Sinh viên tích lũy kỹ năng sống từ đi làm thêm

Sinh viên làm thêm sau giờ lên lớp không chỉ có thu nhập, phụ giúp gia đình mà còn rất hữu ích trong việc tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng sống.

Em Nguyễn Hương Giang hiện là sinh viên Khoa Sư phạm Mầm non, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai. Có kinh nghiệm pha chế đồ uống từ khi còn là học sinh THPT nên ngay sau khi làm quen với môi trường học tập mới, Giang đã xin được việc làm theo ca tại một quán cà phê gần trường.

Hằng ngày, Giang đi học buổi sáng, đến chiều thì đi làm. Thu nhập mỗi tháng từ làm thêm giúp Giang đủ chi trả tiền thuê phòng trọ và một số chi tiêu cá nhân.

Em Giang tâm sự: Công việc không liên quan đến chuyên ngành học nhưng giúp em tiếp xúc với nhiều người, có thêm kỹ năng sống, biết ứng xử và xử lý các tình huống diễn ra trong cuộc sống.

Hiện các công việc được sinh viên tìm kiếm chủ yếu mang tính thời vụ, có thể đi làm ngoài giờ học hoặc làm vào thời điểm nghỉ hè như bán hàng, gia sư, trực điện thoại, chở hàng, xe ôm, phát tờ rơi, trông trẻ… Tuy nhiên, với những sinh viên năm thứ 3, thứ 4, nhiều bạn đã lựa chọn công việc làm thêm có liên quan tới chuyên ngành học để tích lũy kỹ năng nghề nghiệp và có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Đặc biệt là ở những thành phố lớn thì việc làm thêm cũng đa dạng và dễ tìm hơn.

Em La Thị Huyên (thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn) là sinh viên năm cuối chuyên ngành Tổ chức và Quản lý du lịch vùng dân tộc thiểu số (Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Ngoài giờ học, Huyên làm thêm nghề lễ tân khách sạn. Huyên bắt đầu công việc này khoảng 2 tháng trước (sau khi kết thúc thời gian thực tập tốt nghiệp).

Trước đó, Huyên từng làm thêm các công việc bán thời gian khác như nhân viên thời trang, thu ngân siêu thị, bán hàng mỹ phẩm, nhân viên tiếp thị sản phẩm, lễ tân sự kiện… Ngoài có thu nhập thì mục đích chính khi Huyên đi làm thêm nhiều công việc sau giờ học là để làm quen với môi trường làm việc thực tế, tích lũy kinh nghiệm và mở rộng các mối quan hệ.

Nhiều sinh viên ngoài giờ học không chỉ làm một việc mà còn tận dụng tối đa thời gian rảnh để làm nhiều công việc.

Em Đoàn Thị Mây ở xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) là sinh viên năm thứ 3 ngành Truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Với sự năng động, chăm chỉ, chịu khó, Mây đang nhận 2 công việc làm thêm cùng lúc. Mây làm quản lý thu ngân tại một trung tâm luyện thi, mỗi ca làm việc kéo dài khoảng 4 giờ/ngày.

Bên cạnh đó, Mây còn làm nhân viên tư vấn bất động sản. Công việc này có thời gian làm việc linh động, không bị gò bó nên Mây có thể chủ động được việc học và làm thêm. “Việc học tập ở trường phải luôn được ưu tiên. Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp, cân đối thời gian và lựa chọn công việc phù hợp thì sinh viên hoàn toàn có thể làm nhiều công việc ngoài giờ lên lớp”, Mây nói.

Mây cân đối việc học và làm thêm bằng cách: Hằng tuần, em sắp xếp lịch làm việc, lịch học, lên danh sách công việc, bài tập cần hoàn thành trong tuần. “Đi làm thêm hay đi học đều phải tập trung để hoàn thành mọi việc một cách nhanh nhất”, Mây chia sẻ thêm.

Công việc đã bổ trợ cho việc học và cuộc sống của Mây rất nhiều. Là sinh viên năm 3 nên có nhiều môn học chuyên ngành cần những kiến thức thực tế, việc làm thêm bên ngoài giúp Mây hoàn thành được những môn học đó. Thử sức ở nhiều công việc nên ngay từ cuối năm học thứ 2, Mây đã có thu nhập, tự trang trải được cuộc sống của mình ở Hà Nội.

“Bố mẹ nuôi 2 chị em học đại học nên rất vất vả. Ban đầu, em đi làm thêm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, sau đó thì muốn có thêm những trải nghiệm mới, thử sức mình ở nhiều công việc để không bị phí thời gian của tuổi trẻ. Đi làm thêm cũng là cơ hội để em có thêm kinh nghiệm cho cuộc sống”- Mây trải lòng.

Những năm gần đây, phong trào làm thêm trở nên phổ biến trong sinh viên, không chỉ đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà cả những bạn có điều kiện gia đình khá. Công việc làm thêm mang đến cho sinh viên nhiều điều mới mẻ, giúp các em rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, từ đó trưởng thành hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi sinh viên cần xác định cho mình công việc phù hợp cũng như biết sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học, chuẩn bị hành trang tốt nhất cho tương lai sau này.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/sinh-vien-tich-luy-ky-nang-song-tu-di-lam-them-post369544.html