Sóc Trăng tăng cường hỗ trợ phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm cải thiện đời sống cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Sóc Trăng đang đồng loạt triển khai Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Trong đó có vai trò không nhỏ của các cấp Hội phụ nữ triển khai các biện pháp thực hiện hỗ trợ sinh kế phát triển bền vững, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của phụ nữ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết vấn đề bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em.

Hội phụ nữ huyện Trần Đề ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng. Ảnh: Lan Anh

Hội phụ nữ huyện Trần Đề ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng. Ảnh: Lan Anh

Sau 2 năm triển khai Dự án 8 (4 nội dung chính) với nhiều cách làm sáng tạo, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Sóc Trăng trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái.

Theo chị Trần Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, Dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em được thực hiện tại 42 xã của 9 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Qua thời gian triển khai Dự án 8, đến nay, Hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức đối thoại về chính sách trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình tại huyện Thạnh Trị; chương trình truyền thông tại Trường Trung học cơ sở Thạnh Thới An (huyện Trần Đề) với sự tham gia của hơn 600 hội viên, phụ nữ, người dân và các em học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Hội phụ nữ tỉnh đã thành lập 110 tổ truyền thông cộng đồng, 14 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng có 140 thành viên, 24 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi.

“Đồng thời tổ chức 42 cuộc truyền thông, tuyên truyền với chủ đề giáo dục nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em tại các khóm, ấp, có hơn 2.100 phụ nữ dân tộc thiểu số trong độ tuổi sinh sản tham dự; 27 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm ấp, khóm được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn và 2 lớp tập huấn cho 50 cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp xã...” - chị Hằng nói.

Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ thực hiện trên 500 tin, bài bằng tiếng dân tộc phát trên kênh truyền thanh các xã, phường, thị trấn; tạo điều kiện cho cán bộ hội các cấp, người có uy tín cộng đồng tham dự tập huấn về kỹ năng tham vấn, hỗ trợ nạn nhân địa chỉ tin cậy; hướng dẫn quy trình triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán; nâng cao năng lực lồng ghép giới; ứng dụng khoa học công nghệ và nghiệp vụ ủy thác…

Hội phụ nữ huyện Mỹ Xuyên đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thuộc Dự án 8. Ảnh: Lan Anh

Hội phụ nữ huyện Mỹ Xuyên đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thuộc Dự án 8. Ảnh: Lan Anh

Tại huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), thời gian qua, Hội phụ nữ huyện Mỹ Xuyên đã tích cực triển khai Dự án 8 ở 3 ấp đặc biệt khó khăn của huyện là ấp Đại Nghĩa Thắng (xã Đại Tâm), ấp Sóc Bưng (xã Thạnh Phú) và ấp Phú Giao (xã Thạnh Quới) với tổng số hơn 1.000 phụ nữ và trẻ em gái thụ hưởng.

Chị Thạch Thị Sa Mai, ở ấp Đại Nghĩa Thắng (xã Đại Tâm) cho biết: “Nhờ Dự án 8, chị đã được tham gia nhiều hoạt động truyền thông ở địa phương. Từ đó, chị còn tham gia tuyên truyền cho các hộ dân ở xung quanh hiểu và nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em. Nhờ có Dự án 8, nhận thức của đồng bào dân tộc được nâng lên. Ở khu vực này không còn trường hợp bạo lực gia đình, đánh đập con cái như trước”.

Còn chị Dương Thị Mỹ Nhiên, Chi Hội trưởng Phụ nữ ấp Phú Giao (xã Thạnh Quới) cho biết: “Việc triển khai thực hiện các hoạt động Dự án 8 tại địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là giảm nghèo thông tin cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với vai trò thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng ấp, tôi đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, vận động hội viên, phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo chị Trần Hồng Ni, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Mỹ Xuyên, trong thời gian đầu triển khai Dự án 8, Hội còn gặp một số khó khăn, lúng túng nhất định. Tuy nhiên, cũng có mặt hết sức thuận lợi là việc triển khai Dự án được cán bộ, hội viên đồng tình ủng hộ.

“Thông qua việc triển khai thực hiện Dự án 8 đã từng bước nâng cao nhận thức, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em; bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS” - chị Ni nói.

Hiện nay, nhiều phụ nữ DTTS tỉnh Sóc Trăng đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong xã hội. Ảnh: Lan Anh

Hiện nay, nhiều phụ nữ DTTS tỉnh Sóc Trăng đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong xã hội. Ảnh: Lan Anh

Còn Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), chị Huỳnh Như Ý, cho biết: Thời gian qua, thực hiện Dự án 8 Hội ra mắt 16 Tổ truyền thông cộng đồng tại 16 ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn; tổ chức 16 buổi truyền thông cộng đồng về bạo lực gia đình, bình đẳng giới với sự tham gia của 50 người/buổi; xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số.

Đồng thời, thực hiện chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Trong đó củng cố, nâng cao chất lượng của các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, nạn nhân bị bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, thí điểm và nhân rộng mô hình sinh kế hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ bị mua bán trở về. Hiện nay, Hội đang nhân rộng mô hình tại các điểm trường ở các xã thực hiện Dự án 8. Đặc biệt, sẽ tìm cách để đa dạng các hình thức sinh hoạt, hoạt động để hiệu quả của câu lạc bộ tốt hơn....

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, chị Nguyễn Thị Huệ Chi, cho biết: Để triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 8, ngay từ đầu năm 2023, Hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Dự án 8, giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch cụ thể từng năm. Trong đó, Hội đã tập trung quán triệt đến Hội phụ nữ các cấp về một số chỉ tiêu chính đến năm 2025 là thành lập 118 tổ truyền thông cộng đồng; 14 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 40 tổ tiết kiệm vay vốn tự quản được củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới và duy trì hoạt động; 7 tổ hoặc nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất; thành lập 24 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em; tổ chức 58 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm ấp, khóm...

“Triển khai thực hiện Dự án 8, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở. Cùng với việc lựa chọn hoạt động phù hợp với từng đối tượng phụ nữ, chất lượng hoạt động Hội ngày càng được nâng lên, đặc biệt, quan tâm xây dựng mô hình mới tại các ấp đặc biệt khó khăn. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ trong vùng đồng bào DTTS tiếp tục được chú trọng, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao” - chị Huệ Chi chia sẻ.

Thông qua Dự án 8 tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội phụ nữ tỉnh Sóc Trăng thúc đẩy chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em DTTS, những người còn chịu nhiều thiệt thòi, rào cản xã hội nặng nề. Đồng thời, thúc đẩy quyền và trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng cộng đồng, phát triển đất nước bền vững.

Lan Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/soc-trang-tang-cuong-ho-tro-phu-nu-va-tre-em-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post470178.html