Siêu thị chạy đua công nghệ tính tiền không quầy thu ngân

Các chuỗi siêu thị ở châu Âu đang thử nghiệm công nghệ tính tiền không cần quầy thu ngân bằng cách sử dụng camera theo dõi và nhận diện những món hàng mà khách lấy từ các kệ hàng.

Một người đàn ông đi vào gian hàng bán kẹo bánh ở một siêu thị thực phẩm của Anh vào tháng trước, rồi lấy một thanh chocolate và bỏ vào túi quần. Thoạt nhìn, cảnh tượng này giống như một vụ ăn cắp nhưng sự thật không phải như vậy vì các camara giám sát đã theo dõi chuyển động cơ thể của vị khách hàng này và những sản phẩm mà ông ấy lấy khỏi kệ hàng rồi tự động tính tiền và trừ vào tài khoản của ông.

Đó là cuộc trình diễn công nghệ gần đây của Tesco, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất thế giới.

Tesco cho biết công nghệ tính tiền dựa vào camera giám sát là một trong những ý tưởng lớn của chuỗi siêu thị này nhằm giúp hoạt động mua sắm của khách hàng ở siêu thị của Tesco trở nên tiện lợi hơn. Công nghệ mà Tesco đang thử nghiệm do công ty khởi nghiệp Trigo Vision (Israel) cung cấp.

Tesco là một trong những chuỗi bán lẻ đang vận hành thử nghiệm các siêu thị không quầy thu ngân bằng cách sử dụng camera theo dõi những sản phẩm mà khách hàng lấy khỏi kệ hàng rồi sau đó, tự động tính tiền khi khách hàng bước ra khỏi cửa.

Các chuỗi bán lẻ này hy vọng công nghệ tính tiền mới, tương tự như công nghệ thanh toán không quầy thu ngân mà Amazon tiên phong áp dụng tại các cửa hàng Amazon Go ở Mỹ hồi năm ngoái, sẽ cho phép họ cắt giảm chi phí và giảm tình trạng xếp hàng dài chờ tính tiền ở quầy thu ngân.

Các chuỗi siêu thị thực phẩm ở Anh thường tiên phong sử dụng công nghệ mới như đặt mua trực tuyến và giao hàng tận nơi và các ki-ốt với màn hình cảm ứng giúp khách hàng tự thanh toán. Sau đó, các đối thủ ở Mỹ đã bắt chước các công nghệ này.

Chuỗi siêu thị Tesco đang thử nghiệm siêu thị áp dụng công nghệ tính tiền mới dựa vào các camera giám sát gắn trên trần. Khách hàng sẽ được nhận dạng sau khi quét một ứng dụng hoặc thẻ khách hàng trung thành ở lối vào siêu thị. Ảnh: Wall Street Journal

Những nỗ lực áp dụng công nghệ tính tiền mới của Tesco chắc chắn sẽ được theo dõi kỹ càng ở Mỹ.

“Mọi người ở Mỹ chắc chắn sẽ lưu ý đến thử nghiệm của Tesco bởi vì ngoài Amazon, Tesco là nhà bán lẻ lớn đang thử nghiệm khái niệm tính tiền không quầy thu ngân”, Chris Walton, người sáng lập hãng tư vấn Red Archer Retail, cựu phó chủ tịch của chuỗi siêu thị Target (Mỹ), nói.

Tesco có kế hoạch khai trương mô hình siêu thị theo phong cách tự phục vụ “lấy hàng và ra về” (pick and go) vào năm 2020 sau khi thử nghiệm mô hình này với các nhân viên. Mục tiêu cuối cùng là Tesco là áp dụng công nghệ tính tiền dựa vào camera giám sát cho các siêu thị thực phẩm nhỏ.

Tesco đang thử nghiệm mô hình siêu thị “pick and go” ở một siêu thị có diện tích 370m2 với 150 camera được gắn trên trần, tạo ra tầm quan sát không gian ba chiều các sản phẩm khi chúng được khách lấy khỏi các kệ hàng. Hệ thống giám sát của Tesco nhận diện khách ngay sau khi họ bước vào siêu thị. Nó cũng xác định định được một nhóm sản phẩm khi khách cầm chúng đứng trước một màn hình ở siêu thị để tính tổng tiền mà khách phải thanh toán. Tesco đang cân nhắc nhận diện khách thông qua một ứng dụng hoặc thẻ khách hàng trung thành khi họ bước vào một siêu thị áp dụng công nghệ tính tiền mới, rồi sau đó tự động tính tiền thông qua ứng dụng này khi khách rời siêu thị.

Tesco nói với các nhà đầu tư rằng hệ thống giám sát và tính tiền mới chỉ tốn kém chi phí ở mức 1/10 so với chi phí của các đối thủ, một phần là nhờ Tesco chỉ sử dụng các camera giám sát. Các cửa hàng không quầy thu ngân Amazon Go sử dụng vừa camera vừa cảm biến để xác định những món hàng mà khách lấy ra khỏi kệ hàng.

Chuỗi siêu thị khổng lồ Carrefour (Pháp) cũng đang thử nghiệm công nghệ giám sát bằng camera ở ít nhất hai siêu thị để giúp tự động theo dõi những món hàng mà khách lấy khỏi kệ hàng và tự động tính tiền khi họ rời siêu thị.

Công ty khởi nghiệp Qopius Technology (Pháp) đang cung cấp cho Carrefour các camera giám sát và phần mềm giúp đọc các nhãn trên sản phẩm.

Vasco Portugal, người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Sensei Tech (Bồ Đào Nha), cho biết trước đây, rất khó để bán các công nghệ nhận dạng sản phẩm cho các nhà bán lẻ nhưng giờ đây, tình hình đã thay đổi sau khi Amazon khai trương cửa hàng không quầy thu ngân Amazon Go vào năm ngoái. “Công nghệ này dường như đang gây sốt và nó có vẻ kỳ diệu” anh này nói và cho biết công ty mình chứng kiến rất nhiều quan tâm đến công nghệ này sau khi Amazon Go ra mắt.

Sensei Tech đang bán trọn bộ hệ thống giám sát để theo dõi và nhận diện sản phẩm cho các siêu thị với giá hàng chục ngàn đô la Mỹ và một khoản phí quản lý hàng tháng. Công ty này cho biết có 3 chuỗi bán lẻ ở châu Á đang có kế hoạch triển khai hệ thống do Sensei Tech cung cấp trong năm nay.

Shufersal, chuỗi siêu thị lớn nhất Israel, cũng sẽ triển khai công nghệ tương tự ở nếu kết quả áp dụng thử nghiệm cho thấy hiệu quả.

“Khái niệm xếp hàng chờ tính tiền sẽ biến mất”, người phát ngôn của Shufersal nói khi đề cập đến viễn cảnh công nghệ tính tiền mới được triển khai hàng loạt ở các siêu thị của Shufersal.

Tuy nhiên, các nhà bán lẻ có thể đối mặt với một số thách thức của công nghệ mới. Khách hàng có thể phản đối việc di chuyển của họ bị theo dõi tại các siêu thị. Dù vậy, Tesco cho biết hệ thống giám sát mà siêu thị này đang áp dụng thử nghiệm không nhận diện khuôn mặt. Hơn nữa, công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ gây tốn kém chi phí lớn nếu được triển khai ở các siêu thị lớn.

Các chuỗi siêu thị thực phẩm ở Mỹ thường chậm đón nhận công nghệ mới so với các chuỗi siêu thị thực phẩm châu Âu vì thị trường Mỹ kém cạnh tranh hơn, theo nhận định của Bruno Monteyne, nhà phân tích ở công ty nghiên cứu Bernstein Research.

Dù Amazon Go thu hút sự quan tâm sau khi ra mắt, các nhà bán lẻ Mỹ đang đối mặt với các lo ngại về việc mô hình cửa hàng này sẽ gạt bỏ những người mua sắm có thu nhập thấp vốn thường thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Các nhà làm luật ở nhiều thành phố bao gồm San Francisco đang cân nhắc ban hành luật cấm các cửa hàng không cho phép thanh toán bằng tiền mặt. Hơn nữa, các nhà bán lẻ Mỹ vận hành các siêu thị có quy mô lớn nên việc theo dõi hàng chục ngàn sản phẩm sẽ rất tốn kém.

Theo Wall Street Journal

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291189/sieu-thi-chay-dua-cong-nghe-tinh-tien-khong-quay-thu-ngan.html