Sổ tay phóng viên:Có hay không chuyện thiếu nước sinh hoạt ở xã vùng cao?

Những cơn mưa bất chợt đến, bất chợt đi vào trung tuần tháng 5 cũng chưa thể nào làm vơi 'cơn khát' của người dân xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số X...

Có hẹn tìm hiểu về tình hình thiếu nước ở xã này, sáng sớm, chúng tôi về gặp phó chủ tịch UBND xã và được gợi ý là đi đến một thôn có số hộ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trầm trọng nhất xã để tác nghiệp. Loay hoay một lúc cũng đến hơn 12 giờ trưa vì chúng tôi còn phải phỏng vấn các hộ dân và trưởng thôn. Lúc này, nắng quá nên chúng tôi có ngỏ ý xin nước đá lạnh uống cho thỏa cơn khát sau nhiều giờ phơi mình dưới cơn nắng gắt đầu tháng 5. Anh chủ nhà rót nước mời khách, chúng tôi ai cũng uống hết 2 ly. Hết nước trong ca nhựa, anh chủ liền chạy ra cái lu to đùng chừng hơn 10 người có thể chui lọt để lấy nước tiếp. “Nước chị vừa uống là nước chúng tôi bơm từ sông sau nhà lên để dành lắng cặn rồi sử dụng. Nước sông dùng để uống, rửa rau, rửa chén, tắm giặt và tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày” - anh chủ nhà nói như phân trần. Ngồi trao đổi thông tin một lúc để bổ sung tư liệu cho bài viết, khoảng 30 phút sau, chúng tôi chia tay những hộ dân nơi đây đi tìm hiểu nước sản xuất…

Cây cối khô khốc trên địa bàn xã X.

Mang thông tin các hộ dân xã này thiếu nước sinh hoạt đến gặp lãnh đạo phòng Nông nghiệp của huyện N. “Xã X không thiếu nước sinh hoạt đâu mà chỉ thiếu nước sản xuất thôi” - Anh cán bộ lãnh đạo Phòng Nông nghiệp khẳng định chắc nịch với tôi như vậy. Sau đó, anh lập tức gọi điện thoại cho Phó Chủ tịch UBND xã X nhưng không được, anh lại gọi cho chủ tịch xã.

Ngay sau đó, tôi nhận được điện thoại của Phó Chủ tịch xã X giải thích lại là xã này chỉ có một vài hộ dân thiếu nước sinh hoạt, không đáng kể, không như câu chuyện hôm trước đã trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí. Các hộ dân đều sử dụng nước bình để sinh hoạt, cá biệt có vài hộ do đã có thói quen dùng nước sông từ bao năm nay nên không thích chuyển sang dùng nước bình. Họ chê nhạt...?! Tôi bỗng giật mình và xen lẫn khó hiểu kiểu cung cấp thông tin “tiền hậu bất nhất” của phó chủ tịch xã này và giấu sự thật của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện. Trao đổi với lãnh đạo huyện N, ông thừa nhận trên địa bàn huyện hiện nay còn một số xã thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, trong đó đặc biệt có xã X. Theo ông, việc thiếu nước đã tồn tại nhiều năm qua, trước tình hình ấy, năm 2023 huyện cũng có kế hoạch điều tiết nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt và nước tưới mùa khô nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Trong kế hoạch nội dung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, có đoạn các khu vực nguồn nước giếng bị cạn kiệt đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, UBND các xã, thị trấn tổ chức phát động nhân dân nạo vét, tu sửa các giếng hiện có đồng thời đào các giếng tạm ở các khu vực gần sông suối đã cạn nước, bảo vệ khúc sông sâu còn đọng nước để khai thác sử dụng, tránh bị ô nhiễm...”. “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà rất hy vọng sắp tới đây, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất sẽ được giải quyết căn cơ khi một hồ chứa nước trên địa bàn huyện được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới đây” - Lãnh đạo huyện N cho hay.

Người dân đào giếng dưới lòng sông để chắt nước sinh hoạt.

Rõ ràng, câu chuyện thiếu nước sinh hoạt dẫn đến việc người dân đào giếng dưới lòng sông bảo vệ khúc sông sâu còn đọng nước để sử dụng không phải là chuyện xa lạ ở xã X. Vẫn biết thiếu nước sạch sinh hoạt ở xã X là bài toán khó, không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.
Mong rằng, với kế hoạch điều tiết nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt và nước tưới mùa khô vừa được UBND huyện này ban hành, người dân xã X sớm giải được “cơn khát” trước mắt. Nhìn xa hơn, một hồ chứa nước dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đây sẽ giải được bài toán “khát nước” sinh hoạt và sản xuất cho xã X.!

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/so-tay-phong-vien-co-hay-khong-chuyen-thieu-nuoc-sinh-hoat-o-xa-vung-cao-108871.html