Siêu nghĩa trang lấn rừng Tam Đảo: Quan niệm sai?

Cần xác định vị trí xây dựng nghĩa trang cho phù hợp nhằm tránh những hệ lụy có thể xảy ra, xác định mục tiêu phải phát triển bền vững.

Đó là quan điểm của PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, với Đất Việt về dự án công viên nghĩa trang của tỉnh Vĩnh Phúc.

Phải xóa bỏ quan niệm cái gì cũng có

PV:- Mới đây, liên quan đến chủ trương lấn rừng Tam Đảo để xây công viên nghĩa trang, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc thêm một lần khẳng định sau khi dừng dự án để xem xét lại thì đây là công trình vẫn cần thiết phải được xây dựng. Với lý do, hiện nay tỉnh chưa có lò hóa thân hoàn vũ, phải mang sang tỉnh khác, trong khi tỉnh có đủ điều kiện làm. Ngoài ra, Vĩnh Phúc chỉ có ba huyện đồng bằng nên không thể làm ở các huyện này.

Là người đã từng nghiên cứu về dự án, quan điểm của bà ra sao trước những giải thích này? Xin bà phân tích cụ thể.

PGS.TS Bùi Thị An:- Tất nhiên, việc lo chỗ chôn cất cho người chết là việc làm nhân văn, nhưng cần xác định vị trí xây dựng nghĩa trang cho phù hợp nhằm tránh những hệ lụy có thể xảy ra, ảnh hưởng tới môi trường và các yếu tố kinh tế, xã hội khác.

Đặc biệt, liên quan đến đất rừng, mà rừng vô cùng quý, là lá phổi đối với một đất nước nói chung, với tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Cho nên, phá rừng sẽ đối diện với các hệ lụy ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, khí thải nhà kính, nghĩa là liên quan đến an sinh xã hội, đời sống, môi trường sống, sức khỏe của dân. Mà sức khỏe của dân thì chính là sự nghèo, gia đình có người ốm là khánh kiệt.

Vì thế, các vị lãnh đạo hãy công khai báo cáo chính thức liên quan đến dự án, chịu trách nhiệm trước dân, trước luật pháp, rằng việc xây dựng nghĩa trang đó không ảnh hưởng đến đời sống, môi trường, xã hội.

Đề nghị ai là người chịu trách nhiệm về quy hoạch, Bộ Xây dựng phải trả lời và chỉ rõ.

Xây nghĩa trang tại rừng phòng hộ ở núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo.

Tôi thiết nghĩ, Vĩnh Phúc ngay gần Phú Thọ, nếu tận dụng được của nhau cơ sở hạ tầng nào thì cũng nên tận dụng, đừng có phá rừng, vì phá đi thì không lấy lại được, trồng rừng rất khó.

Đề nghị các lãnh đạo cân nhắc một cách kỹ lưỡng về chuyện này, những cái đã quyết định rồi sau hối hận không kịp.

Riêng về lý do phải mang đi hỏa thiêu ở tỉnh khác thì tôi thấy rằng hiện nay cũng nhiều tỉnh phải làm, chứ không riêng Vĩnh Phúc. Chả lẽ, địa phương nào có cái gì, địa phương khác cũng đua theo phải có. Bây giờ xã nào cũng có chợ, thôn nào cũng có chợ, cuối cùng, hiệu quả của chợ lớn rất kém, nên bây giờ phải tính toán dựa theo hiệu quả của đất nước nói chung, hiệu quả của vùng nói riêng.

Tôi đề nghị, phải xem xét, cân nhắc thật kỹ quy hoạch sao cho hợp lý, làm thế nào sao cho hiệu quả nhất của từng vùng, từng địa phương, từng tỉnh. Rừng phải là rừng, xác định rừng là sự sống, không đơn giản là vài cái cây, mà nó còn là rất nhiều vấn đề, chim muông, thú, biến đổi khí hậu, tất cả mọi thứ. Phải xóa bỏ đi ngay quan niệm tỉnh nào cũng phải có sân bay, sân golf, nhà hỏa thiêu.

Từ đó phân tích mặt lợi, hại và những tác động xấu có thể xảy ra từ dự án. Nếu dự án có lợi cho nhà nước, người dân, doanh nghiệp, mà không ảnh hưởng tới môi trường, môi sinh mới nên thực hiện. Còn nếu không, đến lúc chúng ta có muốn hoàn trả lại hiện trạng như ban đầu thì rất khó vì khi đó, hệ lụy đã xảy ra rồi.

Do đó, nếu phải đổi rừng, đất rừng thì công bố công khai, việc công khai này để hậu thế chúng ta không phải ân hận. Hơn nữa, những người ký quyết định dự án cũng không phải áy náy gì, sai thì chịu trách nhiệm.

PV:- Trước việc các chuyên gia, người dân phản đối vì dự án xây dựng nghĩa trang lấn vào rừng phòng hộ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đã lường trước được, nên đối chiếu với quy định của Bộ NN-PTNT, nhận thấy khu vực làm nghĩa trang không đủ điều kiện, tiêu chí để quy định là rừng phòng hộ.

Chính vì thế hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc đang làm các thủ tục để điều chỉnh quy hoạch khu vực này ra khỏi diện tích rừng phòng hộ để phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.

Cách làm trên của Vĩnh Phúc về nguyên tắc quy hoạch có đúng hay không thưa bà? Nếu Vĩnh Phúc thực hiện như vậy, liệu có khả năng xảy ra những hệ lụy xấu khi các tỉnh khác cũng sẽ hành động tương tự để lấy được dự án hay không? Theo bà, trong trường hợp này, Bộ Nông nghiệp nên ứng xử ra sao?

PGS.TS Bùi Thị An:- Bộ NN-PTNT phải cho ý kiến về vấn đề này, có đồng ý với nhận định và đề nghị chuyển đổi, điều chỉnh quy hoạch của Vĩnh Phúc không. Đề nghị Bộ phải trả lời chính thức bằng văn bản, dựa theo quy hoạch, nói rõ cho chuyên gia, cho dân biết, để sau này còn chịu trách nhiệm trước dân.

Thực tế, nếu những người lãnh đạo có tầm, có tâm, có bản lĩnh, trong quá trình làm phát hiện có sai sót, sơ suất, họ sẽ tiếp thu, lắng nghe, điều chỉnh lại, theo tôi đó mới là lãnh đạo tầm cao.

Bây giờ cần đổi mới tư duy cần phải nhận ra cái sai và điều chỉnh lại cho đúng, còn quy hoạch sai mà không sửa, cố tình làm theo cái sai là sai lầm.

Việc đầu tiên là phải xem lại quy hoạch cụ thể là như thế nào, việc có nên làm đài hỏa thiêu, phải căn cứ số dân, xem quy hoạch vùng. Không thể xuất hiện tình trạng cục bộ địa phương, cái gì mình cũng phải có, hàng xóm có mình cũng phải có, trong khi không cần thiết.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sieu-nghia-trang-lan-rung-tam-dao-quan-niem-sai-3335647/