SKF Việt Nam và 'cuộc chiến' chống hàng nhái, hàng giả - Kỳ 1: Đối mặt thách thức

Trong công nghiệp, vòng bi và các sản phẩm truyền động đóng một vai trò không thể thiếu trong việc đảm bảo sự vận hành êm ái và hiệu quả của máy móc. Tuy nhiên, nguy cơ từ hàng nhái, hàng giả vòng bi và các sản phẩm truyền động của SKF không chỉ đe dọa đến uy tín của thương hiệu mà còn tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng đối với thiết bị công nghiệp.

Sản phẩm giả mạo thường được sản xuất mà không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, có thể dẫn đến tình trạng hỏng hóc, giảm hiệu suất, thậm chí hư hại không thể khắc phục, ảnh hưởng đến cả an toàn và hiệu quả sản xuất. Thế nhưng, vì sao ngay cả những người tiêu dùng thông thái nhất cũng có thể trở thành nạn nhân của hàng giả?

Thách thức từ những lời chào mời qua các email quảng cáo và thương mại điện tử

Thương mại điện tử và các thư điện tử (email) mời chào với giá cả hấp dẫn cùng thời gian giao hàng ngắn hơn đã trở thành kênh phổ biến để phân phối hàng nhái, hàng giả. Các ưu đãi này thường không đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật mà hàng chính hãng tuân thủ, gây rủi ro đáng kể đến hiệu suất và độ an toàn của thiết bị.

Đơn cử cho vấn đề này chính là việc cơ quan chức năng của Hà Nội vừa qua đã tạm giữ hàng nghìn vòng bi có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SKF. Cụ thể, thực hiện Kế hoạch số 21/KH-QLTTHN của Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội về kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Dương lịch, trước, trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh ở quận Hà Đông, TP Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện một cơ sở kinh doanh chưa được ủy quyền kinh doanh bởi SKF. Và, thông tin trên website thương mại điện tử này không đầy đủ thông tin về chủ sở hữu website và thông tin về hàng hóa theo quy định. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 3.234 sản phẩm vòng bi các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SKF đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Số lượng lớn vòng bi nghi giả mạo nhãn hiệu SKF bị phát hiện.

Tiếp tục kiểm tra, Đoàn phát hiện một cơ sở kinh doanh tại huyện Thanh Trì đang sử dụng website thương mại điện tử, công bố không đầy đủ, không chính xác trên website về thông tin chủ sở hữu website theo quy định. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 796 sản phẩm vòng bi các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SKF đang được bảo hộ tại Việt Nam…

Vậy vì sao sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu vẫn “tung hoành” trên thị trường và người tiêu dùng thông thái trở thành nạn nhân của hàng giả?... Điều này có thể lý giải bằng một số nguyên nhân sau đây:

- Lỗ hổng về nhận biết sản phẩm và cám dỗ từ lời chào hấp dẫn: Nhiều người tiêu dùng thiếu thông tin cần thiết để phân biệt hàng giả. Khách hàng có thể không biết cách kiểm tra bao bì, mã sản phẩm, hoặc không nhận thức được tầm quan trọng của việc mua hàng từ các nguồn uy tín, đồng thời, bị lôi kéo bởi các lời mời chào qua email với lời hứa hẹn về giá thấp và thời gian giao hàng nhanh chóng.

- Cám dỗ từ giá cả và thời gian giao hàng: Giá cả thấp và thời gian giao hàng nhanh chóng của hàng giả, hàng nhái luôn là một cám dỗ lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Những lời mời chào này thường khiến người tiêu dùng và đặc biệt là các doanh nghiệp đang cố gắng cắt giảm chi phí, trở nên dễ bị mua trúng hàng nhái, hàng giả.

Đây là hậu quả của việc sử dụng nhầm hàng nhái, hàng giả. Nếu hàng nhái, hàng giả lọt vào trong thiết bị sản xuất của bạn, nguy cơ hỏng vòng bi sẽ tăng lên đáng kể. Làm gia tăng về chi phí hoạt động, môi trường và đặc biệt là nguy cơ an toàn trong sản xuất.

Đối với tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng và công tác xử lý, ông Nguyễn Huy Cường, nguyên Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết: Tình trạng vi phạm hành chính về hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm ngày một phức tạp, tinh vi hơn, diễn ra trực tiếp và cả trên môi trường mạng. Sau 02 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi tạo động lực phát triển cho thương mại điện tử. Các đối tượng kinh doanh online lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn bỏ tiền thuê các cá nhân có sức ảnh hưởng, nổi tiếng để livestream (phát trực tiếp) bán hàng cho mình, từ đó có thể chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày.

Biện pháp bảo vệ

Trao đổi với báo chí gần đầy về những khó khăn mà lực lượng quản lý thị trường cũng như các lực lượng chuyên ngành khác gặp phải trong quá trình đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ông Nguyễn Huy Cường đã chia sẻ: Các đối tượng vi phạm ngày càng có trình độ, chuyên nghiệp và sử dụng các thiết bị, công cụ hiện đại trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm; Các hành vi vi phạm hiện nay không chỉ xảy ra trong hoạt động kinh doanh truyền thống mà dịch chuyển nhiều sang môi trường kinh doanh thương mại điện tử. Trong khi đó, cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng còn chưa kịp thời và tồn tại nhiều bất cập…

Ông Nguyễn Huy Cường cũng đề xuất một số biện pháp khắc phục, trong đó là cần kịp thời sửa đổi các quy định quản lý trong thương mại điện tử nhằm khắc phục các vướng mắc: truy xuất đối tượng kinh doanh thương mại điện tử, nắm thông tin, phát hiện vi phạm trên môi trường mạng, truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch, trên trang web bán hàng hoặc qua mạng xã hội…

Còn theo SKF Việt Nam, để tránh trở thành nạn nhân của nạn hàng nhái, hàng giả, người tiêu dùng và các doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp sau:

- Chỉ mua hàng từ nhà phân phối ủy quyền của SKF: Đây là cách đơn giản nhất để đảm bảo bạn mua được sản phẩm chính hãng.

- Sử dụng công cụ xác thực của SKF: SKF cung cấp công cụ trực tuyến để kiểm tra mã sản phẩm, giúp xác minh tính xác thực của sản phẩm.

- Cẩn trọng với giá cả: Đề cao cảnh giác với các lời chào giá cực thấp so với hàng chính hãng, có khả năng cao đó là hàng nhái, hàng giả.

- Tăng cường kiến thức: Hiểu rõ về sản phẩm sẽ giúp bạn trở thành một người mua hàng thông thái, có khả năng phát hiện hàng nhái, hàng giả.

Có thể thấy, trong thế giới kinh doanh hiện nay, việc trở thành nạn nhân của hàng nhái, hàng giả là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với sự cảnh giác cộng với tăng cường kiến thức và sử dụng các công cụ mà SKF cung cấp, người mua hàng có thể tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro này, đồng thời, góp phần bảo vệ chất lượng công việc và an toàn cho thiết bị của mình.

Công ty TNHH SKF Việt Nam

Website: www.skf.com/vn Email: skf.vietnam@skf.com
Trụ sở: Cresent Plaza, Lầu 4, 105 Tôn Dật Tiên, Q.7, Tp. Hồ Chí Minh Tel: 18002282

VP Hà Nội: Thăng Long Bld., Lầu 7, 105 Láng Hạ, Q. Đống Đa, Hà Nội Tel: 18002282

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/skf-viet-nam-va-cuoc-chien-chong-hang-nhai-hang-gia-ky-1-doi-mat-thach-thuc.html