Sinh viên tăng ca đến tối muộn, ra quán cà phê, siêu thị ngồi điều hòa để 'trốn' nóng

Miền Nam đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ liên tục leo thang chạm mốc 38 - 40 độ C. Nắng hè như thiêu như đốt khiến cuộc sống của tất cả mọi người đều bị đảo lộn, đặc biệt là những sinh viên đang ở trọ.

Nắng nóng gay gắt bao trùm Thành phố Hồ Chí Minh như một "cơn ác mộng" đối với tất cả mọi người. Cơn ác mộng ấy càng trở nên kinh hoàng hơn với sinh viên khi các bạn phải đối mặt với cái nóng trong những căn phòng trọ chật hẹp, không điều hòa. Để tiếp tục chống chọi với cái nóng "như thiêu như đốt" này, sinh viên buộc phải tìm ra những giải pháp làm giảm nhiệt độ phòng, biến nó thành "thiên đường" giữa lòng Sài Gòn oi bức.

Trần Hồng Vy (22 tuổi), đang phải đối mặt với "ác mộng" mang tên mùa hè. Cô nàng hiện đang ở trọ ghép chung 3 người tại tại phố Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Căn phòng trọ không điều hòa giá rẻ đã trở thành "lò nung" thực sự trong những ngày nắng nóng gay gắt. Vy chia sẻ: "Mỗi tháng, tiền điện của mình dao động từ 250.000 đến 350.000 đồng, tương ứng với 80 đến 100 số điện. Tuy nhiên, khi nhiệt độ tăng cao lên 38, 39 độ, hóa đơn điện có thể tăng vọt thêm 150.000 đến 200.000 đồng."

Hồng Vy thường xuyên tăng ca tại cơ quan để giảm bớt chi phí điện nước.

Để tiết kiệm chi phí, Vy thường xuyên tăng ca tại cơ quan đến tối muộn hoặc tìm đến các quán cà phê nhằm "ké" điều hòa. Dù vậy, giải pháp này cũng tốn kém không ít khi gần đây, cô phải chi trả 400.000 - 500.000 đồng mỗi tháng cho "cà phê, điều hòa free". Con số này đã vượt quá khả năng chi tiêu của Vy trong một tháng.

Tuy nhiên, khi ví tiền đã cạn kiệt, Vy buộc phải quay trở về với căn phòng trọ "nóng như lò bát quái". Lúc này, cuộc chiến cam go giữa cô nữ sinh và thời tiết Sài Gòn mới thực sự bắt đầu. Vy chia sẻ: "Mỗi khi cần ôn bài, mình thường đổ đá vào chậu nước, đặt trước quạt rồi quay quạt về hướng mình để hơi lạnh phả vào mặt." Phương pháp này cũng chẳng mấy hiệu quả, bởi khi đá tan hết, cơn nóng lại ập đến và chi phí cho đá cũng không hề rẻ hơn so với tiền "cà phê, điều hòa free" là bao.

Trái ngược với Vy, Trần Thị Như Ý, sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM lại có cách đối mặt khá bình thản với cái nóng gay gắt của Sài Gòn. Như Ý chia sẻ: "Nắng nóng ở đây vốn chẳng phải chuyện mới, cuộc sống của mình cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều." Tuy nhiên, Như Ý cũng không khỏi lo lắng bởi giá điện tăng cao. Để duy trì sự mát mẻ trong những ngày nóng đỉnh điểm, cô nàng buộc phải sử dụng máy lạnh và "tậu" thêm một chiếc quạt hơi nước, khiến chi phí sinh hoạt tăng lên đáng kể.

Như Ý áp dụng nhiều biện pháp để “trốn” nóng.

Để giảm tải cho hóa đơn điện tháng tới, Như Ý đã áp dụng nhiều chiêu thức tiết kiệm. Đầu tiên, cô nàng đặt thau nước đá trước quạt để tăng cường độ mát. Tiếp theo, Như Ý hạn chế sử dụng điện thắp sáng, chỉ bật điều hòa vào buổi trưa hoặc đi dạo siêu thị, trung tâm thương mại để... tránh nóng. Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi cũng là điểm đến "giải nhiệt" lý tưởng được Như Ý ưa chuộng bởi sự tiện lợi khi vừa có thể mua sắm, vừa tận dụng chỗ ngồi tại quán.

Đồng cảnh ngộ với Vy và Như Ý, Đoàn Văn Nghĩa, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ: “Nắng nóng kéo dài nên mình phải bật nhiều quạt và bật suốt. Tiền điện cũng tăng phi mã và phòng đã phải sắm thêm một chiếc quạt nữa nhưng cảm giác không khả thi, thậm chí phải bật thêm điều hòa. Tiền điện tăng thì mình phải giảm chi tiêu, rất muốn mua nhiều thứ nhưng lại không có tiền…". Là sinh viên sống xa quê nên tiền sinh hoạt phí của Nghĩa phụ thuộc nhiều vào gia đình, cũng bởi lý do đó mà Nghĩa cảm thấy "xót" tiền vì phải đánh đổi để tránh nóng.

Để tiết kiệm chi phí điện nước, Nghĩa buộc phải cắt giảm tiền ăn, hạn chế ăn ngoài và chuyển sang nấu cơm tại nhà. Đồng thời, anh chàng cũng "tống khứ" những ứng dụng đặt đồ ăn như Grab, Shopee để giảm bớt cám dỗ chi tiêu. Nghĩa chia sẻ: "Cảm giác như đồ điện sinh ra không phải để phục vụ mình, mà mình phải nạp tiền để phục vụ nó vậy."

Văn Nghĩa phải cắt giảm chi tiêu các khoản khác để bù vào tiền điện nước.

Cũng như bao sinh viên khác, Nghĩa thường tìm đến những quán cà phê để trốn khỏi cái nóng oi bức. Bầu không khí mát lạnh từ điều hòa giúp anh chàng giải tỏa bớt sự mệt mỏi và tập trung học tập hiệu quả hơn. Đồng thời, về quê cũng là một biện pháp giải nhiệt khá hiệu quả được Nghĩa lựa chọn: “Có những hôm nóng quá, không chịu được, mình liền bắt một "cuốc" xe về quê tại Bình Phước để tránh nắng nóng cùng bố mẹ”, Nghĩa cho hay.

Bên cạnh đó, chàng sinh viên ngành Y học cổ truyền cũng chia sẻ bí quyết giải nhiệt riêng của mình trong những ngày hè nóng nực: "Mình chọn uống các loại trà thanh nhiệt như trà hoa cúc, sâm mía lau,... thay vì trà đào, trà sữa,... để thanh nhiệt từ bên trong cơ thể, vừa giúp làm mát bên trong, vừa mát bên ngoài."

Cái nóng gay gắt của mùa hè luôn là kẻ thù đối với các bạn sinh viên. Bài toán tránh nóng như thế nào vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm luôn là chủ đề muôn thuở được quan tâm. Tuy nhiên, dù chọn cách nào, điều quan trọng là sinh viên cần lựa chọn những phương pháp tránh nóng khoa học để đảm bảo sức khỏe và giúp tiết kiệm chi phí một cách tối đa.

Ảnh: NVCC

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-tang-ca-den-toi-muon-ra-quan-ca-phe-sieu-thi-ngoi-dieu-hoa-de-tron-nong-post1626954.tpo