Sika và sáng kiến mới góp phần giảm phát thải cho ngành Xi măng

p dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không những giúp các doanh nghiệp xi măng cải tiến chất lượng sản phẩm mà còn góp phần giảm phát thải hiệu quả.

Thách thức của ngành Xi măng

Theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, các dây chuyền công nghệ sản xuất đã đầu tư hay đầu tư mới đều phải giảm phát thải xuống từ 650 kg CO2/tấn xi măng trở xuống vào năm 2030. Áp lực giảm phát thải khí nhà kính tất yếu sẽ đặt ra những thách thức cho ngành trong thời gian tới.

Thứ nhất, theo báo cáo năm 2021 do Imperial College (Đại học Hoàng Gia - Vương Quốc Anh) phát hành, mỗi tấn clinker phát thải đến 0,6 tấn CO2 trong quá trình nung luyện. Thứ hai, ngành Xi măng đóng góp đến 7 - 8% lượng khí thải CO2 do con người tạo ra trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm tài nguyên thiên nhiên như sự thiếu hụt cát hiện nay cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung sản xuất xi măng. Vì thế việc phát triển các dự án thân thiện với môi trường đang và sẽ tiếp tục là một bài toán đối với ngành Xây dựng.

Xi măng đóng vai trò quan trọng trong ngành Xây dựng nhưng lại thải ra lượng lớn khí CO2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Xi măng đóng vai trò quan trọng trong ngành Xây dựng nhưng lại thải ra lượng lớn khí CO2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Trước những thách thức đó, giải pháp giảm hàm lượng clinker trong xi măng được xem là cách làm giảm lượng CO2 lớn nhất đối với ngành này. Trong đó, việc thay thế clinker bằng vật liệu xi măng bổ sung (SCM) như sử dụng tro bay và xỉ hạt lò cao nghiền mịn (GBFS) là cách phổ biến giúp tối ưu hóa khối lượng hồ dán trong bê tông.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng còn tồn đọng nhiều thách thức. Tại Việt Nam có hơn 25 nhà máy nhiệt điện với hơn 13 triệu tấn tro bay được sản xuất. Nhưng xi măng sử dụng tro bay có thể khiến chất lượng thành phẩm không đồng đều. Ngoài ra, dù có 2 triệu tấn xỉ lò hạt được sản xuất hàng năm từ 30 nhà máy, nguồn cung xỉ lò dạng hạt vẫn không phải là lựa chọn hàng đầu do chi phí bị phụ thuộc vào sự tăng, giảm chi phí sản xuất thép.

Chuyên gia Sika, ông Vasudevan Marugesu - Giám đốc phòng R&D tại Sika chia sẻ: “Một trong những thách thức lớn để xanh hóa ngành Xây dựng là việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế vừa đảm bảo các hiệu suất kỹ thuật, vừa đảm bảo tính kinh tế. Nhưng vốn đầu tư lớn cho việc nghiên cứu cũng là một trong những trở ngại khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nói chung và doanh nghiệp VLXD nói riêng khó đạt được mục tiêu này”.

Sika và giải pháp xanh cho ngành Xi măng Việt

Để giải bài toán khó này, Sika Việt Nam đã giới thiệu 3 giải pháp xanh cho ngành Xi măng giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm phát thải CO2. Nổi bật nhất là công nghệ reCO2ver giúp tái chế bê tông với chất lượng hoàn hảo như bê tông mới.

Công nghệ ReCO2ver giúp giảm phát thải, tái chế bê tông cũ, hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn.

Công nghệ ReCO2ver giúp giảm phát thải, tái chế bê tông cũ, hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn.

Công nghệ reCO2ver của Sika giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng chất thải bê tông để hấp thụ CO2, nhờ đó giảm lượng phát thải CO2 hiệu quả. Giải pháp này còn góp phần tiết kiệm 40% lượng nước trong quá trình sản xuất, giảm 25% lượng xi măng mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định. Vượt kỳ vọng, reCO2ver đang dần hiện thực hóa mong muốn của Sika khi có khả năng tái chế đến 90% bê tông cũ, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, giúp tối ưu hóa không có chất thải nào trong quá trình sản xuất và tái chế bê tông.

Bên cạnh đó, Sika còn có giải pháp Giảm xi măng và nước với sản phẩm Sika ViscoCrete giúp tiết kiệm nước và giảm lượng khí thải CO2 tới 65 triệu tấn. Cuối cùng là giải pháp Bê tông bền vững giúp kéo dài tuổi thọ bê tông, từ đó giảm nhu cầu khai thác tài nguyên và quy trình xây dựng mới.

Cụ thể, sản phẩm Sikagard-5500 không những có khả năng che phủ vết nứt rộng đến >2.5mm, giúp tiết kiệm vật tư, tiết kiệm thời gian thi công đến 20% không cần lớp sơn trung gian; mà còn giảm phát thải carbon lên tới 30% và trực tiếp đóng góp vào việc đạt được 2 điểm cho chứng chỉ công trình xanh LEED.

Đại diện Sika chia sẻ: “Với Sika, Net Zero không những là mục tiêu để các doanh nghiệp cùng nhau hạn chế phát thải, mà còn là một cơ hội để thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững. Với những giải pháp vượt kỳ vọng như reCO2ver, Sika có thể hỗ trợ thêm chỉ số xanh của các đơn vị sản xuất, đồng thời đồng hành cùng Chính phủ trên hành trình hiện thực hóa cam kết bền vững”.

Hoàng Hiệp

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/sika-va-sang-kien-moi-gop-phan-giam-phat-thai-cho-nganh-xi-mang-375468.html