'Sốc' với xăng A92 giả: 'Phải túm kẻ có tóc'

Đó là quan điểm của chuyên gia Vũ Vinh Phú – nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội khi nói về tình trang hàng loạt xăng A92 có chỉ số Octan chưa đến 50% vừa bị kiểm tra và phát hiện tại Nghệ An.

“Sốc” với kết quả kiểm nghiệm xăng A92 tại Nghệ An: Phải làm rõ lợi ích nhóm (Ảnh: IT)

Xử lý phải “túm kẻ có tóc”

Ông Vũ Vinh Phú cho biết, có tới hàng loạt các công ty bán xăng A92 kém chất lượng và thậm chí phát hiện cả đường dây với hơn 2 triệu lít xăng giả thì phải xem có ai “chống lưng” đằng sau không, có lợi ích nhóm ở đó không. Một doanh nghiệp đơn lẻ thì không thể làm được xăng giả, xăng kém chất lượng nhiều như thế được.

“Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng phải điều tra, làm rõ những công ty này lấy xăng của các doanh nghiệp lớn nào vì ở Việt Nam đầu mối kinh doanh xăng dầu với số lượng lớn chỉ có vài ông lớn có thể đếm được trên đầu ngón tay nên cần phải tóm những anh “có tóc”, ông Phú nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phú, trong số những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay chỉ có gần 30 đơn vị và khoàng hơn 150 đơn vị phân phối. Thực tế, nếu xét ở thị phần thì chỉ có vài ông lớn như Ptrolimex khoảng 46% thị phần, Pv Oil khoảng gần 24%, Sài Gòn Petro khoảng 8% và các doanh nghiệp còn lại khoảng hơn 20%. Do đó, với một đơn vị phân phối hơn 2 triệu lít xăng giả cũng phải làm rõ là đơn vị này đang phân phối xăng cho “ông lớn” nào? Từ đó phải xử lý cả trách nhiệm của “ông lớn” đầu mối vì để đơn vị phân phối cho mình làm ăn gian dối, trục lợi người tiêu dùng.

Ông Vũ Vinh Phú cũng chia sẻ thêm: Không chỉ có vụ việc phát hiện hơn 2 triệu lít xăng giả và hàng loạt các doanh nghiệp ở Nghệ An có xăng A92 không đảm bảo thì người dân mới “sốc” mà thực tế vấn đề kinh doanh xăng dầu đã tồn tại tình trạng gian lận từ rất lâu rồi. Ngoài pha các dung môi khác vào xăng còn kẹp trì ăn bớt… xăng của người tiêu dùng. “Vụ tôi ví dụ các vụ gần đây như vụ “móc túi” ở cây xăng Chần Khát Chân từ cuối năm 2014 đã có tới 16 người phải hầu tòa. Hay 7 người khác cũng bị truy tố vì trộm xăng máy bay của hãng Jetstar. Thử tưởng tượng xem, nếu xăng giả, xăng kém chất lượng mà lên máy bay nữa thì mức độ nguy hiểm sẽ như thế nào”, ông Phú nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Vinh Phú, nếu đi kiểm tra mà không “thông báo trước”, kiểm tra mà không “ăn tiền” thì cũng chẳng đến lỗi nhan nhản các sự việc vi phạm về kinh doanh xăng dầu cũng như hàng loạt các mặt hàng khác có “vấn đề” như hiện nay.

Cũng theo ông Phú, không phải tự nhiên mà người tiêu dùng của Việt Nam lại nháo nhào lên khi thấy người Nhật họ mở cây xăng và bán xăng ở Hà Nội. “Dù xăng dầu là mặt hàng chiến lược và mình vẫn phải giữ thị phần nhưng ở mức độ cho phép tôi ủng hộ người Nhật mở hàng nghìn cây xăng. Chỉ có cạnh tranh thì mới phát triển được, còn nếu không có cạnh tranh thì cách kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam cả về chất lượng và cung cách phục vụ sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được cả”, ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, ở góc độ quản lý nhà nước, nếu đi kiểm tra mà không “thông báo trước”, kiểm tra mà không “ăn tiền” thì cũng chẳng đến lỗi nhan nhản các sự việc vi phạm về kinh doanh xăng dầu cũng như hàng loạt các mặt hàng khác có “vấn đề” như hiện nay.

Xăng giả, kém chất lượng làm xe nhanh hỏng

Liên quan tới chất lượng xăng A92 có chỉ số ốc tan, KS. Lê Văn Tạch cho biết: Xăng là một trong số các nhiên liệu cháy để tạo công suất cho động cơ. Do vậy, nếu chất lượng xăng kém thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của động cơ. “Chỉ số Octan càng cao thì khả năng chống kích nổ càng tốt. Nếu xăng có chỉ số Octan quá thấp thì có thể dẫn đến hiện tượng kích nổ trong động cơ (hiện tượng nổ sớm), nó khiến động cơ bị giảm đáng kể công suất và làm nóng động cơ, từ đó sẽ làm cho xe máy, ô tô sử dụng loại xăng này nhanh hư hỏng”, KS. Tạch nhấn mạnh.

Trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo của ngành quản lý thị trường (dấu tên) cho biết, xăng dầu cũng là hàng hóa nhưng lại là hàng hóa “đặc thù” nên muốn kiểm tra chất lượng phải cần có thanh tra chuyên ngành mới phát hiện được những vi phạm. Cụ thể, vị lãnh đạo này cho biết, đối với xăng dầu, thanh tra chuyên ngành là do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN) đảm nhiệm.

Người tiêu dùng đã "sốc" với kết quả kiểm nghiệm xăng A92 ở Nghệ An (Ảnh: IT)

Trước đó, Thanh tra sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã tiến hành thanh tra và phát hiện có 12 điểm kinh doanh xăng dầu ở các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và TX.Thái Hòa vi phạm về chất lượng. Để làm có cơ sở xử lý, các cơ quan chức năng đã gửi 12 mẫu của 7 doanh nghiệp đi kiểm tra, trong đó có đến 11 mẫu vi phạm về trị số ốc tan.

Cụ thể, Công ty TNHH Thanh Ngũ có 3/4 mẫu vi phạm với trị số ốc tan 70,7/92, 46,0/92 và 46,4/92; Doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục 2/2 mẫu vi phạm trị số ốc tan 68/92, 73,1/92; Công ty TNHH Thương mại Kỳ Phương vi phạm trị số ốc tan 59,1/92; Công ty TNHH Thương mại Sáu Hằng vi phạm trị số ốc tan 61,3/92; Doanh nghiệp tư nhân Phùng Pha vi phạm trị số ốc tan 70,8/92; Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thành vi phạm trị số ốc tan 2 mẫu 71,3/92 và 84,7/92.

Trước đó, vào ngày 11.10, cơ quan chức năng của Nghệ An cũng đã phát hiện và bắt giữ công ty TNHH Thanh Ngũ ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, (Nghệ An) có tới 2 triệu lít xăng giả đang trên đường đi tiêu thụ.

Thanh Xuân

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/soc-voi-xang-a92-gia-phai-tum-ke-co-toc-815979.html