Sợi dây bền chặt nối hai tổ chức công đoàn

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo CĐVN có rất nhiều người đã từng học tập, nghiên cứu, trưởng thành tại Liên Xô (cũ). Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về những kỷ niệm của người làm công tác công đoàn (CĐ) từng được đào tạo tại Liên Xô (cũ), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng cho biết:

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng (thứ 5 từ phải sang) và Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Ngàng (thứ 5 từ trái sang) tại cuộc gặp mặt ngày 2.11.2013 của Hội Cựu sinh viên CĐ tại Liên Xô (cũ). Ảnh: Lều Đức Minh

- Đoàn CB đầu tiên của CĐVN gồm 5 người được cử sang đào tạo đại học ngành kinh tế LĐ tại Trường Cao cấp Phong trào CĐ Liên Xô vào tháng 9 năm 1973. Hiện trường đã đổi tên thành Học viện Lao động và Quan hệ xã hội Liên bang Nga.

Tới giờ, sau 40 năm, những CBCĐ ấy đã nghỉ công tác, nhưng những gì mà họ cống hiến cho tổ chức CĐVN từ bài học mà các thầy cô giáo người Nga dạy là rất lớn. Đó không chỉ là bài học về xã hội chủ nghĩa, về phong trào CN, CĐ mà còn cả về văn hóa, lối sống...

Có thể kể ra đây những người như ông Bùi Huy Liên – nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định, học khóa 1981-1986 tại Trường CĐ Mátxcơva, đã vận dụng hiệu quả những nguyên lý cơ bản được đào tạo vào công việc hay như PGS-TS khoa học Nguyễn Viết Vượng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn VN...

Ngoài 3 khóa đầu tiên gọi là khóa số không, còn có 14 khóa CB CĐVN được đào tạo dưới mái trường của tổ chức CĐ Liên Xô (cũ).

Không phải ai trong số họ trở về cũng hoạt động CĐ, nhưng đa phần đều giữ trọng trách cao. Những người giữ trọng trách cao của tổ chức CĐ là TS Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Đặng Ngọc Chiến – nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Võ Lâm Phi – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Huỳnh Tấn Kiệt – Chủ tịch LĐLĐ Đồng Nai, Nguyễn Thị Kim Oanh – nguyên Chủ tịch LĐLĐ Bắc Giang...

Đã thành nếp, hằng năm, đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11), những CBCĐ đã từng học tập, nghiên cứu ở Liên Xô (cũ) hay nước Nga ngày nay lại họp mặt kỷ niệm và trao đổi kinh nghiệm trong công tác, cuộc sống.

Nét đẹp đó cũng là biểu hiện của tình đồng chí, bạn bè và không quên những gì mà Cách mạng Tháng Mười đã mang lại cho chúng ta có được cuộc sống, sự nghiệp tốt đẹp như ngày hôm nay.

Xin Phó Chủ tịch cho biết sự hợp tác giữa hai tổ chức CĐ hiện nay?

- Hiện sự hợp tác giữa 2 tổ chức CĐ đang trên đà phát triển tốt đẹp. Ngoài mối liên hệ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan T.Ư thì CĐ một số thành phố của hai nước cũng hợp tác chặt chẽ như giữa LĐLĐ TP.Hà Nội và CĐ TP.Mátxcơva; Trường ĐH Công đoàn VN cũng thiết lập quan hệ với Học viện Lao động và Quan hệ xã hội Liên bang Nga.

Những CBCĐ theo học tại Học viện Lao động và Quan hệ xã hội Liên bang Nga đều được trang bị những kiến thức nền tảng quý báu. Cho đến nay, không ít CB vẫn giữ liên lạc với các thầy cô giáo của học viện để tiếp tục trao đổi những vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn của phong trào CNLĐ và hoạt động CĐVN.

Hiện học viện đã bỏ một số môn không phù hợp nhưng tăng thêm những giờ giảng sát thực tế, nhất là vấn đề bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tính đến nay, hàng trăm lượt CBCĐ đã được đào tạo ngắn hạn, dài hạn, làm nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nga. Sợi dây nối liền 2 tổ chức CĐ sẽ còn thêm bền chặt.

- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

Năm 1997, Ban Liên lạc Hội Cựu sinh viên các trường ĐH CĐ Liên Xô (cũ) chính thức hoạt động. Từ đó đến nay, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, các cựu sinh viên cũng tổ chức gặp mặt. Ngày 2-3.11.2013, Ban Liên lạc đã tổ chức míttinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga trọng thể tại Hà Nội và về Thái Bình thắp hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/soi-day-ben-chat-noi-hai-to-chuc-cong-doan/147268.bld