì hạt cát giữa lòng đại dương...

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/soi-tung-goc-canh-vat-the-co-nhat-viet-nam-3-ti-nam-tuoi-1972232.html