Số lượng tê giác tại châu Phi tăng lần đầu tiên sau một thập kỷ

Lần đầu tiên kể từ năm 2012, số lượng tê giác trên toàn châu Phi đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm.

Tê giác trắng tại tỉnh North-West, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê ngày 21/9 của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) được phóng viên TTXVN tại châu Phi trích dẫn, số lượng tê giác tại châu lục này trong năm đã tăng lên gần 23.300 cá thể, hơn 5,2% so với năm 2021.

Michael Knight, nhà sinh thái học động vật hoang dã, chủ tịch Nhóm Chuyên gia Tê giác châu Phi của IUCN, vui mừng nhận định: “Với tin tốt này, lần đầu tiên chúng ta có thể thở phào nhẹ nhõm sau một thập kỷ”.

IUCN kết hợp các ước tính về tê giác từ nhiều quốc gia khác nhau để đưa ra bảng kiểm kê lục địa và khẳng định "sự kết hợp giữa các sáng kiến bảo vệ và quản lý sinh học" đã khiến số lượng tê giác đen tăng 4,2% lên 6.487. Trong khi đó, số tê giác trắng đã tăng 5,6% lên 16.803 con - mức tăng đầu tiên kể từ năm 2012.

Tê giác đã bị tàn sát hàng thập kỷ do nạn săn trộm do nhu cầu lớn nhất từ châu Á, nơi sừng được sử dụng trong y học cổ truyền vì được cho là có tác dụng chữa bệnh. Theo IUCN, giá sừng tê giác tại “chợ đen” có thể lên tới mức 60.000USD/kg, ngang ngửa với vàng.

Tổ chức quốc tế này cũng cho biết trong năm qua, hơn 550 con tê giác đã bị giết bởi những kẻ săn trộm trên khắp lục địa, chủ yếu ở Nam Phi, nơi sinh sống của gần 80% số tê giác trên thế giới./.

Hồng Minh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/so-luong-te-giac-tai-chau-phi-tang-lan-dau-tien-sau-mot-thap-ky/307279.html