Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới giảm

Số lượng mở mới tài khoản chứng khoán cá nhân trong tháng 4 thấp hơn rất nhiều so với tháng 3-2024.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 110.761 tài khoản chứng khoán trong tháng 4-2024, thấp hơn gần 53.000 tài khoản so với tháng 3 trước đó, đây là số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm thấp nhất kể từ đầu năm 2024.

Tính từ đầu năm 2024 cho đến nay, nhà đầu tư đã mở mới hơn nửa triệu tài khoản chứng khoán - Ảnh: VGP

Nếu nhìn theo cơ cấu số tài khoản chứng khoán mở mới, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 110.622 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 139 tài khoản.

Số lượng tài khoản chứng khoán tăng chậm lại trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động mạnh, theo chiều hướng đi xuống. Chỉ số VN-Index mất 5,81% giá trị trong tháng 4, chuỗi 5 tháng tăng điểm liên tiếp của thị trường chấm dứt.

Áp lực chốt lời mạnh sau giai đoạn đi lên suốt một thời gian dài là trong những nguyên nhân khiến thị trường mất điểm, cùng lúc đó, khối ngoại cũng có động thái bán ròng.

Tính từ đầu năm 2024 cho đến nay, nhà đầu tư đã mở mới hơn nửa triệu tài khoản chứng khoán.

Ở thời điểm cuối tháng 4-2024, Việt Nam có hơn 7,7 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,7% dân số.

Con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán. Cá biệt từng có những cá nhân đứng tên hàng chục tài khoản chứng khoản tại nhiều công ty khác nhau hoặc nhờ người quen đứng tên mở hộ và sử dụng để giao dịch.

Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

HOÀNG ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-luong-tai-khoan-chung-khoan-mo-moi-giam-post789436.html