Siết quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ

Trên địa bàn Đồng Nai vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm nhiều người mắc nhất từ trước đến nay. Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm này. Những bệnh nhân nặng đang được tiếp tục điều trị tại các bệnh viện.

Cơ quan chức năng làm việc với chủ tiệm bánh mì Cô Băng sau khi ghi nhận nhiều người bị ngộ độc do có ăn bánh mì của tiệm. Ảnh: CTV

Cơ quan chức năng làm việc với chủ tiệm bánh mì Cô Băng sau khi ghi nhận nhiều người bị ngộ độc do có ăn bánh mì của tiệm. Ảnh: CTV

Việc xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước trong thời gian ngắn trở lại đây thực sự gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như việc lựa chọn sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng.

* Tiệm bánh mì “4 không”

Thông tin từ Sở Y tế, tính đến chiều 6-5, ghi nhận tổng cộng 545 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm liên quan đến ăn bánh mì của tiệm bánh mì Cô Băng (địa chỉ Đ4, đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh).

Theo điều tra của các cơ quan chức năng, tiệm bánh mì nói trên bán bánh mì thịt gồm: bánh mì, pa-tê tự làm từ gan heo và thịt mỡ, chả lụa, thịt nguội, thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Nguyên liệu thực phẩm được chế biến và bán tại nhà. Tiệm bán từ 6h-9h và 15h-19h mỗi ngày. Trong ngày 30-4, tiệm bán hơn 1 ngàn ổ; ngày 1-5 bán 500 ổ từ 6-8h. Giá bán mỗi ổ bánh mì là 12 ngàn đồng. Khách hàng không chỉ là người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Long Khánh, mà cả ở một số địa phương lân cận như Cẩm Mỹ, Xuân Lộc.

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, đối với 3 bệnh nhi bị bệnh nặng, kết quả xét nghiệm mẫu máu cho thấy các bệnh nhi bị nhiễm trùng E.coli, là vi khuẩn gây ra các bệnh đường tiêu hóa.

Tại thời điểm lực lượng chức năng đến kiểm tra, tiệm bánh mì Cô Băng không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tiệm có 4 nhân viên phục vụ bán bánh mì nhưng đều không có giấy khám sức khỏe định kỳ, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ tiệm bánh mì cho biết, gia đình bán bánh mì đã gần 20 năm qua. Nguồn nguyên liệu thực phẩm được lấy từ những “mối” quen trên địa bàn thành phố Long Khánh và ngoài tỉnh. Đây là lần đầu tiên trong gần 20 năm qua tiệm xảy ra sự cố.

Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập cho hay, ngay sau khi nắm được thông tin về nguồn cung nguyên liệu cho tiệm bánh mì, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tại hộ kinh doanh T.C. (khu phố 2, phường Xuân Thanh) là nơi cung cấp chả lụa cho tiệm bánh mì Cô Băng. Lực lượng chức năng đã niêm phong, tạm giữ một số phụ gia không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ tại hộ kinh doanh T.C.

Song song đó, Công an thành phố Long Khánh tiến hành điều tra, xác minh truy xuất nguồn gốc tại Cơ sở Giết mổ gia súc Đ.T. và Cơ sở Giết mổ của Công ty TNHH T.T về số lượng thịt heo hộ kinh doanh T.C. mua dùng để chế biến chả lụa.

* Tránh “thả nổi” các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ

Theo báo cáo của UBND thành phố Long Khánh, tiệm bánh mì Cô Băng thuộc diện bán hàng nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Sở Y tế và UBND thành phố Long Khánh mới đây, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cần siết chặt công tác quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Bởi theo ông Nguyễn Hùng Long, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm nêu rõ, cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật. Còn cơ sở bánh mì chế biến thức ăn thì thuộc diện sản xuất, có chế biến pa-tê tại nhà. Mà đã sản xuất thì phải đăng ký kinh doanh, nhân viên phải khám sức khỏe và phải được tập huấn.

Điều 12 Nghị định 15 cũng nêu rõ, những cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm: sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; sơ chế nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; nhà hàng trong khách sạn; bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; kinh doanh thức ăn đường phố. Các cơ sở này phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.

Nhằm chấn chỉnh các vấn đề về an toàn thực phẩm, tránh lặp lại những vụ việc tương tự, Sở Y tế sẽ triệu tập cuộc họp khẩn với các địa phương trong tỉnh và các đơn vị liên quan. Qua đó tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/siet-quan-ly-cac-co-so-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-nho-le-ed66a26/