Số ca bệnh dại tăng cao, TP.HCM khuyến cáo nhiều biện pháp phòng ngừa

Trong bối cảnh số ca bệnh dại trên cả nước tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong được Cục Y tế dự phòng báo cáo, ngành y tế TP.HCM đã triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại trên địa bàn thành phố.

Ngày 21/3, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, bên cạnh một số bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi đang lưu hành, hiện một số tỉnh thành phố trên cả nước đang xuất hiện các ca bệnh dại. Vì vậy, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại.

Theo đó, người nuôi chó mèo cần thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của cơ quan thú y. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư.

Ngoài ra, khi cho chó ra đường phải có dây dẫn, rọ mõm đề phòng cắn người và gây tai nạn giao thông. Đồng thời phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

“Trong trường hợp người bị chó, mèo cắn cần xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị cắn và đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời. Đặc biệt, không sử dụng thuốc Đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành y tế để điều trị bệnh”, bà Nga chia sẻ.

Số ca bệnh dại trên cả nước tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong.

Ngày 20/3 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu phòng y tế quận, huyện và TP. Thủ Đức phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng chống bệnh dại trên người và động vật.

Đặc biệt, ngành y tế TP.HCM cũng yêu cầu các cơ sở tiêm vắc xin phòng dại phải đảm bảo nguồn vắc xin để người dân tiếp cận đầy đủ. Cán bộ y tế phải được tập huấn về kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn gồm xử lý vết thương, chỉ định sử dụng vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại đúng, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn từ 10-15 ngày, trong đó có nhiều trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế. Tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin phòng dại chỉ đạt khoảng 50%.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/so-ca-benh-dai-tang-cao-tphcm-khuyen-cao-nhieu-bien-phap-phong-ngua-d211283.html