Singapore lại đóng cửa ngân hàng: Dấu chấm hết của thiên đường 'rửa tiền' châu Á?

Việc Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) thông báo đóng cửa Falcon – ngân hàng thứ hai của Thụy Sĩ do bị tình nghi liên quan đến hoạt động rửa tiền và “dính líu” tới Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB khiến giới “tinh hoa” chính trị Malaysia một lần nữa bị chia rẽ sâu sắc.

Trụ sở Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS).

Theo đại diện của MAS, ngân hàng Falcon thể hiện “sự thiếu hiểu biết” nghiêm trọng về quy định chống rửa tiền của MAS. Bởi vậy, Falcon buộc phải chấm dứt hoạt động tại Singapore cũng như bị phạt 3,1 triệu USD, do vi phạm luật chống rửa tiền và bị tình nghi dính líu tới vụ bê bối 1MDB. Ở một diễn biến khác, MAS cũng tuyên bố đã phạt ngân hàng DBS (Singapore) và UBS (Thụy Sĩ) vì những vi phạm tương tự. Được biết, DBS phải đóng tiền phạt 730.000 USD vì đã 10 lần vi phạm các quy định chống rửa tiền, trong khi UBS bị phạt 940.000 USD vì vi phạm quy định chống rửa tiền 13 lần.

Trước đó, hồi tháng 5/2016 MAS đã đóng cửa ngân hàng BSI thuộc Thụy Sĩ vì những vi phạm tương tự và đây là lần đầu tiên trong vòng 32 năm qua, MAS ra lệnh buộc một ngân hàng phải đóng cửa. Chính quyền Singapore bắt đầu cuộc điều tra về hoạt động rửa tiền liên quan đến vụ bê bối 1MDB gây “rúng động” cả chính trường Malaysia nói riêng và thế giới nói chung vào năm 2015. Giới truyền thông trước đó dẫn lời các điều tra viên của chính quyền Malaysia cho biết, đã phát hiện gần 700 triệu USD được chuyển qua các cơ quan chính phủ, ngân hàng và công ty có dính líu tới 1MDB và sau đó vào những tài khoản cá nhân của Thủ tướng Najib Razak. Sau những cuộc “tranh luận” căng thẳng, cuối cùng chính quyền Thủ tướng Najib đã phải thừa nhận số tiền này và khẳng định hoàng gia Ả Rập Saudi tặng số tiền này cho ông. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chưa rõ “tung tích” chính xác của số tiền trên.

Vụ bê bối tài chính có liên quan trực tiếp tới Thủ tướng Najib Razab đã phần nào gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới “bộ mặt” của Malaysia trên trường quốc tế. Sự tín nhiệm đối với giới chính trị Malaysia của người dân nói riêng và các nước trên thế giới nói chung cũng “bấp bênh” không kém gì sự lên xuống của đồng nội tệ. Điều này làm giảm cơ hội tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài và sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai của Malaysia. Ngoài ra, tình hình bất ổn về chính trường trong nước khiến giới DN nước ngoài tỏ ra quan ngại khi muốn đầu tư vào Malaysia. Bởi, họ muốn tìm những khu vực đầu tư an toàn mà không để hoạt động tội phạm làm gián đoạn công việc kinh doanh.

Ngoài Singapore và Malaysia, hiện trạng này cũng tập trung nhiều tại Trung Quốc và một số quốc gia khác. Điển hình như vụ 6 lãnh đạo Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) tại Tây Ban Nha bị bắt giữ do nghi ngờ trợ giúp hoạt động rửa tiền trên khắp châu Âu hồi tháng 2/2016. Vài năm qua, các cơ quan quản lý, giám sát ngân hàng đã có nhiều hành động thể hiện quyết tâm chống lại hoạt động "rửa tiền" đang dần trở nên chuyên nghiệp trên khắp thế giới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: liệu cách xử lý của MAS có đủ mạnh để khiến các ngân hàng “chùn tay” và đặt dấu chấm hết cho thiên đường “rửa tiền” tại châu Á hay không.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dau-cham-het-cua-thien-duong-rua-tien-chau-a-252373.html