Số đơn vị chạy thận nhân tạo tại Việt Nam hiện chỉ đáp ứng 30% nhu cầu người bệnh

Sáng 5/4, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam (dự án CAREME) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Sức khỏe thế giới, Ngày Thận thế giới và phát động Chương trình chăm sóc sức khỏe tim mạch-thận-chuyển hóa.

Các y, bác sĩ hội viên Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam khám, tầm soát bệnh cho người dân đến dự chương trình.

Theo các thông tin tại buổi lễ, tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Nước ta hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo, cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30 nghìn bệnh nhân mỗi năm. Tuy nhiên, con số này thực tế chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của người bệnh.

Ngay từ năm 2019, chi phí quản lý bệnh thận mạn ở Việt Nam đã cao hơn GDP bình quân đầu người, chi phí lọc máu cũng cao gấp 4 lần điều trị bệnh thận mạn ở các giai đoạn sớm. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn, làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận... sẽ đem đến những lợi ích bền vững cho cộng đồng, nhất là ngành Y tế.

Đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các đơn vị liên quan thực hiện nghi lễ khởi động chương trình.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Tiến sĩ, Bác sĩ Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết: Hội Thầy Thuốc trẻ Việt Nam và các đơn vị đối tác đang tập trung huy động rộng rãi sự tham gia của cộng đồng, các đơn vị chuyên môn và tổ chức để cùng nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, chăm sóc, và quản lý bệnh không lây nhiễm mạn tính thông qua việc triển khai các công cụ kỹ thuật số.

Trong đó, Chương trình chăm sóc sức khỏe tim mạch-thận-chuyển hóa "CAREME" đặt mục tiêu củng cố, tạo hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe tim mạch-thận-chuyển hóa bền vững thông qua phát hiện bệnh sớm, cải thiện chuẩn chất lượng quản lý bệnh, kết quả lâm sàng, giảm gánh nặng y tế tại Việt Nam.

Cụ thể, Chương trình hỗ trợ nền tảng sàng lọc và tổ chức khám, sàng lọc cho 1.000 người dân có nguy cơ bệnh lý về tim mạch, thận mạn tính; cài phần mềm chăm sóc sức khỏe, kiểm soát bệnh mạn tính cho hàng trăm người dân.

Dự kiến, trong năm 2024, hàng trăm nghìn người dân sẽ được sàng lọc qua nền tảng, với ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); hơn 20 nghìn người bệnh sẽ được tư vấn thực hiện xét nghiệm eGFR/ACR, đánh giá bệnh thận mạn.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy (ngoài cùng bên trái) và đại diện các đơn vị liên quan trao quà tặng người bệnh, gia đình người bệnh.

Dịp này, Ban tổ chức chương trình đã trao 10 suất quà (gồm 2 triệu đồng tiền mặt và các hiện vật có giá trị) tặng người bệnh, gia đình người bệnh mạn tính có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/so-don-vi-chay-than-nhan-tao-tai-viet-nam-hien-chi-dap-ung-30-nhu-cau-nguoi-benh-post803302.html