Sinh con quá to: Lo nhiều hơn mừng

Sinh con với cân nặng đạt chuẩn luôn là mong muốn của tất cả các ông bố bà mẹ. Tuy nhiên, khi một đứa trẻ sơ sinh quá nặng cân sẽ là nỗi lo liên quan đến các vấn đề sức khỏe của cả mẹ và bé.

Mới đây, trường hợp một cháu bé sơ sinh ở Vĩnh Phúc có cân nặng 7,1kg đã khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng theo các bác sĩ thì sinh con to lo hơn mừng.

TS. Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, Giám đốc Phòng khám sản khoa Hoàng Gia cho biết, với trường hợp sinh con trên 7kg thì hiếm gặp nhưng không nên mừng vì bé cân nặng như thế. Những đứa trẻ to lớn trong thời kỳ thai nhi, ít nhiều đều có những ảnh hưởng không tốt cho quá trình sinh đẻ và trong một số trường hợp còn ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Nguy cơ tới sức khỏe thai phụ

Ảnh hưởng dễ thấy nhất là trẻ càng to lớn thì quá trình sinh đẻ bằng con đường tự nhiên càng khó khăn. Bản thân người mẹ khi sinh có nguy cơ sang chấn đường sinh dục, vết mổ, băng huyết sau sinh do đờ tử cung rất cao. Vì em bé to khi mang thai tử cung giãn ra lúc ấy tử cung không sao nhưng sau sinh nó khó co lại hơn người bình thường dễ dẫn đến hiện tượng đờ tử cung.

Mang thai trẻ sơ sinh nặng cân được các bác sĩ đánh giá là thai kỳ nguy cơ cao và chắc chắn trường hợp này bà mẹ tăng cân rất nhiều và nguy cơ đái tháo đường thai kỳ rất lớn, sau này nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 tăng lên so với người bình thường.

Bé trai ở Vĩnh Phúc là trẻ sơ sinh nặng cân nhất Việt Nam với cân nặng lúc chào đời 7,1kg

Nguy cơ tới thai nhi và sức khỏe của trẻ

Nguy cơ con to ở những bà mẹ có kèm theo tiểu đường đó là thai lưu. Bà mẹ và em bé bình thường khi siêu âm chỉ thấy thai to, không có bất thường nhưng tự nhiên bà mẹ thấy em bé không máy đạp khi khám thì phát hiện thai chết lưu đây là trường hợp bác sĩ vẫn gặp.

Nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh: Với những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ thì em bé sinh ra dễ hạ đường huyết do khi ở trong bụng mạch máu cung cấp cho em bé tốt nhưng khi em bé sinh ra nhu cầu năng lượng nhiều hơn nhưng bản thân của cháu khả năng bú chưa đạt nên nhu cầu của bé chưa đủ vì thế em bé dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết và em bé suy hô hấp để lại nhiều biến chứng. Theo BS. Trung, đây là lý do vì sao nhiều em bé sinh ra rất to trên 4 kg nhưng vẫn phải gửi đi các khoa sơ sinh để theo dõi thực tế to nhưng không khỏe.

Bản thân em bé có nguy cơ lúc sinh dễ bị sang chấn. Khi sinh thường nguy cơ kẹt vai do con to. Với em bé bình thường, lúc sinh đầu em bé ra thì thân hình ra theo dễ dàng nhưng em bé to thì tỷ lệ đầu và thân mình cũng to, vai to và đầu em bé ra rồi nhưng vai to không ra được dẫn đến kẹt vai lúc đó bác sĩ cố gắng đưa em bé ra lúc này chỉ là thủ thuật nguy cơ gãy xương đòn, ảnh hưởng thần kinh cánh tay có lúc cháu bé phải tập 3 – 6 tháng trời để phục hồi tay đó bình thường.

Sau khi sinh, những đứa trẻ có cân nặng quá cao có tỉ lệ mắc các bệnh như vàng da, cholesterol cao, tụt huyết áp... cao hơn nhiều so với những đứa trẻ có cân nặng bình thường.

Khi trưởng thành, những đứa trẻ này dễ mắc các bệnh như tiểu đường, cholesterol cao, bệnh tim mạch.

Một số lưu ý để thai phụ không sinh con "khổng lồ":

- Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, vận động thích hợp.

- Thường xuyên kiểm soát thể trọng trong thai kỳ và duy trì ở mức hợp lý.

- Chú ý đến sự phát triển của thai nhi trong bụng. Nếu phát hiện thai nhi phát triển quá nhanh, các thai phụ nên đến ngay bệnh viện làm xét nghiệm dung nạp glucose để tránh mắc bệnh tiểu đường thai kì.

Anh Cúc (TH)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/sinh-con-qua-to-noi-lo-nhieu-hon-mung-p44284.html