Sinh viên Việt Nam ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Hệ thống an sinh xã hội ổn định, nhiều cơ hội học bổng cho sinh viên quốc tế, đời sống tinh thần của người học được quan tâm đúng mực… là những yếu tố khiến Phần Lan, đất nước hạnh phúc nhất thế giới suốt nhiều năm liền, trở thành điểm đến du học lý tưởng cho các sinh viên Việt Nam.

Các thành viên của Hội sinh viên Việt Nam tại Phần Lan (VSAF).

Phần Lan - “Vì đến mà yêu”

Với nhiều sinh viên Việt Nam, Phần Lan có thể không phải là đất nước “vì yêu mà đến” hay là sự lựa chọn ban đầu cho ước mơ du học. Đây lại là nơi “vì đến mà yêu”, đến rồi mới ước giá như mình biết về vùng đất băng giá này sớm hơn.

Lê Thị Minh Ngọc (20 tuổi, ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Khoa học ứng dụng LAB) là thành viên Ban Truyền thông của Hội Sinh viên Việt Nam tại Phần Lan (VSAF). Cô từng dành ba năm phổ thông học tiếng Đức với mục tiêu đi du học ngay sau khi tốt nghiệp. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nếu vẫn chọn đi học tại Đức, cô phải đợi thêm ít nhất một năm.

Trong khi tìm kiếm các phương án khác, cô đặc biệt ấn tượng với các nước Bắc Âu nói chung và Phần Lan nói riêng. Với cô, đây là một đất nước khá bí ẩn, mới mẻ và rất khác so với đa số các nơi ở Châu Âu mà cô biết đến trước đó.

Minh Ngọc đi chợ Giáng sinh.

“Sau hơn một năm sống và học tập tại đây, mình chưa bao giờ hối hận với quyết định đi du học Phần Lan mà chỉ ước giá như mình biết đến nơi này sớm hơn”, Minh Ngọc nói.

Trần Yến Nhi (22 tuổi, ngành Kỹ thuật hóa học, Đại học Aalto), bắt đầu hành trình du học khi đã học đến năm thứ ba tại một trường đại học trong nước và nhận được thư mời nhập học của một số trường đại học của Mỹ.

Tuy nhiên, khi nhận được học bổng toàn phần của Đại học Aalto và tìm hiểu thêm về đất nước Phần Lan, cô quyết định gác lại “giấc mơ Mỹ” và chọn Phần Lan là điểm đến du học của mình.

Đi du học với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh từ cuối năm 2021, tuy nhiên Yến Nhi cũng đang theo học lớp tiếng Phần Lan ở trường để hiểu rõ hơn về văn hóa nơi đây, cũng như gia tăng lợi thế khi tìm kiếm việc làm sau này.

Nền giáo dục tiên tiến

Hoàng Hải Ngân, 22 tuổi, là sinh viên năm ba ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Aalto. Đây là một trong những ngôi trường hàng đầu tại Phần Lan khi luôn chiếm thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng đại học thế giới. Hải Ngân cho biết điều cô thích nhất ở đại học Phần Lan là sự tự chủ và việc sinh viên có tiếng nói rất lớn trong việc học của mình.

Cô có thể trao đổi thẳng thắn với thầy, cô như hai người bạn và hầu hết các giảng viên thường yêu cầu sinh viên gọi họ bằng tên riêng và không thêm vào các từ chỉ danh xưng như “Mr.” hay “Ms.” khi viết email. Điều này đã xóa đi bức tường vô hình giữa người dạy và người học, khiến hai bên có thể trao đổi thoải mái nhưng vẫn giữ được sự tôn trọng lẫn nhau.

Cảnh sắc thiên nhiên và những chuyến picnic ở Phần Lan qua ống kính của Hải Ngân.

Mùa đông ở Phần Lan kéo dài và rất lạnh, có những vùng tuyết rơi từ 5-6 tháng/năm. Vậy nên các trường đại học rất quan tâm đến sức khỏe tinh thần của sinh viên như tổ chức các buổi tư vấn tâm lý tại trường, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của thời tiết.

Câu chuyện của Nguyễn Lâm Minh Khánh (sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Khoa học ứng dụng Tampere) cũng có nhiều điểm tương tự. Tình cờ qua một người bạn, cô biết tới Phần Lan, quốc gia Bắc Âu thanh bình với xấp xỉ chỉ 6 triệu dân.

Cô tiếp tục tìm hiểu chi tiết hơn về hệ thống giáo dục đại học ở đây. Cô nhận thấy với ngành thuộc lĩnh vực kinh tế mà mình muốn theo đuổi, việc dạy và học ở Phần Lan rất thực tiễn.

Chương trình học không đặt nặng áp lực các môn lý thuyết, mà có rất nhiều bài tập thực tế tại doanh nghiệp để sinh viên có được góc nhìn chân thực nhất. Cô quyết định ôn thi đầu vào và chính thức sang Phần Lan du học từ tháng 8/2020.

Minh Khánh và mùa xuân tại Phần Lan.

Chung suy nghĩ, Yến Nhi cũng đánh giá cao “flat hierachy” (tạm dịch: sự phân cấp phẳng) trong giáo dục Phần Lan, giúp cho việc giao tiếp giữa giảng viên và sinh viên trở nên dễ dàng.

Bên cạnh những môn học chính trong chuyên ngành, cô còn được tự do đăng ký các môn học khác nhau, từ công nghệ, kinh doanh, cho đến nghệ thuật. Do đó, góc nhìn của cô trở nên toàn diện hơn và cũng được khám phá thêm nhiều kiến thức thú vị từ mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Cô nhận xét thêm: “Mình thấy triết lý giáo dục của Phần Lan vô cùng tân tiến và hiệu quả. Ở đây, điểm số không được đặt nặng, mà việc mình học được gì từ các môn học mới là điều quan trọng nhất”.

Thân thiện với sinh viên quốc tế

Ở Phần Lan, các trường đại học không có ký túc xá dành cho sinh viên. Mỗi thành phố sẽ có những công ty dành riêng cho sinh viên thuê với mức giá hợp lý. Các công ty này được gọi là “Student Housing” và được chính phủ trợ giá một phần.

Là một người thường xuyên chuyển nhà, Hoàng Thị Thanh Trúc (ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học khoa học ứng dụng JAMK) có trải nghiệm ở chung với cả sinh viên Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Hiện đang là sinh viên trao đổi tại Düsseldorf, Đức, cô nhận xét mức giá thuê nhà và sinh hoạt phí tại Phần Lan tương đối phải chăng khi so sánh với các quốc gia khác trong châu Âu nói chung và ở Bắc Âu nói riêng.

Thanh Trúc cho biết, mức sinh hoạt trung bình mà Sở Di trú Phần Lan đưa ra cho mỗi sinh viên là 560 euros/tháng, nhưng cả cô và đa số bạn bè đều không chi tiêu nhiều đến mức đó. So với ở Đức là 891 euros/ tháng và Hà Lan từ 800-1000 euros/tháng, cô đánh giá chi phí sinh hoạt ở Phần Lan khá phù hợp với sinh viên.

Thanh Trúc sống tại Jyväskylä, một thành phố ở phía tây Phần Lan và không nhiều sinh viên Việt Nam. Vì yêu thích nấu ăn và cũng để tiết kiệm chi phí nên cô thường nấu ăn tại nhà. Ở thành phố của cô ở, có đến ba khu chợ bán đồ Châu Á nên không khó để tìm mua các nguyên liệu nấu món Việt.

Là sinh viên nên Thanh Trúc và các bạn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: bữa ăn giảm giá tại nhà ăn sinh viên, phương tiện công cộng được giảm gần một nửa hoặc không mất phí làm thẻ và duy trì tài khoản ngân hàng. Những chi phí như tiền phòng, hóa đơn điện, nước, Internet đều được chính phủ trợ giá, các phương tiện giao thông công cộng thuận lợi và rất ít khi có tình trạng đình công.

Có không ít ý kiến lo ngại rằng Phần Lan sẽ hơi buồn và không phù hợp với những bạn trẻ hướng ngoại, yêu thích sự sôi động. Lê Quỳnh Nghi, sinh viên ngành Quản trị Du lịch, Khách sạn và Sự kiện, Trường Đại học Khoa học ứng dụng Haaga-Helia tại thủ đô Helsinki, lại có góc nhìn khác. Theo cô, nhịp sống ở Phần Lan nhanh hay chậm tùy thuộc vào góc nhìn và sự lựa chọn của mỗi cá nhân.

Quỳnh Nghi và các hoạt động suốt 4 mùa tại Phần Lan.

Dù ngày hè nắng ấm hay ngày đông tuyết phủ, thậm chí có những ngày mặt trời chỉ ló rạng đúng 4 tiếng, cô vẫn đều đặn hoàn thành các công việc trong ngày. Những hoạt động phong phú như chạy bộ, học nhảy, đi chơi, đi làm thêm, làm tình nguyện viên cho các sự kiện trong thành phố, chủ động kết bạn và tìm hiểu các nền văn hóa mới. Đặc biệt, các lớp học nghệ thuật và thể thao luôn có giá rất ưu đãi dành cho sinh viên với sự hỗ trợ từ chính phủ Phần Lan.

Đối với Minh Ngọc, một ngày là sinh viên của cô chủ yếu dành cho việc học trên trường và cả tự học.

Các lớp học của cô thường bắt đầu khá muộn, khoảng 10 hoặc 12 giờ nên cô đặt báo thức sẽ sớm 2 tiếng trước khi vào lớp. Thời gian buổi sáng, cô dành việc sinh hoạt cá nhân, ăn sáng, xem lại bài học của ngày hôm đó và kiểm tra các công việc khác.

Minh Ngọc đi chơi vào một ngày tuyết dày tại Phần Lan.

Một lớp học ở trường LAB của cô kéo dài từ 2-4 tiếng tùy môn. Cô tranh thủ khoảng nghỉ giữa giờ từ 5-10 phút để ăn nhẹ. Do nhiệt độ trung bình khá thấp nên cô thường dễ cảm thấy đói. Sau giờ học, cô dành khoảng 2 tiếng để hoàn thành các công việc và tán ngẫu với bạn bè.

Những ngày không có lớp học, cô dành thời gian cho công việc thực tập online, giải trí bằng những sở thích cá nhân và đi chơi với bạn bè. Mỗi thứ ba hàng tuần, Minh Ngọc tham gia chơi cầu lông cùng với bạn bè từ 6-8 giờ tối. Việc chơi thể thao giúp cô cân bằng được sức khỏe thể chất và tinh thần.

Buổi tối, cô nấu ăn, làm bài tập, xử lý công việc ở VSAF, nơi thực tập và đi ngủ lúc 12 giờ đêm. Cô luôn cố gắng ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để nạp đủ năng lượng bắt đầu một ngày mới.

Cuộc sống ưu tiên sự cân bằng

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2023 do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc công bố, Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lần thứ 6 liên tiếp.

Minh Ngọc cho biết bạn bè, thầy cô đều không quá ngạc nhiên trước tin tức này. Vẫn còn những điều mà người Phần Lan không thích về chính đất nước họ như: mùa đông lạnh, u ám, kéo dài hơn nửa năm dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên, mọi người đều tìm được sự cân bằng trong cuộc sống, cũng như trong công việc và học tập.

Đặc biệt, họ cảm thấy an toàn và hài lòng vì có hệ thống phúc lợi xã hội tốt cho mọi lứa tuổi và có đời sống xã hội, chính trị ổn định. Môi trường tự nhiên cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, việc tận hưởng và sống gần gũi với thiên nhiên khiến họ cảm thấy thật yên bình và thoải mái.

Cũng vào ngày Phần Lan được công bố là Quốc gia Hạnh phúc nhất thế giới năm 2023, Quỳnh Nghi đang là sinh viên trao đổi ở Đức. Chủ đề trên lập tức được đưa ra thảo luận trong lớp nghiên cứu “Năng lực liên văn hóa” của cô tại đây cùng ý kiến: “Happy can be evaluated in different ways - Hạnh phúc có thể được đánh giá theo nhiều cách khác nhau.”

Quỳnh Nghi cùng bạn bè, đồng nghiệp trong các hoạt động ở trường (trái) và ở công ty (phải).

Cô bày tỏ quan điểm: “Một người yêu sự náo nhiệt và đông đúc của phố thị sẽ không thể cảm nhận được sự hạnh phúc đến từ tĩnh lặng và âm thanh của cây lá. Hạnh phúc của mỗi người được định nghĩa khác nhau theo từng hoàn cảnh và mốc thời gian khác nhau.

Nó cũng tùy thuộc vào quan điểm sống, đặc điểm tâm sinh lý và hoàn cảnh cuộc sống cũng như đặc thù công việc mà họ sở hữu. Là một sinh viên du học ở Bắc Âu, mình đã học cách thích nghi, thay đổi lối sống để luyện tập và hình thành thói quen sống tích cực, để từ đó đem lại cho mình mỗi ngày đều là cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc nhất”.

Còn với Hải Ngân, sau gần hai năm sống ở Phần Lan, cô nhận thấy nhịp sống nơi đây sẽ “hơi buồn” đối với những ai thích sự sôi động. Còn với người yêu thích cuộc sống yên bình như cô thì lại rất phù hợp.

“Nhiều khi mình hơi buồn vì hàng quán đóng cửa sớm, không có chỗ nào để đi chơi tối. Nhưng nhờ đó mà mình lại có thể tự tạo ra những niềm vui mới cho bản thân. Mình và bạn bè thường tụ tập ăn uống, cùng nhau chơi board game, mùa hè thì đi picnic.

Nhìn chung người Phần Lan khá ôn hòa và tôn trọng không gian cá nhân. Nhưng không phải vì thế mà người ta lãnh cảm hay thờ ơ. Có lẽ điều Phần Lan khiến mình cảm thấy tuyệt vời nhất là mình được tự do ‘đi tìm chính mình’”, cô chia sẻ.

Sự kiện giao lưu sinh viên do Hội Sinh viên Việt Nam tại Phần Lan tổ chức.

Nhiều hoạt động gần gũi với thiên nhiên

Minh Khánh cho biết, các hoạt động ở Phần Lan thường thay đổi theo mùa, trong đó mùa đông kéo dài khoảng 5-6 tháng.

Vào mùa đông, cô và bạn bè thường đi chơi tại các trung tâm thương mại do có rất nhiều đợt giảm giá. Sau đó, mọi người sẽ rủ nhau đến các quán ăn, hiệu trà sữa. Một điều rất tuyệt vời luôn có đa dạng quán ăn để lựa chọn như Thái, Trung, Nhật, Ý, Pháp,...

Cô cũng được trải nghiệm các bộ môn thể thao mùa đông như trượt tuyết, đến các quán cà phê để học bài hoặc ghé thăm thư viện của thành phố Tampere nơi cô đang sống.

Còn vào những mùa còn lại, các hoạt động giải trí luôn đông đúc và náo nhiệt hơn hẳn. Một hoạt động mà Minh Khánh thích là đi picnic ở các công viên xanh mượt cỏ và đầy hoa. Ngoài ra, hái dâu cũng là một trải nghiệm rất thú vị vào mùa hè.

Ở Phần Lan, mùa hè sẽ có một lễ hội lớn được gọi là Juhannus, còn được biết là Midsummer's Day. Vào ngày này, mọi người thường tập trung tại bãi biển, chèo thuyền hoặc đi cắm trại cả ngày vì trời sẽ không tắt nắng.

Riêng với Thanh Trúc, cô cảm nhận thiên nhiên Phần Lan mang tính “healing” (chữa lành) bởi nó luôn mang lại một cảm giác tươi mới và sảng khoái. Cô dự định sẽ thử việc đi nghỉ tại các “summer cottage” trong mùa hè này.

“Summer cottage” là tên gọi của những ngôi nhà tranh nhỏ trong rừng, bên cạnh biển hoặc một hồ nước lớn. Phần Lan được mệnh danh là “đất nước nghìn hồ” và mỗi sông hồ sẽ có một vẻ đẹp yên bình riêng. Một trong những thú vui của người dân là đi cắm trại hay picnic cạnh hồ, ở trong các “summer cottage” để tận hưởng sự yên bình của thiên nhiên.

Là người yêu thích du lịch, Minh Khánh đã ghé thăm nhiều thành phố trên khắp Phần Lan. Cô cho biết một trong những điểm thu hút du lịch là vùng Lapland ở phía Bắc Phần Lan. Đây chính là quê hương của ông già Noel.

Ngoài ra, với những ai đam mê thể thao mạo hiểm các hoạt động trượt tuyết hay khúc côn cầu trên băng cũng là sự lựa chọn rất tuyệt.

Minh Khánh gặp gỡ và giao lưu với Ông già Noel.

Cô cũng rất thích Turku, cố đô của Phần Lan với nét cổ điển những cũng rất hiện đại. Kiến trúc Lâu đài Turku với hơn 700 năm tuổi hay công viên giải trí Moomin (một nhân vật hoạt hình nổi tiếng ở đây) là hai điểm đến mà cô gợi ý mọi người nên đến tham quan.

Còn thủ đô Helsinki lại rất nổi tiếng với Nhà thờ Trắng, đảo Suomenlinna hay Nhà thờ đá Temppeliaukio độc đáo. Minh Khánh đã may mắn được ghé thăm hết các địa điểm trên và xuýt xoa trầm trồ trước vẻ đẹp của chúng.

Trịnh Vũ Lam Trang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-viet-nam-o-quoc-gia-hanh-phuc-nhat-the-gioi-post1545357.tpo