Siêu máy bơm bất lực, máy bơm thường thế chỗ

TP.HCM đã huy động 4 máy bơm đến bờ sông Sài Gòn trong lúc siêu máy bơm chống ngập cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh tạm ngưng vận hành.

Cùng với 2 máy bơm hiện hữu ở khu vực bờ sông Sài Gòn có tổng công suất 4.700m3/giờ, công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM cũng huy động thêm 2 máy bơm di động có tổng công suất 1.000m3/giờ, báo Dân trí đưa tin.

4 máy bơm này sẽ thường trực để sẵn sàng bơm chống ngập cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh khi xảy ra mưa lớn, cho đến khi siêu máy bơm hoạt động trở lại.

Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM cho biết, trong thời gian này, công ty sẽ tập trung lực lượng trực mưa, vớt rác và phân luồng giao thông để đảm bảo người dân được di chuyển thuận lợi.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập sâu trong cơn mưa lớn vào trưa 17/10 dù có máy bơm khủng

Trước đây, công ty này cũng vận hành các máy bơm hiện hữu đặt ở vị trí gần siêu máy bơm khi trời mưa lớn. Tuy nhiên, trong thời gian vận hành siêu máy bơm thì các máy bơm này ngừng hoạt động.

Đến thời điểm này, siêu máy bơm đang phải tạm ngưng vận hành do gặp sự cố. Trước đó, ngày 17/10, trận mưa kéo dài chưa đến 1h, vũ lượng chỉ 40mm nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh lại ngập sâu, đó là điều bất thường.

Sau khi Công ty thoát nước đô thị TP.HCM phối hợp với Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (chủ đầu tư máy bơm) kiểm tra, thì phát hiện toàn bộ tuyến cống hai bên đường bị tắc nghẽn, hệ thống máy bơm khủng không hút được nước gây ngập.

Mở 4 nắp hố ga trước số nhà 59 Nguyễn Hữu Cảnh (P.22, Q.Bình Thạnh), các công nhân phát hiện rất nhiều chai lọ, bao bì, mút xốp bít kín miệng cống (mỗi hố gần 1 mét khối rác).

Đặc biệt, hố ga tại cổng 90 Nguyễn Hữu Cảnh dẫn vào hầm bơm, phát hiện một lượng lớn chất bột màu trắng lấp đầy miệng cống dài 100m. Công ty đã kiểm tra mẫu và kết luận là chất bentonite (gặp nước sẽ đông cứng như xi măng) gây tắc cống.

Liên quan đến việc TP.HCM thuê máy bơm khủng để chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, chuyên gia thủy lợi, kỹ sư cao cấp Phan Khánh -Hội Khoa học Thủy lợi TP.HCM cho rằng: "Việc làm trước tiên và quyết định nhất là phải khai thông dòng chảy, cống bị tắc phải thông ngay.

Việc cấp bách khác là phải đo đạc lập lại bản đồ độ cao thành phố. Bao nhiêu năm, quản lý yếu kém, đào chỗ này, lấp chỗ kia mà vẫn sử dụng bản đồ cũ để thiết kế hệ thống thoát nước là không ổn.

Khi đã có bản đồ độ cao mới trong tay các nhà chuyên môn mới nghiên cứu chia ra nhiều phân khu để thiết kế hệ thống thoát nước chống úng theo nguyên tắc phân tán tối đa có thể một cách căn cơ chứ không phải đoán mò.

Khi đã chia được phân khu, việc thoát nước nên bằng nhiều máy bơm nhỏ, có thể đặt trong nhà dân việc chống ngập sẽ cực kỳ hiệu quả mà chưa nói đến tiền trả cho dân bảo quản và vận hành chắc chắn rất rẻ.

Khi ấy hệ thống đê bao và cống ngăn triều cũng đã hoàn chỉnh, việc chống ngập lúc ấy sẽ không còn là vấn đề nóng nữa".

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sieu-may-bom-bat-luc-may-bom-thuong-the-cho-3345613/