Siết thực phẩm bẩn: “Gọng kìm” yếu

Thông tư 30 của Bộ Y tế được coi là một "gọng kìm” nhằm siết chặt hơn vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vốn đã bị thả lỏng một thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn hoài nghi về sức mạnh cũng như hiệu quả của "gọng kìm” này. Nhiều người hình dung thông tư này tương tự như quyết định bắt buộc thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 tiếng rất thiếu thực tiễn đã bị dừng cách đây không lâu.

Là ngày thứ hai Thông tư 30 của Bộ Y tế có hiệu lực nhưng

trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, thông tư dường như chưa được thực thi

Ảnh: Hoàng Long

Thông tư 30 có khả thi?

Hôm nay là ngày thứ 2 Thông tư 30 của Bộ Y tế chính thức có hiệu lực. Thế nhưng, đi dọc nhiều tuyến phố ở Hà Nội, vẫn thấy, tính thực thi hầu như không được phát huy. Dọc trên các tuyến phố Vũ Trọng Phụng, Cự Lộc…và đặc biệt là trong các khu dân cư, ngóc ngách của Hà Nội, người ta vẫn chứng kiến các quầy bán quà sáng như xôi, bánh chưng rán, cháo sườn, bún riêu… mà không hề có các dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, hay tủ kính bảo quản đồ ăn như trong quy định của Thông tư 30.

Cũng là điều dễ hiểu bởi, ngay cả trước và sau thời điểm thực thi Thông tư này của Bộ Y tế, nhiều người bán hàng rong trên đường phố, vỉa hè ở các tuyến phố thủ đô thậm chí còn khẳng định, chưa nghe gì đến thông tư này.

Chỉ gánh trứng vịt lộn, trứng gà ngải cứu với dụng cụ mưu sinh chủ yếu là chiếc bếp than và một chiếc nồi nhôm cũ kỹ, chị Bùi Thị Thịnh (ở Phú Thọ) cho biết, chị lên Hà Nội mưu sinh đã hơn 4 năm, và 4 năm qua, nhờ những dụng cụ thô sơ này mà chị có thể chăm sóc hai đứa con ở quê ăn học. Khi được hỏi về Thông tư 30 của Bộ Y tế, chị Thịnh lo lắng: "Với đôi quang gánh đơn sơ này, làm sao tôi gánh được cả cái tủ kính đi khắp nơi được”. Chị Thịnh cũng cho biết thêm, giờ được hỏi về thông tư chị mới nghe, trước đó, cũng chưa được ai thông báo về vấn đề này.

Quán phở sáng của ông Trần Văn Minh ở phố Trung Kính (Hà Nội) thì khác, đã đáp ứng được tiêu chí có tủ kính, có ngăn để thức ăn sống và thức ăn chín riêng biệt, nhưng khi làm phở cho khách, ông Minh lại chưa dùng găng tay vệ sinh. Ông cũng cho hay, những quán ăn vỉa hè, đặc biệt là các gánh hàng rong thực hiện hàng loạt các quy định như ở thông tư 30 là rất khó. "Đáp ứng được tiêu chí này thì kiểu gì cũng sót tiêu chí khác”.

Quản lý thức ăn đường phố - Khó nhưng vẫn phải làm

Ảnh: Hoàng Long

Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội hiện có khoảng 47.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, có đến hơn 26.000 cơ sở dịch vụ ăn uống đường phố nhưng mới chỉ khoảng 16.138 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Như vậy, vẫn còn hàng ngàn cơ sở không đáp ứng được yêu cầu này. Đó còn chưa kể hàng loạt các mẹt hàng, gánh hàng rong phát sinh mà chưa thể thống kê hết được ở từng ngõ ngách, khu dân cư trên địa bàn TP. Hà Nội.

Đặc biệt, nhiều ý kiến hoài nghi về tính thực thi của Thông tư này bởi, từ lâu, người tiêu dùng Việt Nam nói chung, người tiêu dùng Hà Nội nói riêng đã có thói quen ăn uống theo kiểu thuận tiện, ra ngõ gặp quán là ăn, không cần biết xem quán đó có đáp ứng các tiêu chí về ATVSTP hay không. Chính bởi vậy, đây cũng là một trong những yếu tố tiếp tay cho sự nở rộ của các quán hàng ăn vỉa hè, đường phố. Và với số lượng hàng ăn đường phố lên tới con số hàng chục ngàn, trong khi lực lượng quản lý lại mỏng, thêm một yếu tố cho thấy khả năng thực thi Thông tư 30 là rất yếu. Giới chuyên gia nhận định, việc Bộ Y tế "tuyên chiến” với thức ăn đường phố là mong mỏi của hầu hết người tiêu dùng, thế nhưng chưa biết những quy định này gây khó cho người kinh doanh tới đâu song, chỉ nhìn qua cũng thấy, cơ quan quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kiểm soát.

Bỏ ngỏ quá lâu

Có thể thấy, thời gian qua, vấn đề ATVSTP đã được các nhà quản lý tích cực vào cuộc nhằm siết chặt hơn một vấn đề đã và đang trở thành nỗi bức xúc của dư luận trong thời gian qua. Trước đó, hồi đầu tháng 1, dư luận đã chứng kiến sự vào cuộc của hai Bộ trưởng: Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát các điểm kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. Và trung tuần tháng 1, 8 đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Y tế chủ trì đã chính thức tiến hành thanh tra, kiểm tra vấn đề ATVSTP tại 24 tỉnh, thành trên toàn quốc… Và nay là sự ra đời của Thông tư 30 về vấn đề siết chặt hơn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Nhiều ý kiến cho rằng, sự vào cuộc liên tiếp và mạnh mẽ của cơ quan chức trách liên quan đến vấn đề ATVSTP thời gian gần đây cho thấy, sự an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng đã được quan tâm hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận, cách quản lý điều hành của các nhà làm quản lý lâu nay vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến một thời gian dài, người tiêu dùng phải sống chung với thực trạng "thực phẩm bẩn”.

TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, gần đây, vấn đề ATVSTP đã được quan tâm, chú trọng hơn, nhưng cũng cần phải thừa nhận rằng, việc chúng ta quá bỏ ngỏ vấn đề ATVSTP mới dẫn đến thực trạng như ngày hôm nay.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=60344&menu=1366&style=1