Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Gắn thi đua với thực hiện hiệu quả nhiệm vụ

Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã triển khai lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, phát huy năng lực, sức sáng tạo, cách làm hay, đem lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị trong toàn ngành.

Những kết quả tích cực

Để đạt được mục tiêu mỗi năm tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.500 người lao động (NLĐ), Sở LĐ-TB-XH đã đưa ra nhiều giải pháp và bám sát chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai. Trong đó, hàng năm, sở chú trọng công tác điều tra, rà soát NLĐ trong độ tuổi chưa có việc làm và phân loại theo nhu cầu, trình độ. Trên cơ sở đó, chủ động nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh để kết nối NLĐ với doanh nghiệp. Đồng thời, sở đã đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các phiên, sàn giao dịch việc làm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, giúp các nhà tuyển dụng ở tại đơn vị vẫn có thể gặp và phỏng vấn NLĐ. Sở cũng thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm ở các địa phương nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ; sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, định hướng việc làm cho người dân. Đặc biệt, từ đầu năm 2022, sở đã mở rộng kết nối tuyển dụng lao động với các tỉnh, thành trong khu vực cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, đã tạo việc làm tăng thêm cho hơn 16.500 người, đưa hơn 250 lao động đi làm việc ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đưa phiên giao dịch việc làm tổ chức tại xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh).

Công tác giáo dục nghề nghiệp cũng được sở quan tâm triển khai mạnh mẽ. Để thu hút người dân tham gia học nghề, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới hình thức tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh theo hướng sát cơ sở, sát từng học sinh. Từ đó, mỗi trường nghề đều chủ động tiếp cận các trường THCS, THPT để tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh. Đồng thời, các trường đã tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo, quản lý, tạo thuận lợi cho người học tiếp cận kiến thức. Các trường đều liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 29.496 người, năm 2022 là 29.550 người và 5 tháng đầu năm 2023 được 12.507 người. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 82%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27,6%.

Ở lĩnh vực giảm nghèo, sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo đúng quy định. Trong đó, chú trọng thay đổi cách thức hỗ trợ theo hướng xây dựng các mô hình sinh kế cho hộ nghèo. Đơn cử, tại xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh), sở đã tập trung hỗ trợ mô hình trồng bưởi da xanh và nuôi gà thả vườn cho hộ nghèo. Mỗi hộ nghèo được sở hỗ trợ từ 50 đến 150 cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn cách chăm sóc. Sở còn triển khai lồng ghép công tác giảm nghèo với các chương trình, dự án phát triển kinh tế khác; chú trọng đầu tư các công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ người dân, hộ nghèo, xã khó khăn. Qua đó, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã giảm được hơn 2.500 hộ nghèo. Ngoài ra, lĩnh vực người có công, bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới, bảo hiểm xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội… cũng được sở triển khai thực hiện tốt.

Nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình mới

Theo ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, trong quá trình triển khai các phong trào thi đua, đơn vị rất quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới; tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ trong toàn ngành phát huy năng lực, sức sáng tạo, cách làm hay đem lại hiệu quả cao trong công việc. Từ năm 2021 đến nay, sở đã công nhận 20 đề tài, giải pháp mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động và doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cao. Sở cũng công nhận 20 đề tài, giải pháp mới trong việc nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, học viên cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính luôn được sở thực hiện đồng bộ, giải quyết nhanh gọn, hiệu quả công việc cho các tổ chức, người dân… Với những nỗ lực đó, trong 3 năm liền, Sở LĐ-TB-XH được đánh giá hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của ngành; được Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen.

Đào tạo nghề cơ khí cho người lao động tại Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh.

Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua trong toàn ngành, chú trọng vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, cá nhân. Đồng thời, tập trung thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, bảo vệ trẻ em, thực hiện bình đẳng giới, tăng cường phòng, chống tệ nạn xã hội. Đặc biệt, sở triển khai có trọng tâm, trọng điểm các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển thị trường lao động, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NLĐ; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ…

VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202306/so-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoigan-thi-dua-voi-thuc-hien-hieu-qua-nhiem-vu-1196945/