Sinh viên đi làm thêm bao nhiêu giờ là đủ?

Việc làm thêm của sinh viên hiện nay đa phần nhiều hơn số giờ trong dự thảo nhưng vẫn chấp nhận được. Làm thêm không chỉ giúp sinh viên trang trải cuộc sống mà còn củng cố, mở rộng kiến thức đã học, thậm chí tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất giao trách nhiệm quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên cho cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Về những dự thảo quy định này, đa số sinh viên và cả cán bộ cơ sở giáo dục đều cho rằng không khả thi trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều sinh viên tìm kiếm việc làm thêm thông qua các ngày hội việc làm (ảnh: Minh Hạnh)

Sinh viên tự cân bằng giữa học và làm

Dự thảo này được lấy ý kiến từ giữa tháng 3/2024 và khi được hỏi thì đa số sinh viên đang đi làm thêm đều cho rằng, không nên quy định quá chặt như vậy. Theo sinh viên, thực tế việc làm thêm hiện nay đa phần đều nhiều hơn số giờ trong dự thảo nhưng vẫn chấp nhận được. Làm thêm không chỉ giúp sinh viên trang trải cuộc sống mà nhiều trường hợp còn củng cố, mở rộng kiến thức đã học, thậm chí tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Lê Thị Hồng Phấn hiện là sinh viên năm 4 Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) và đang vừa học vừa nhận quản lý một cửa hàng thời trang. Hồng Phấn cho biết, học Quản trị kinh doanh nên công việc làm thêm này giúp Phấn có thêm cơ hội hiểu rõ hơn về cách một doanh nghiệp hoạt động, tích lũy kiến thức và kỹ năng. Với thời gian làm từ 30-35 tiếng/tuần tùy lịch học tập ở trường và mức lương 20.000 đồng/h, Phấn đã giảm được sinh hoạt phí hàng tháng nhận từ gia đình.

Theo Phấn, việc quản lý thời gian để cân bằng việc đi học và đi làm khá khó nhưng vẫn làm được.

"Cửa hàng cũng tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên đi làm nên mình có thể cân bằng được thời gian đi học đi làm. Với mình, việc đi làm không ảnh hưởng nhiều đến việc học ở trường đâu. Nếu kiểm soát, giới hạn giờ làm của sinh viên thì với những bạn đi làm để kiếm thêm thu nhập, hỗ trợ đóng học phí thì ảnh hưởng đến khó khăn về tài chính của các bạn rất nhiều", Phấn nói.

Sinh viên làm thêm có thể trau dồi kỹ năng sống, củng cố kiến thức đã học (ảnh: Minh Hạnh)

Cũng đi làm thêm, Nguyễn Huỳnh Mẫn, sinh viên năm 4 trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM đang làm đến 8 tiếng/ngày cho một công ty chuyên hỗ trợ phát triển phần mềm. Trước đây, Mẫn có làm part-time ở một quán cafe nhỏ với số giờ ít hơn. Giờ làm công việc này nhiều thời gian hơn, vất vả và sắp xếp việc học khó hơn nhưng đổi lại, Mẫn có thu nhập khá, làm đúng nghề đang học, được trải nghiệm môi trường làm việc văn phòng và gặp gỡ các đồng nghiệp.

Theo Mẫn, với đề xuất giới hạn giờ làm việc trong tuần sẽ giúp sinh viên nói chung tự điều chỉnh giữa học và làm, không làm quá nhiều như Mẫn nhưng đôi khi lại mất đi cơ hội làm việc đúng chuyên ngành với thu nhập khá cao. Nói chung, sinh viên là người lớn, nên tự cân bằng và có trách nhiệm với quyết định của mình.

"Đề xuất này theo mình là hơi ép buộc quá. Bởi vì mình hơn 18 tuổi rồi, mình có lựa chọn cho cuộc sống của mình. Theo mình, đề xuất này nhằm bảo vệ sức khỏe cho sinh viên - những bạn làm nhiều như mình nhưng mà cũng làm mất đi một quyền lựa chọn cho cuộc sống của mình", Mẫn bày tỏ.

Nhà trường chỉ nên khuyến cáo

Thực tế, đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ là đang tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên làm thêm, đồng thời đảm bảo sức khỏe, thời gian học tập cho các em nhưng nếu trở thành quy định áp dụng ngay có thể sẽ không khả thi. Bởi hiện nay sinh viên đi làm thêm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc làm việc bán thời gian tại các cửa hàng dịch vụ khá nhiều và giờ giấc cũng linh hoạt, khó có thể quản lý được thời gian làm thêm trong ngày, trong tuần.

Thêm vào đó, đề xuất trách nhiệm quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên thuộc về cơ sở giáo dục, cũng khó thực hiện được. Bởi nhà trường không có chức năng giám sát sinh viên có hay không đi làm thêm và cũng không thể giám sát được. Các trường đại học đang quản lý sinh viên bằng kết quả học tập, trong đó có quy định nếu sinh viên nghỉ quá số giờ quy định của một môn học thì không được tham gia thi kết thúc học phần. Do đó, mỗi sinh viên sẽ phải tự tính toán, bố trí thời gian để tham gia học đầy đủ và đạt kết quả, ra trường đúng hạn.

Làm thêm tính giờ ở các quán cafe là sự lựa chọn của nhiều sinh viên (ảnh: H.K)

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công Thương TP.HCM cho biết, quy định giới hạn giờ làm thêm đã được nhiều nước phát triển đang làm. Tuy nhiên, nếu áp dụng tại Việt Nam còn hơi sớm. Đồng thời, việc quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên thuộc về cơ sở giáo dục là không khả thi. Lấy ví dụ ở Đại học, sinh viên đã đủ 18 tuổi, đủ chịu trách nhiệm và nhận thức, trường chỉ có thể khuyến cáo sinh viên chứ không thể bắt buộc làm thêm đúng thời gian.

"Nếu có thì trước mắt chỉ nên khuyến khích, đoàn trường, phòng công tác sinh viên khuyến khích sinh viên làm thêm 20 tiếng/tuần, thời gian còn lại dành cho việc học và nghiên cứu. Nhiều khi sinh viên lo làm thêm quên thời gian học và nghiên cứu, làm cho các bạn không tập trung vào việc học", Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nêu ý kiến.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, lao động, hiện các trường đại học, cao đẳng đã có cơ chế quản lý sinh viên học tín chỉ, có thi cử và đánh giá rõ ràng. Việc học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động, đi làm thêm là việc nên khuyến khích, giúp các bạn trẻ có thể bù đắp một phần chi phí sinh hoạt, trang trải cuộc sống, thêm kinh nghiệm sống, trau dồi kỹ năng…

Minh Hạnh, Vũ Hường, CTV Như Thiện/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sinh-vien-di-lam-them-bao-nhieu-gio-la-du-post1087507.vov