Siết tải trọng xe, hàng ùn tắc ở cảng

(TBKTSG) Sau gần ba tháng siết chặt việc kiểm soát tải trọng xe, tình trạng xe chở quá tải đã giảm hẳn. Tuy nhiên, kéo theo đó là không ít hệ lụy, đặc biệt là ảnh hưởng dây chuyền đến việc vận chuyển hàng hóa tại cảng.

Lê Anh

Cảng Hoàng Diệu đang tồn đọng gần 120.000 tấn hàng một phần do xe không dám chở quá tải như trước. Ảnh laodong.com.vn

Ảnh hưởng dây chuyền

Báo cáo mới nhất gửi về Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho thấy, kể từ khi thực hiện siết chặt tải trọng xe trên đường bộ từ ngày 1-4, tình trạng hàng hóa ùn tắc đã xảy ra tại các cảng trên cả nước. Khu vực cảng Hải Phòng là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, hàng hóa xếp trong cảng tăng lên đến 40%, trong đó chủ yếu là các mặt hàng sắt, thép, tôn.

Cụ thể, cảng Hoàng Diệu đang tồn đọng gần 120.000 tấn hàng, trong khi lượng tồn đọng trước ngày 1-4 chỉ là 45.700 tấn. Tại Xí nghiệp Tân Cảng, trong hai tháng 4 và 5, lượng hàng container tồn đọng luôn ở mức 12.000-14.000 TEU, trong khi sức chứa của xí nghiệp chỉ từ 8.000-9.000 TEU... Hiện nay, việc giải phóng hàng hóa tại cảng rất chậm vì thiếu xe tải để bốc, dỡ hàng hóa giải phóng tàu do các doanh nghiệp thiếu xe để quay vòng.

Các doanh nghiệp kỳ vọng vận tải đường thủy sẽ là giải pháp cho doanh nghiệp trong bối cảnh mắt xích đường bộ đang được lập lại trật tự cả về giá cước và thị trường vận tải.

Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên, cho biết hiện nay các doanh nghiệp vận tải rất ngại chở các mặt hàng nặng như sắt, thép vì dễ bị quá tải. Nếu trước đây, xe tải có thể chở được hai cuộn thép, thì giờ chỉ chở được một cuộn, chính vì vậy mà hàng tồn đọng tại cảng tăng cao trong thời gian qua. Hơn nữa, các mặt hàng sắt, thép đã được đóng thành cuộn nên không thể chia ra để phù hợp với tải trọng xe.

Sau khi khảo sát tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Hải Phòng, Bộ GTVT đánh giá, khu vực cảng Hải Phòng ùn tắc nhiều hơn các cảng khác là do hơn 80% lượng hàng hóa thông qua cảng này được vận chuyển bằng đường bộ, do năng lực bốc xếp của đường sắt vẫn rất hạn chế, trong khi đường thủy lại ít được sử dụng. Trong khi đó, khu vực phía Nam do mạng lưới sông ngòi dày nên khi kiểm soát tải trọng đường bộ các doanh nghiệp chuyển bớt sang vận tải bằng đường thủy.

Ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết các hiệp hội vận tải biển của Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đều phản ánh, hiện nay các chủ tàu phải sử dụng tàu làm kho để lưu hàng hóa, dẫn đến thời gian tàu neo đậu tại cảng để giải phóng hàng tăng gấp đôi so với trước đây, có tàu tăng gấp ba lần. Do đó, chủ tàu phải chịu thêm chi phí neo đậu cầu bến với mức giá cũng cao hơn từ 2-3 lần. Đồng thời, vì thời gian làm hàng kéo dài nên đã giảm số lần quay vòng khai thác của tàu, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Giải phóng hàng bằng đường thủy

Trong cuộc họp giữa Bộ GTVT với các đơn vị khai thác cảng vào giữa tháng 6, nhiều cảng cho biết cơ bản đã giải phóng được lượng hàng tồn đọng, duy chỉ có các cảng tại khu vực Hải Phòng thì chưa làm được.
Trước tình trạng hàng hóa ùn tắc ngày càng nhiều tại các cảng khu vực Hải Phòng, Bộ GTVT sẽ cho mở thí điểm một tuyến vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh qua Hải Phòng tới Vũng Áng (Hà Tĩnh) từ ngày 25-6. Theo kế hoạch, sẽ có 20 chiếc tàu có tải trọng 1.000-5.000 tấn chạy thí điểm. Ước tính một tàu 3.000 tấn có thể chở 80 container hàng và có thể ghé vào đón, trả hàng ở tất cả các cảng dọc theo các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.

Về thời gian vận chuyển, tàu đạt vận tốc từ 7-8 hải lý/giờ nên sau khoảng ba ngày sẽ đi hết hành trình từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Theo tính toán của Bộ GTVT, giá cước vận tải bằng đường thủy từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh chỉ bằng một phần tư so với giá cước của đường bộ. Tuyến vận tải này sẽ hoạt động kéo dài một tháng, sau đó sẽ chính thức được công bố để các doanh nghiệp đăng ký vận chuyển.

Bên cạnh đó, để giải tỏa nhanh việc ùn tắc hàng hóa tại Hải Phòng, một đề án kết hợp các phương thức vận tải từ Hải Phòng đến Lào Cai cũng đang được gấp rút thực hiện. Tuyến vận tải này từ Hải Phòng đến Lào Cai sẽ được kết hợp bằng ba phương thức vận tải gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Do lượng hàng hóa tồn đọng tăng cao, ngoài tuyến vận tải thủy do Bộ GTVT mở, từ đầu tháng 6 đến nay có hai công ty cũng đã đưa vào khai thác hai tàu mới chạy tuyến Hải Phòng - TPHCM để giải phóng lượng hàng tồn. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng rằng vận tải đường thủy sẽ là giải pháp cho doanh nghiệp trong bối cảnh mắt xích đường bộ đang được lập lại trật tự cả về giá cước và thị trường vận tải.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/116969/