Sở Du lịch TP.HCM nâng cao hiệu quả, chất lượng tiếp công dân

Trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng, để đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền công dân thì hoạt động tiếp công dân là hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa và vai trò quan trọng.

Khoản 1, Điều 2, Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định: “Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tiếp công dân để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật”.

“Mục đích của việc tiếp công dân:

1. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.” (Điều 3, Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân).

Xuất phát từ những quy định đó, có thể khẳng định tiếp công dân là công tác có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Đây chính là điểm khởi đầu, là một trong những khâu quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khắc phục những hạn chế bất cập trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật nói chung, pháp luật khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng đối với quần chúng Nhân dân. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thông qua công tác tiếp công dân, giúp cho cơ quan hành chính nhà nước nắm được những tâm tư, nguyện vọng, những thông tin phản hồi, các kiến nghị, góp ý của Nhân dân từ thực tiễn trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, từ đó kịp thời chấn chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ các nội dung không phù hợp.

Thứ hai, trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Tiếp công dân là hoạt động nhằm thực hiện hóa quyền dân chủ của công dân, là sự cụ thể hóa quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ chức tốt công tác tiếp dân là biểu hiện cụ thể của quan điểm “dân là gốc” của Đảng và Nhà nước ta, góp phần phát huy bản chất “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Thứ ba, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thông qua tiếp công dân, việc giải quyết hoạt động khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến quyết định hành chính được tiến hành nhanh chóng, rõ ràng hơn khi có sự tiếp xúc trực tiếp, tìm hiểu thông tin hai chiều giữa người dân và cán bộ tiếp dân, từ đó, sẽ hạn chế việc khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài cũng như nhiều bất cập khác trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ tư, trong xây dựng và tổ chức chính quyền.

Làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần huy động sự tham gia rộng rãi của Nhân dân vào hoạt động quản lý của nhà nước, quản lý xã hội, tạo động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng. Ngoài ra, còn giúp các cơ quan, đơn vị có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo điều hành, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân hơn. Mặt khác, qua việc tiếp công dân phần nào người dân cũng nhìn nhận, đánh giá được trình độ năng lực, thái độ phẩm chất đạo đức của người cán bộ công chức trực tiếp với mình, qua đó có thông tin tin cậy để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền cũng như để đánh giá, lựa chọn nhân sự trong các kỳ bầu cử.

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng đó của hoạt động tiếp công dân, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quy định để đảm bảo cho công tác này đạt hiệu quả, đặc biệt cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ thể tiếp công dân. Hiện nay, theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, tiếp công dân là công tác quan trọng từ trung ương đến cơ sở, gồm có tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.

Căn cứ các quy định hiện hành, tại Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, công tác tiếp công dân được giao cho Tổ tiếp công dân (do Giám đốc Sở ký ban hành quyết định thành lập) chủ trì thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác tiếp công dân theo quy định pháp luật và nội quy Tiếp công dân của Sở Du lịch. Các phòng, đơn vị trực thuộc Sở có trách nhiệm cử cán bộ phối hợp với Tổ tiếp công dân thực hiện công tác tiếp công dân của Sở Du lịch khi có yêu cầu.

Địa điểm tiếp công dân: Phòng tiếp công dân tại Sở Du lịch (140 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

Thời gian tiếp công dân:

- Buổi sáng: từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút;

- Buổi chiều: từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút.

Đối với việc tiếp công dân định kỳ: Giám đốc Sở Du lịch tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 ngày trong 01 tháng, cụ thể là vào ngày 15 hàng tháng, nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày đi công tác thì chuyển sang ngày thứ Ba của tuần kế tiếp. Trường hợp Giám đốc vì lý do công tác đột xuất sẽ có thông báo phân công cho một Phó Giám đốc Sở thực hiện tiếp công dân.

Đối với việc tiếp công dân đột xuất: Trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của cấp trên hoặc đối với các vụ việc gay gắt, phức tạp gây ra hậu quả nghiêm trọng, Giám đốc Sở sẽ bố trí tiếp công dân đột xuất, ngoài lịch tiếp công dân theo định kỳ.

Việc tiếp công dân là việc làm không thể thiếu trong hoạt động quản lý trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và hoạt động quản lý hành chính nhà nước nói riêng, nhờ hoạt động này mà chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện hiệu quả, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được giải quyết nhanh chóng, góp phần giúp xây dựng và tổ chức chính quyền vững mạnh hơn.

Thanh tra Sở Du lịch

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/so-du-lich-tphcm-nang-cao-hieu-qua-chat-luong-tiep-cong-dan-c2a55259.html