Sinh lợi từ thủy điện: Nhìn từ Quảng Nam - Bài 1: Thủy điện lợi gì?

Vận hành an toàn, hiệu quả, các thủy điện không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà còn đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam.

Thủy điện - một trong những nguồn cung năng lượng chính đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam. Năm 2023, thủy điện chiếm 28,4% trong tổng công suất điện quốc gia (chỉ sau nhiệt điện than). Thủy điện là loại hình năng lượng có phát thải carbon thấp nhất trong vòng đời của nó so với các dạng năng lượng khác. Đồng thời, theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các công trình thủy điện đã được quy hoạch.

Quảng Nam một trong những địa phương có nhiều thủy điện. Đã từng có những nhận xét việc xây dựng các thủy điện sẽ “lợi bất cập hại", "lũ chồng lũ". Tuy nhiên, từ thực tế phát triển, việc khai thác, vận hành an toàn hiệu quả các thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã chứng minh thủy điện không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương, giảm nhẹ thiên tai và nâng cao đời sống người dân lưu vực hồ thủy điện.

Thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: V.X

Thủy điện - "chìa khóa" phát triển kinh tế của tỉnh

Theo báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh, hiện Quảng Nam có 40 dự án thủy điện có trong quy hoạch với tổng công suất thiết kế là 1.775 MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 6,183 tỷ kWh. Bao gồm, 10 dự án thủy điện bậc thang do Bộ Công Thương lập, thẩm định, phê duyệt và 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ do UBND tỉnh lập được HĐND thông qua trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 29/40 công trình thủy điện có trong quy hoạch đã vận hành phát điện với tổng công suất thiết kế khoảng 1.574 MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 5,5 tỷ kWh.

Đồ họa: Hạ Vĩ

Quá trình vận hành các thủy điện trong thời gian qua tại tỉnh Quảng Nam đảm bảo an toàn, đưa thủy điện trở thành một lợi thế trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Với chức năng chính là vận hành phát điện theo điều động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), các thủy điện tỉnh Quảng Nam đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng. Những năm trở lại đây chính quyền tỉnh Quảng Nam đã phối hợp tốt với các nhà máy thủy điện để đưa vào vận hành an toàn, giảm lũ. Đồng thời, điều tiết nước cho hạ du chống hạn, đẩy mặn. Ngoài ra, các hồ thủy điện còn tạo sinh kế cho người dân…

Các nhà máy thủy điện hoạt động cũng đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương. Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, năm 2023, thủy điện đóng góp 1.179 tỷ đồng cho ngân sách của tỉnh, là nguồn ngân sách lớn chỉ sau ngành công nghiệp ô tô, du lịch.

Nguồn cung cấp điện lớn

Ông Cao Huy Bảo - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, kể từ khi chính thức phát điện đến nay, nhà máy đã vận hành an toàn, hiệu quả, các tổ máy luôn đáp ứng đúng huy động của Trung tâm điều độ hệ thống điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Năm 2023, sản lượng điện sản xuất 827,847 triệu kWh, đạt 104,53% kế hoạch. Tổng doanh thu đạt hơn 732 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Nam năm 2023 là 229 tỷ đồng.

Ông Lê Đình Phúc - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho hay, sản lượng điện thương phẩm sản xuất trong năm 2023 là 728,83 triệu kWh, đạt 99% so với kế hoạch của EVN giao và đạt 82,4% so với cùng kỳ năm 2022 là 884 triệu kWh (năm 2022 là năm nhà máy đạt sản lượng cao nhất kể từ khi đưa vào hoạt động), với sản lượng điện trên đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. “Năm 2023, tổng đóng góp thuế phí các loại vào ngân sách địa phương là hơn 152 tỷ đồng, các nguồn thuế phí đóng vào ngân sách đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”, ông Phúc thông tin.

Năm 2023, sản lượng điện thương phẩm sản xuất của Công ty Thủy điện Sông Tranh đạt 728,83 triệu kWh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt hơn 7,35 tỷ kWh, tăng 39,98% so với năm 2021. Sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 7,5 tỷ kWh, tăng 2,04% so với năm 2022.

Giai đoạn 2016-2021, các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia được 24,9 tỷ kWh, bình quân 4,15 tỷ kWh/năm. Dự kiến, đến năm 2025, tổng công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh sẽ là 1.985 MW, trong đó có 30 MW từ điện than, còn lại là từ nguồn thủy điện.

Như vậy, thời gian qua và với dự báo nhu cầu về phụ tải trong tương lai, các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh không những đảm bảo cung cấp năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn mà còn cung cấp thêm nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia”, ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 19 hồ thủy điện, gồm: A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 2, Sông Bung 6, A Vương 3, Za Hung, Đắk Mi 2, Đắk Mi 3, Đắk Mi 4b, Đắk Mi 4c, Sông Tranh 3, Sông Tranh 4, Khe Diên, Sông Côn 2 bậc 1, Sông Côn 2 bậc 2 được tổ chức vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ (Gọi tắt là Quy trình 1865).

Bài 2: Thủy điện giảm lũ, chống hạn cho hạ du

Hạ Vĩ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sinh-loi-tu-thuy-dien-nhin-tu-quang-nam-bai-1-thuy-dien-loi-gi-309522.html