Sinh viên báo chí làm kịch 'dị bản cổ tích': Mượn xưa kể nay

Vừa qua, Sân khấu kịch Báo chí nhân văn tái diễn thành công vở diễn 'Trái tim hóa thạch'.

Các bạn sinh viên CLB Kịch Khoa Báo chí & Truyền thông chào cảm ơn khán giả.

Vừa qua, Sân khấu kịch Báo chí nhân văn tái diễn thành công vở diễn “Trái tim hóa thạch”. Với chủ đề dị bản cổ tích, sinh viên báo chí đã mang đến cho người xem đầy đủ cung bậc cảm xúc vui, buồn, rùng rợn, sợ hãi, cùng với đó là những suy tư về thông điệp của vở diễn.

Xây dựng “dị bản cổ tích”

“Trái tim hóa thạch” là vở diễn nằm trong mùa diễn 07 - thuộc Dự án Sân khấu kịch Báo chí nhân văn của CLB Kịch - Khoa Báo chí & Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Không phải là những câu chuyện tình lãng mạn hay đời sống dân sinh thân thuộc, vở diễn đã mở ra không gian kỳ ảo đầy kịch tính.

Cổ tích Việt Nam là một kho tàng với nhiều tác phẩm văn học quý giá. Từ những chất liệu dân gian với những nhân vật quen và những hành trình, tình huống độc đáo, giàu thông điệp… tất cả đã thành nguồn cảm hứng bất tận để các bạn sinh viên báo chí xây dựng nên kịch bản “Trái tim hóa thạch” mang đậm hơi thở hiện đại.

Vở kịch kể về hành trình trốn khỏi Cung trăng trở về hạ giới của chú Cuội, Hằng Nga và Thỏ Ngọc. Thông qua chuyến hành trình của ba nhân vật cổ tích cùng những mối quan hệ nơi hạ giới, tác phẩm đã lồng ghép những vấn đề thời sự của xã hội như: Nạn bạo lực gia đình, sự vô cảm, lòng tham… Từ đó góp phần đưa ra thông điệp, triết lý về nhân quả báo oán và đặt ra vấn đề với cách đối nhân xử thế trong xã hội hiện nay.

Kết thúc đêm diễn, khán giả đã có cơ hội suy tư thêm về “thế giới thần tiên” dưới góc nhìn người trưởng thành. Bạn Lê Thị Mỹ Linh (sinh viên năm 3 ngành Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em đi xem kịch. Các bạn diễn viên dù là sinh viên, nhưng khả năng diễn xuất rất nhập vai và chuyên nghiệp. Em rất ấn tượng với chất giọng của các diễn viên. Bên cạnh những tình huống căng thẳng thì các chi tiết hài được lồng ghép rất duyên dáng”.

Nhận được sự ủng hộ của gần 600 khán giả trong lần công diễn đầu tiên vào tháng 5/2022, ở lần tái diễn này, “Trái tim hóa thạch” khoác lên mình một diện mạo mới với mức độ đầu tư cũng lớn hơn.

“Chúng mình đã có điều chỉnh về đội ngũ diễn viên cho phù hợp, nhiều bạn sinh viên chỉ mới năm 2 và năm 3 cũng đã có cơ hội được thử sức với các vai diễn. Song song đó, phần diễn xuất cũng được tập luyện và trau chuốt kỹ lưỡng để phù hợp với câu chuyện đã được xây dựng lại một cách súc tích và mạch lạc hơn. Cảnh trí, đạo cụ, trang phục và đặc biệt là ánh sáng cũng đều được đầu tư với quy mô và chất lượng cao hơn”, tác giả kiêm dàn dựng vở diễn - Nguyễn Đức Huy chia sẻ.

Ba nhân vật Thỏ Ngọc, Hằng Nga và chú Cuội (từ trái sang phải).

Tình yêu kịch nói của sinh viên

Việc sản xuất một vở kịch ở môi trường sinh viên sẽ rất khác và gặp phải nhiều khó khăn, thử thách hơn so với các không gian kịch khác. Bởi vì nhân sự thực hiện vở diễn không ai khác chính là các bạn sinh viên không chuyên từ khâu viết kịch bản, dàn dựng tới diễn viên và cả thực hiện cảnh trí, phục trang, âm thanh, ánh sáng, công tác truyền thông.

“Công đoạn lên ý tưởng và tiến hành công việc truyền thông cho vở diễn ‘khổng lồ’ này cần nhiều thời gian và chất xám của các thành viên trong ban. Đồng thời việc có những bài viết thu hút khán giả cũng như kéo lượt tương tác trên Fanpage để bán vé đã tạo không ít áp lực cho tụi mình”, bạn Ngô Cao Phương Vy - trưởng ban truyền thông của vở diễn cho hay.

Bên cạnh đó, phần phục trang cho vở diễn lần này cũng là một bài toán dành cho các bạn trẻ. Bạn Nguyễn Võ Thanh Nhân, thành viên ban phục trang cho biết: “Tụi mình rất tâm tư rằng phải khắc phục được những hạn chế trong trang phục của lần diễn trước và đồng thời phải tạo được những điều mới mẻ cho tạo hình nhân vật. Tính toán về màu sắc trang phục thật kỹ lưỡng, để mỗi cảnh trên sân khấu đều có thể là một bức tranh hoàn hảo nhất là điều mà mình và các bạn trong ban phục trang luôn đặt lên hàng đầu”.

Dù là kịch sinh viên, nhưng các bạn đầu tư nghiêm túc, chỉn chu từ cảnh trí, âm thanh, phục trang đến ánh sáng.

Với một tình yêu to lớn dành cho kịch nói cùng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, các bạn sinh viên Khoa Báo chí - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM đã hăng say tìm tòi, cùng nhau học hỏi, trau dồi kỹ năng và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật được đầu tư chỉn chu và hoành tráng.

Chính vì thế, có lẽ khoảnh khắc lắng nghe những tràng pháo tay từ phía khán giả sẽ là một niềm hạnh phúc to lớn của các bạn trẻ yêu kịch nói. Bạn Thanh Nhân xúc động nói: “Trải qua đêm diễn đầu tiên của mùa diễn 07, nhìn thấy được sự đón nhận của khán giả, bản thân mình có thêm một chút suy tư về đời sống của vở kịch này. Trong lần trở lại này, mình cảm thấy yêu và hiểu nhân vật của mình, cũng như vở diễn này nhiều hơn. Mình hy vọng sẽ có dịp để tụi mình đem vở diễn này lan tỏa đến công chúng một cách rộng rãi hơn nữa”.

“Dự án Sân khấu kịch Báo chí nhân văn mỗi năm có 2 mùa diễn với 1 hoặc 2 tác phẩm kịch dài mỗi mùa. Tất cả các thành viên trong CLB đều là sinh viên, cựu sinh viên Khoa Báo chí & Truyền thông, cùng nhau hoạt động từ 3 - 6 tháng trước khi công diễn với mong muốn mang tới những tác phẩm kịch ngày càng chỉn chu và đọng lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Trong khuôn khổ Mùa diễn 07, Sân khấu kịch Báo chí nhân văn còn công diễn một vở mới toanh mang tên “Đạo chích & Quốc vương” vào ngày 16 và 22/12 tại hội trường Văn khoa, Trường ĐH KHXH&NV cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TPHCM. Đây là vở kịch dài được lấy cảm hứng từ 3 truyện cổ tích mà người Việt thuộc nằm lòng: Đúc người, Quận gió và Dã tràng.

Tác phẩm là hành trình Quận Phong - một tên cướp trượng nghĩa, đụng độ với chàng học trò vốn là đức vua cải trang để thị sát cuộc sống người dân. Cả hai bị cuốn vào một vụ trộm kỳ lạ, từ đó phát hiện ra bí mật động trời về thân phận bản thân và vận mệnh đất nước”.

Đình Khải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-bao-chi-lam-kich-di-ban-co-tich-muon-xua-ke-nay-post663187.html