'Sợ hậu Covid-19 hơn cả mắc Covid-19' - bác sĩ cảnh báo hậu Covid-19 có thực sự đáng sợ, người dân cần làm gì?

Hiện nay, mạng xã hội tràn lan những đơn thuốc chữa hậu Covid-19 với lời mời chào hấp dẫn. Chuyên gia y tế cho biết, phần lớn các triệu chứng hậu Covid-19 sẽ tự giảm dần rồi hết, nên người bệnh không cần phải điều trị.

Thuốc điều trị hậu Covid-19 tràn lan mạng xã hội

Sau đợt dịch bùng phát mạnh tại TP.HCM hồi tháng 7 năm ngoái, thời gian gần đây, khi số ca mắc tăng cao tại các địa phương, vấn đề hậu Covid-19 lại được đề cập mạnh mẽ. Nhiều F0 khỏi bệnh bày tỏ "sợ hậu Covid-19 hơn là sợ Covid-19", lạc vào "thiên la địa võng" thuốc trên mạng xã hội.

Anh Phạm Thu, 27 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội, khỏi Covid-19 sau 2 tháng, nhưng vẫn khó thở, thỉnh thoảng ho khàn cổ. Trên nền tảng mạng xã hội Facebook, chỉ cần gõ từ khóa "Hậu Covid", trước mặt anh xuất hiện nhiều bài viết và hội nhóm liên quan.

Nhiều tài khoản thậm chí rao bán những loại thuốc, đơn thuốc với lời chào mời "chữa mọi triệu chứng hậu Covid-19". Từ thuốc Đông y, Tây y, thực phẩm chức năng, thuốc bổ,… đều tràn lan trên chợ mạng online.

"Tôi cảm thấy hoang mang khi trên Facebook, nhiều người tự nhận là F0 khỏi bệnh rao bán đủ loại thuốc. Thuốc được chào bán rất phong phú về chủng loại và xuất xứ, uy tín hơn là "xách tay" từ Ấn Độ, Nga, Nhật…", anh Thu nói.

Những loại thuốc thường được đi kèm với chức năng hấp dẫn như "hư chỗ nào, thuốc sẽ chữa chỗ đó", "nếu không uống, tình trạng sẽ nặng hơn nữa", "thuốc này thấm sâu vào tế bào, trị tận gốc hậu Covid-19 mà không cần tập luyện",…

Điểm chung của những bài viết bán thuốc chữa hậu Covid-19 là đều không có nguồn gốc xuất xứ, bao bì chỉ toàn tiếng nước ngoài. Từng "trả giá" về việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, anh Thu không dám "hùa" theo bạn bè mua thuốc chữa hậu Covid-19 trên mạng xã hội.

"Bộ Y tế hay các chuyên gia chưa hề thông báo về một loại thuốc nào được gọi là chữa hậu Covid-19. Hàng ngày, tôi kết hợp tập thể dục, nâng cao sức khỏe và chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng", anh Thu chia sẻ.

Anh cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những lời rao bán tràn lan trên mạng xã hội, tránh tiền mất tật mang. "Trong cuộc chiến với Covid-19 hay hậu Covid-19, tôi nghĩ các F0 cần giảm stress, không đọc tin tức tiêu cực, không lo lắng thái quá và cần có sự hiểu biết. Không có loại thuốc bổ nào tốt bằng chế độ tập luyện, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý", anh nói.

Cụ bà đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) sáng 15/3 sau một tháng khỏi Covid-19 nhưng vẫn ho dai dẳng

Cụ bà đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) sáng 15/3 sau một tháng khỏi Covid-19 nhưng vẫn ho dai dẳng

Chị Phương, 31 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội từng nghe người bạn nói rằng "sau khỏi Covid-19, phải đưa con trai đi chụp phổi. Trẻ em là đối tượng dễ bị tấn công hậu Covid-19".

Người mẹ lên mạng xã hội tìm vào những hội nhóm "mẹ bỉm sữa", bị "dọa" xanh mặt, vội bỏ một khoản tiền không nhỏ, đưa con đến bệnh viện kiểm tra tổng quát. May mắn sau 2 tháng khỏi Covid-19, tình trạng sức khỏe của đứa bé hoàn toàn bình thường.

Vẫn chưa hết lo lắng, chị Phương lại được một người thân "rỉ tai" mua thuốc tăng cường đề kháng cho con trai. "Hàng hot lắm, không có mà mua" - lời mời chào đầy "căng thẳng" khiến người mẹ một lần nữa vung tiền mua thuốc cho con mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

"Tôi rất sợ hậu Covid-19. Bản thân tôi mệt mỏi, uể oải, không muốn làm gì, khó ngủ, hay buồn chán. Tôi không muốn con mình bị ảnh hưởng quá nhiều bởi di chứng hậu Covid-19", chị Phương nói.

Hậu Covid-19 có thực sự đáng sợ? Người dân cần làm gì?

TS.BS Quan Thế Dân, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị Tích cực Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành (Thanh Hóa) cho biết, hậu Covid-19 được định nghĩa là những triệu chứng còn kéo dài sau khi mắc Covid-19 3 tháng. Theo quy luật nói chung, tất cả bệnh của con người sau giai đoạn cấp tính đều cần có thời gian hồi phục, Covid-19 cũng vậy.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê chỉ có từ 10 - 20% người mắc Covid-19 có triệu chứng hậu Covid-19.

Theo bác sĩ Dân, một thời gian khỏi Covid-19, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, ho kéo dài, khó thở, chán ăn, mất ngủ, hồi hộp, lo âu. Các triệu chứng này thường là nhẹ và sẽ tự hết sau một vài tháng. Những trường hợp mắc Covid-19 nặng, trước đó phải điều trị trong bệnh viện thì thời gian hồi phục sẽ lâu hơn.

Bác sĩ Dân nhận định, truyền thông hiện nay đưa tin theo kiểu "giật gân", "li kì", "thần bí" về những biến chứng hiếm gặp sau khi mắc Covid-19 khiến người dân hoảng loạn.

"Một vài trường hợp lúc mắc Covid-19 chỉ có biểu hiện nhẹ nhưng sau đó đến bệnh viện kiểm tra thấy có tổn thương phổi nặng. Việc đưa tin theo kiểu giật gân như vậy làm người dân lo sợ", bác sĩ Dân nói và cho biết, thật ra những trường hợp này là người mắc bệnh phổi tổn thương mức độ nặng từ trước. Covid-19 có đặc tính giảm oxy máu thầm lặng nên một số người chủ quan không đi khám, đến khi phát hiện thì phổi đã tổn thương nặng.

Người dân đang bị bủa vây bởi nhiễu loạn thông tin, nghĩ rằng hậu Covid-19 là "một cái gì đó bí hiểm". Nhưng theo bác sĩ Dân, biến chứng hậu Covid-19 thực sự đáng lo ngại nhất là hội chứng viêm đa cơ quan, gặp ở trẻ em. Tuy nhiên số trẻ mắc hội chứng này rất hiếm. Bố mẹ cần chú ý, trẻ khỏi Covid-19 nếu đột nhiên sốt cao trở lại, kèm nổi ban, khó thở, li bì thì cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.

Tùy vào chỉ định, một số người bệnh sẽ được yêu cầu chụp phổi để xác định những tổn thương sau Covid-19

Tùy vào chỉ định, một số người bệnh sẽ được yêu cầu chụp phổi để xác định những tổn thương sau Covid-19

TS.BS Quan Thế Dân cho biết, phần lớn các triệu chứng hậu Covid-19 sẽ tự giảm dần rồi hết, nên người bệnh không cần phải điều trị. Một số trường hợp còn ho kéo dài, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa thì có thể dùng thêm một số thuốc hỗ trợ thông thường như thuốc giảm ho long đờm, thuốc an thần thảo dược, men tiêu hóa…

Trên mạng xã hội xuất hiện những loại thuốc, thực phẩm chức năng đắt tiền với quảng cáo chữa hậu Covid-19, theo bác sĩ Dân là "không giúp ích gì nhiều, chỉ gây tốn tiền vô ích".

Ngoài ra, ông cảnh báo việc tiếp tục dùng các thuốc chống viêm, kháng đông… cần được các bác sĩ khám cụ thể, có các xét nghiệm chuyên biệt, mới kê đơn cho dùng. Người bệnh không nên tự ý dùng các loại thuốc đó.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, thời gian này, người bệnh hay gửi cho ông những toa thuốc, đơn thuốc về hậu Covid-19 không rõ nguồn gốc. Theo ông, trên thực tế, không có đơn thuốc nào gọi là chữa hậu Covid-19, người dân hết sức bình tĩnh, không hoang mang và lo lắng thái quá.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, tùy theo triệu chứng hậu Covid-19, người bệnh chỉ cần tập luyện, nâng cao sức khỏe và đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Tại phòng khám hậu Covid-19 của Bệnh viện Thanh Nhàn, ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch Covid-19 cho biết, mỗi ngày có khoảng 100 người đến khám di chứng hậu Covid-19. Đối tượng chủ yếu là người già trên 60 tuổi, cá biệt một số người trẻ, triệu chứng phổ biến là khó thở, hụt hơi, giảm thể lực, mất ngủ, khó tập trung, rối loạn tiêu hóa.

Bác sĩ Hường cảnh báo, nhiều người bệnh nói rằng tự ý sử dụng các loại thuốc bổ để chữa hậu Covid-19. Tuy nhiên, theo bà, bất cứ loại thuốc nào, người bệnh cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Trước thông tin "dùng thuốc kháng virus để tránh hậu Covid-19", bác sĩ Hường khẳng định chưa có nghiên cứu nào chỉ ra uống thuốc kháng virus có thể phòng được di chứng hậu Covid-19.

"Nếu có bất thường hậu Covid-19, người dân nên đi khám sớm để phát hiện các tổn thương. Người bệnh nên sử dụng các loại thuốc chính thống, được bác sĩ kê đơn và chỉ định để tránh tiền mất tật mang và những nguy hiểm không đáng có", bác sĩ Hường nói.

Để phục hồi sau Covid-19, TS.BS Quan Thế Dân khuyến cáo người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống dễ tiêu, uống đủ nước, tập thở nhẹ nhàng. Người trước đó có tổn thương phổi cần có bài tập riêng về thở để phục hồi chức năng hô hấp. Sau một thời gian các triệu chứng sẽ mất dần, người bệnh sẽ dần dần quay lại cuộc sống bình thường như trước.

Thực tế là một phần các rối loạn hậu Covid-19 là các rối loạn về tâm lý, lo âu, gây nên hồi hộp tim đập nhanh, hụt hơi, không có sức, mất ngủ, chán ăn. Người bệnh cần giữ một tâm lý bình tĩnh lạc quan, không lo lắng thái quá sẽ giúp làm giảm các rối loạn.

"Nếu các bạn thấy triệu chứng của mình chưa thuyên giảm thì nên đến bệnh viện để các bác sĩ khám và tư vấn thêm", bác sĩ Dân nói.

Sự kiệnDiễn biến dịch Covid-19 tại Việt NamCập nhật 2022-2-3 9:36:2612 tin bài

Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam

Minh Nhân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/so-hau-covid-19-hon-ca-mac-covid-19-bac-si-canh-bao-hau-covid-19-co-thuc-su-dang-so-nguoi-dan-can-lam-gi-2202216310243564.htm