Số người siêu giàu ở Ấn Độ tăng nhanh, cơ hội lớn cho lĩnh vực quản lý tài sản gia đình

Số lượng người siêu giàu ở Ấn Độ đang tăng nhanh chóng, thúc đẩy các công ty quản lý tài sản quốc tế đến đây để phục vụ họ. Giới người giàu ở nền kinh tế lớn thứ năm thế giới có truyền thống đầu tư vào vàng và bất động sản, nhưng hiện tại họ cũng đang rót tiền mạnh vào các tài sản tài chính.

Với số lượng người siêu giàu tăng nhanh, Ấn Độ đang nổi lên như là thị trường quản lý tài sản gia đình có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất ở châu Á, không tính Trung Quốc. Ảnh: Getty

Sự trở lại của các ngân hàng quốc tế

“Không quốc gia nào ở châu Á, ngoài Trung Quốc, có thể sánh được với tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ trong lĩnh vực quản lý tài sản”, Umang Papneja, CEO phụ trách thị trường Ấn Độ của Ngân hàng quản lý tài sản cá nhân Julius Baer (Thụy Sĩ), khẳng định.

Để chứng minh cho tuyên bố này, ông trích dẫn dữ liệu từ Báo cáo tài sản toàn cầu năm 2022 của hãng tư vấn bất động sản Knight Frank về những cá nhân có giá trị ròng cực cao (UHNWI), những người có tài sản đầu tư trên 30 triệu đô la.

“Hai năm trước, Ấn Độ có khoảng 13.000 người siêu giàu và con số đó dự kiến sẽ tăng lên 19.000 vào năm 2026. Những con số này cho thấy, trung bình mỗi ngày có thêm ba người siêu giàu mới xuất hiện ở Ấn Độ”, Papneja nói.

Hồi tháng 7, Julius Baer khai trương một văn phòng mới sang trọng ở trung tâm thương mại Aerocity ở thủ đô New Delhi, nổi tiếng với các khách sạn sang trọng, nhà hàng cao cấp và nằm gần sân bay quốc tế của thành phố.

Julius Baer cho biết, văn phòng này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phục vụ khách hàng ở khu vực Delhi và các địa điểm khác nhau trên khắp miền bắc Ấn Độ. Julius Baer đã có văn phòng tại 7 thành phố quan trọng của Ấn Độ và có kế hoạch mở rộng sự hiện diện ra thêm ba thành phố nữa.

Papneja giải thích, sự thịnh vượng của Ấn Độ không còn chỉ tập trung ở Mumbai và Delhi nữa. “Khoảng 50% tài sản của Ấn Độ nằm ở 5 thành phố hàng đầu trong khi 5 thành phố tiếp theo chiếm hơn 20%. Với sự hiện diện ở 10 thành phố, chúng tôi sẽ tiếp cận được 70% thị trường quản lý tài sản ở Ấn Độ”, ông nói.

Động thái của Julius Baer đảo ngược xu hướng các công ty quản lý tài sản gia đình rút khỏi Ấn Độ trong những năm trước đây. Gần đây nhất, vào năm 2021, Citibank (Mỹ) công bố kế hoạch đóng cửa hoạt động kinh doanh ngân hàng tiêu dùng gần 120 năm tuổi ở Ấn Độ, bao gồm cả đơn vị quản lý tài sản. Citibank gia nhập vào một danh sách dài các ngân hàng quốc tế, bao gồm những tên tuổi lớn như Morgan Stanley, Royal Bank of Scotland (RBS), HSBC, UBS và BNP Paribas rời khỏi thị trường quản lý tài sản Ấn Độ trong vài thập niên qua. Lý do họ ra đi rất đa dạng, từ sự thay đổi trong chiến lược toàn cầu cho đến các quy định phức tạp của địa phương kìm hãm tiềm năng tăng trưởng.

Nhưng tình thế dường như đang thay đổi, với nhiều đồn đoán trong nước về kế hoạch tiềm năng của UBS nhằm mở rộng hoạt động quản lý tài sản hiện có của Credit Suisse ở Ấn Độ. Credit Suisse đã chính thức sáp nhập vào UBS hồi tháng 6 trong một thỏa thuận giải cứu lịch sử sau khi Credit Suisse gặp các bất ổn tài chính. Hồi tháng 7, HSBC triển khai hoạt động kinh doanh ngân hàng quản lý tài sản cá nhân toàn cầu ở Ấn Độ, tái gia nhập không gian mà ngân hàng đã bỏ trống 8 năm trước.

Kinh tế tăng trưởng nhanh, tạo ra lớp triệu phú mới

“Nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy Ấn Độ là điểm đến đầu tư của thập niên này và hơn thế nữa”, Sandeep Batra, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản và ngân hàng cá nhân của HSBC India, nói. Năm 2022, Ấn Độ vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán nước này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong vòng 4 năm tới, vượt qua Nhật Bản và Đức trong quá trình này.

Số người siêu giàu của Ấn Độ sẽ tăng lên đáng kể khi nền kinh tế bứt tốc. Nghiên cứu của HSBC ước tính, số lượng triệu phú đô la ở Ấn Độ, những cá nhân có thu nhập ròng cao với tài sản đầu tư trên 1 triệu đô la. sẽ vượt mốc 10 triệu người vào năm 2035. Batra cho rằng sự hiện diện ở Ấn Độ là điều cần thiết cho tham vọng trở thành ngân hàng quản lý tài sản cá nhân hàng đầu của HSBC ở châu Á.

Sự tăng trưởng của cải ở nhóm người siêu giàu ở Ấn Độ cũng rất ấn tượng. Theo một nghiên cứu của tạp chí kinh doanh Fortune India và Waterfield Advisors, số lượng tỉ phú đô la ở Ấn Độ không chỉ tăng nhanh từ 142 vào năm 2022 lên 157 vào năm 2023, mà còn là nguồn gốc của sự tăng trưởng cũng đang mở rộng.

Theo nghiên cứu, phân khúc người giàu có nhất của Ấn Độ trước đây nằm dưới thống trị của một số tập đoàn gia đình như Tata và Birla. Nhưng trong những năm gần đây, danh sách tỉ phú có thêm những doanh nhân khác cũng như nhân vật nổi tiếng trong thế giới showbiz, truyền thông và thể thao. Danh sách này thậm chí còn có bác sĩ, luật sư và cả các chuyên gia được trả lương cao, đặc biệt là những người được quyền chọn mua cổ phiếu ưu đãi của công ty.

“Ấn Độ là quê hương của hơn 100 kỳ lân khởi nghiệp (có mức định giá hơn 1 tỉ đô la), tuy nhiên, các gia tộc kinh doanh truyền thống vẫn thống trị đỉnh kim tự tháp giàu có trong nước”, Yatin Shah, đồng sáng lập 360 ONE, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất đất nước, đang nắm giữ 46,7 tỉ đô la từ một danh sách khách hàng 7.000 gia đình, lưu ý.

Thiếu hụt nhân tài

Mặc dù tổng tài sản của các gia đình giàu có của Ấn Độ có thể vẫn còn thấp so với các thị trường đang phát triển khác, nhưng tốc độ tài chính hóa tài sản ngày càng tăng ở Ấn Độ đang thu hút các ngân hàng và công ty quản lý tài sản quốc tế đến đây tìm kiếm cơ hội. Theo truyền thống, hầu hết người Ấn Độ thích đầu tư vào bất động sản và vàng, nhưng tiền của họ đang chảy mạnh vào các tài sản tài chính khác nhau từ quỹ tương hỗ và quỹ PMS (dịch vụ quản lý danh mục đầu tư) đến AIF (quỹ đầu tư thay thế). Hình thức đầu tư thụ động cũng đang trỗi đậy.

Tại Waterfield Advisors, nơi tư vấn đầu tư cho 250 gia đình giàu có, khoảng 30-40% phân bổ vốn là theo hình thức đầu tư thụ động, chẳng hạn như quỹ giao dịch hoán đổi danh mục (ETF) và các sản phẩm chỉ số.

Nhưng một kết quả tự nhiên từ sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực quản lý tài sản gia đình của Ấn Độ, nơi những đấu thủ mới đang tham gia vào thị trường và những đấu thủ hiện tại đang mở rộng hoạt động, là tình trạng khan hiếm nhân tài. Pankaj Walia, người đứng đầu bộ phân ngân hàng quản lý cá nhân của Standard Chartered India, cho biết ngân hàng của ông đã tuyển dụng 12 chuyên viên ngân hàng cấp cao trong năm qua. “Tài năng trở nên cực kỳ quan trọng khi bạn quản lý tài sản cá nhân, vì điều này đòi hỏi nhân sự có một mức độ kinh nghiệm nhất định để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng”, ông nói và nhấn mạnh sự cần thiết của đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản.

Quy định quản lý cũng là một thách thức lớn trong lĩnh vực quản lý tài sản ở Ấn Độ. Để ngăn chặn việc bán nhầm sản phẩm đầu tư của các nhà phân phối để thu tiền hoa hồng, các nhà quản lý quy định rằng chỉ những cố vấn đầu tư đã đăng ký hành nghề (RIA) mới có thể đưa ra lời khuyên đầu tư.

Tuy nhiên, các điều kiện để cấp chứng chỉ RIA quá nghiêm ngặt, khiến nhiều người rời khỏi lĩnh vực này. Hiện nay, Ấn Độ có gần 122.000 nhà phân phối các sản phẩm đầu tư nhưng chỉ có 934 RIA.

“Ngành quản lý tài sản của Ấn Độ dựa quá nhiều vào các nhà phân phối”, Soumya Rajan, người sáng lập Waterfield Advisors, nói và cho biết công ty bà là một trong số ít công ty áp dụng phương pháp tư vấn đầu tư thuần túy.

Theo Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/so-nguoi-sieu-giau-o-an-do-tang-nhanh-co-hoi-lon-cho-linh-vuc-quan-ly-tai-san-gia-dinh/