Số phận trái ngược của ba dinh thự cổ bề thế nhất Tây Bắc

Từng thuộc về ba gia tộc cai trị vùng Tây Bắc xưa, ba dinh thự này gắn với những câu chuyện lịch sử đặc biệt với các hồi kết rất khác nhau...

1. Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức (Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang) là dinh thự nổi tiếng bậc nhất Tây Bắc. Vương Chính Đức là người đứng đầu dòng họ Vương của người Mông ở Hà Giang xưa. Giàu có nhờ hoạt động bán thuốc phiện xuyên biên giới, ông thống lĩnh vùng cao nguyên đá.

Dinh thự họ Vương được xây trong 8 năm, tiêu tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng. Người kế thừa sự nghiệp của vua Mèo Vương Chính Đức là Vương Chí Sình sau này đã đi theo Cách mạng và trở thành một cán bộ cao cấp của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau nhiều thăng trầm lịch sử, nét đẹp kiến trúc của tòa dinh thự nguy nga vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Bên trong dinh thự còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc như cối đá, bếp sưởi, bàn ghế gỗ tiếp khách, chậu tắm làm bằng đá v..v.

Khu dinh thự của vua Mèo Vương Chính Đức hiện tại vẫn thuộc sự sở hữu của dòng họ Vương. Công trình đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993.

2. Nằm ở thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, dinh Hoàng A Tưởng từng là đại bản doanh của hai cha con thổ ti người Tày là Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng, những người cai trị xứ Bắc Hà vào đầu thế kỷ 20.

Được Pháp hậu thuẫn, Hoàng Yến Chao – Hoàng A Tưởng ra sức bóc lột nhân dân, độc quyền bán muối, lâm thổ sản, thuốc phiện và hàng hòa thiết yếu… nên đã tích lũy được một khối tài sản khổng lồ. Dinh Hoàng A Tưởng chính là vật chứng cho ách cai trị của hai cha con họ Hoàng.

Năm 1950, khi Bắc Hà được giải phóng, gia đình họ Hoàng đã trốn sang Pháp. Sau đó dinh Hoàng A Tưởng vẫn được giữ lại và bảo tồn khá nguyên vẹn, nhưng đồ nội thất và hiện vật trong dinh hầu hết đã mất nên các căn phòng đều để trống.

Hiện tại dinh Hoàng A Tưởng nằm dưới sự quản lý của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Lào Cai. Vào năm 1999, công trình này đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

3. Nằm trên một dải đất nhô ra ở ngã ba sông Nậm Na và sông Đà ở xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, khu dinh thự Đèo Văn Long từng là cơ ngơi của Đèo Văn Long, vị lãnh chúa người dân tộc Thái giàu có và tàn bạo khét tiếng Tây Bắc một thời.

Ngược dòng lịch sử, sau khi chiếm Lai Châu, thực dân Pháp dựng chúa Thái Đèo Văn Trị, sau này được người con Đèo Văn Long nối nghiệp, cai quản Khu tự trị Thái ở Liên bang Đông Dương. Khi cầm quyền, Đèo Văn Long đã bóc lột thậm tệ và đàn áp tàn bạo người dân trong khu vực.

Sau thất bại của thực dân Pháp ở trận Điện Biên Phủ năm 1954, Đèo Văn Long bay bằng trực thăng về Hà Nội rồi sau đó trốn sang Lào và tị nạn ở Pháp đến khi qua đời năm 1975. Khi Đèo Văn Long bỏ chạy, người dân trong vùng đã kéo đến phá hủy khu dinh thự của vị cựu lãnh chúa.

Kể từ đó đến nay, toàn bộ khu dinh thự bề thế một thời biến thành một đống đổ nát. Khi thủy điện Sơn La được xây dựng, một số công trình của khu dinh Đèo Văn Long đã bị ngập một phần dưới làn nước của hồ thủy điện Sơn La.

Mời quý độc giả xem video: Nét đẹp làng gốm Phù Lãng | VTV4.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/so-phan-trai-nguoc-cua-ba-dinh-thu-co-be-the-nhat-tay-bac-1618191.html