"Siêu dự án" vẫn là một ẩn số lớn

"Siêu dự án (DA)" Nhà máy bột giấy Phương Nam (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) có vốn đầu tư lên đến gần 2 ngàn tỉ đồng - từ nguồn vốn vay nước ngoài do Nhà nước bảo lãnh.

Các kiện máy móc thiết bị nằm phơi ngoài nắng hằng năm qua. (LĐ) - DA được khởi công đầu năm 2006, theo kế hoạch đã phải hoàn thành, đưa vào hoạt động tháng 9.2007; thế nhưng đến nay thời hạn đặt ra đã trôi qua 2 năm, mà không ai dám nói công trình khi nào hoàn thành. Trong khi hàng ngàn tỉ đồng thiết bị, nguyên liệu đang bị phơi nắng, đội mưa... Niềm hy vọng biến thành nợ nần Như Lao Động đã đưa tin, Nhà máy bột giấy Phương Nam là DA công nghiệp lớn nhất Đồng Tháp Mười, nó tác động đến hàng chục ngàn hécta đất, khoảng 30 ngàn lao động... DA do Cty đầu tư phát triển GTVT (Tracodi, thuộc Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 6 - Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Sau khi DA được phê duyệt, Tracodi được chuyển giao về trực thuộc UBND tỉnh Long An. Lúc ấy, những nhà lãnh đạo Long An đã hồ hởi khi được Bộ GTVT "tặng" 1 doanh nghiệp mạnh là Cty Tracodi. DA Nhà máy bột giấy Phương Nam được quảng bá sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới, sản xuất ra bột giấy có chất lượng tương đương tiêu chuẩn EU... Với DA này, vùng Đồng Tháp Mười sẽ đi vào công nghiệp hóa; 20.000ha đất nông nghiệp sẽ chuyển sang trồng cây công nghiệp; 30 ngàn nông dân sẽ trở thành công nhân... Thế nhưng, sau gần 4 năm triển khai, những điều mà DA này đem đến cho người dân Long An lại là... khoản nợ hàng chục tỉ đồng của hàng ngàn hộ nông dân, vì nghe theo tiếng gọi của DA, lao vào trồng đay vụ mùa năm 2007, để cuối cùng phải bán đổ bán tháo đay nguyên liệu vì nhà máy còn "trùm mền". Những điều trông thấy Trở lại công trình xây dựng Nhà máy bột giấy Phương Nam những ngày này, chúng tôi cảm thấy xót xa trước cảnh tài sản có giá trị hàng ngàn tỉ đồng đang bị phơi nắng, đội mưa. Các công trình xây dựng nằm trơ cốt thép đã gỉ sét. Bao bì các cấu kiện máy móc bị thủng rách trơ cả ruột. Hàng ngàn tấn đay nguyên liệu (mua từ năm 2007) để trực tiếp ngoài trời sắp biến thành... bùn. Ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước - cho biết, năm nay diện tích đất trồng đay của xã chỉ còn 250ha, còn lại chuyển sang trồng lúa. Năm 2007, khi tỉnh phát động trồng đay bán cho nhà máy, cả xã Thạnh Phước trồng hơn 3.000ha đay, cuối cùng nhà nông lỗ 5 - 7 triệu đồng/ha, do nhà máy không mua hoặc mua giá rẻ. Theo tính toán của Phòng Kinh tế huyện Thạnh Hóa, giá đay tươi phải từ 500đ/kg trở lên người trồng mới có lãi. Trong khi - theo tính toán của Cty Tracodi - nếu giá đay tươi từ 350đ/kg trở lên thì nhà máy không thể cân đối được. Có phải vì không giải được bài toán hiệu quả, mà chủ đầu tư "siêu DA" này đã được chuyển từ Tracodi sang Tổng Cty Giấy. Ông Trần Văn Truyền - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - cho biết, DA đang thực hiện kiểm toán, bàn giao chủ đầu tư, họ hứa với huyện đến năm 2010 sẽ đưa nhà máy vào hoạt động. Ông Nguyễn Thanh Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết, Chính phủ đã có quyết định chuyển giao chủ đầu tư DA Nhà máy bột giấy Phương Nam sang Tổng Cty Giấy VN vào đầu tháng 6.2009. Tổng Cty Giấy VN sẽ có "bửu bối" gì để giải bài toán mà Tracodi không giải được. DA Nhà máy bột giấy Phương Nam vẫn là một ẩn số! Kỳ Quan

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/sieu-du-an-van-la-mot-an-so-lon/20097/148842.laodong