Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp khó khăn về vốn tín dụng

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong tỉnh, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng và các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cơ cấu nợ, giảm lãi suất, giải ngân các gói tín dụng, tiếp thêm nguồn lực tài chính giúp doanh nghiệp đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay

Do hậu Covid-19 và ảnh hưởng nền kinh tế thế giới, trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, bao gồm cả việc tiếp cận vốn ngân hàng. Trước thực trạng đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã bám sát chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổ chức triển khai các nhiệm vụ của ngành gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó tập trung chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm kéo giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Qua đó, đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng có lãi suất ưu đãi thấp hơn 1 - 2,5% so với mức lãi suất cho vay thông thường đối với người dân và doanh nghiệp.

Theo chị Trương Thị Bạch Thủy - Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), sau thời gian dài khó khăn, hợp tác xã đã tiếp cận được nguồn vốn vay 500 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ sự hỗ trợ của các sở, ngành và chính quyền địa phương. Nhờ đó đã giúp hợp tác xã giải quyết phần nào khó khăn về nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Lãnh đạo HĐND tỉnh, các sở, ngành, địa phương khảo sát tình hình hoạt động, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Anh Trần Vũ Phương - Giám đốc Hợp tác xã Thanh Phú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, khi có được nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất 0,5%/tháng từ Liên minh Hợp tác xã, Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đầu tư mua thêm máy móc, nguyên liệu, nhờ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh có sự chuyển biến rõ nét. Hiện hợp tác xã đang có đơn hàng tiềm năng trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh Phương cũng rất lo lắng vì sợ không đủ nguồn lực đáp ứng do thời gian gối đầu đơn hàng kéo dài, gây khó cho hợp tác xã trong xoay đồng vốn. Vì vậy, hợp tác xã rất mong muốn được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng trong tỉnh để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng, năm 2023, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giải ngân được 128.310 tỷ đồng, tăng 14.062 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng 12,31%. Doanh số thu nợ đạt 118.005 tỷ đồng, tăng 10.370 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng 9,6%. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn năm 2023 đạt mức rất cao, đứng đầu so với cả nước với tổng dư nợ cho vay đạt là 61.247,4 tỷ đồng, tăng 10.352 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng 20,34% (bình quân cả nước chỉ đạt 13,77%).

Được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi sẽ tiếp thêm nguồn lực để doanh nghiệp vượt khó, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: HOÀNG LAN

Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 1.158 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, với dư nợ cho vay là 21.631 tỷ đồng, tăng 6.302,4 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 41% so với cuối năm 2022. Như vậy, cho thấy dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp khá cao trong tổng dư nợ cho vay và ở mức tăng trưởng 41% là rất cao.

Nhiều giải pháp cơ cấu nợ, giảm lãi suất được triển khai

Dù tiếp cận được nguồn vốn vay nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rơi vào cảnh khó khăn do hàng hóa tồn kho, không có đơn hàng mới nhưng lãi suất ngân hàng phải trả. Thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, ngành ngân hàng đã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Các giải pháp hỗ trợ được triển khai một cách chặt chẽ, quyết liệt, đặc biệt là các giải pháp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kéo giãn thời gian trả nợ, không bị chuyển nợ xấu làm hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng. Triển khai các giải pháp nhằm kéo giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cụ thể, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo đồng chí Phạm Kim Hùng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 31/12/2023, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 738 lượt khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 435 tỷ đồng.

Việc kéo giảm lãi suất cho vay, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Ảnh: HOÀNG LAN

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm). Qua thời gian triển khai, đến cuối năm 2023, lãi suất đã có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 2,5% so với cuối năm 2022.

Ngoài ra, ngành ngân hàng đã triển khai các chương trình, gói tín dụng có lãi suất ưu đãi để tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Kết quả có 4 doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay là 1.765,6 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 31/12/2023 là 463,6 tỷ đồng với số tiền lãi được hỗ trợ là 9,42 tỷ đồng (chương trình hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh). Thẩm định và duyệt cho vay 11 khách hàng là doanh nghiệp với tổng hạn mức tín dụng cam kết cho vay là 2.174,5 tỷ đồng, dư nợ hiện nay là 264,8 tỷ đồng, với lãi suất cho vay ngắn hạn VND từ 2,5 - 6%/năm, lãi suất cho vay USD từ 3,2 - 4,9%/năm (thuộc chương trình gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực thủy sản, lâm sản với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2% năm).

Dự báo, năm 2024 tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Khó khăn là không tránh khỏi nhưng cơ hội vẫn đan xen. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cần tranh thủ thời cơ và để thành công rất cần sự đồng hành, tiếp sức của các tổ chức tín dụng, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính ổn định, lãi suất phù hợp để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng.

HOÀNG LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/kinh-te/soc-trang-trien-khai-nhieu-giai-phap-ho-tro-co-cau-no-giam-lai-suat-cho-doanh-nghiep-kho-khan-ve-von-tin-dung-71977.html