Siết chặt quản lý, ổn định thị trường hàng hóa dịp Tết

Những ngày gần Tết Nguyên đán là lúc thị trường hàng hóa sôi động nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có diễn biến phức tạp, cần sự kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt từ cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhà sản xuất, giúp người dân vui Xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

QLTT huyện Hạ Hòa kiểm tra mặt hàng bánh, kẹo, mứt dịp Tết Nguyên đán.

Xử lý kịp thời

Từ đầu tháng Chạp, năm Quý Mão, không khí chuẩn bị Tết Giáp Thìn trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Các siêu thị, chợ truyền thống, hộ kinh doanh đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ phục vụ người tiêu dùng. Dự tính trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng từ 15-20% so với những tháng trước đó. Trên cơ sở đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Là lực lượng cơ động, nòng cốt trong công tác trinh sát, xử lý vi phạm đột xuất, những ngày gần đây, Đội QLTT số 8 (Đội cơ động) tỉnh phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm trong lưu thông hàng hóa. Điển hình như ngày 23/12/2023, tại địa phận xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa, Đội đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) thu giữ trên 23.000 sản phẩm hàng hóa, thực phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp gồm: Bia lon, xúc xích ăn liền, thịt lợn ăn liền, chân gà tẩm ướp gia vị... đang vận chuyển về nơi tiêu thụ tại thị xã Phú Thọ.

Ông Đỗ Trung Thành - Đội trưởng Đội QLTT số 8 thông tin: Hiện nay, thủ đoạn vận chuyển, kinh doanh các loại hàng hóa vi phạm rất tinh vi. Nhiều đối tượng trà trộn, xen ghép hàng hóa vi phạm cùng nhiều loại hàng hóa khác. Đội đang tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát, nắm chắc tình hình, phối hợp hiệu quả với các lực lượng chức năng liên ngành để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vi phạm trong dịp Tết.

Cùng với Đội cơ động, các Đội QLTT tại địa bàn các huyện cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm về đối tượng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý. Ông Nguyễn Văn Thành - Đội trưởng Đội QLTT số 7, phụ trách địa bàn huyện Tam Nông, Thanh Thủy cho biết: Theo quy luật, cứ vào dịp Tết, các gian thương lợi dụng nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao để gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để tiêu thụ.

Trước tình hình đó, Đội đã giao nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên phân chia, bám sát địa bàn, thị trường truyền thống cũng như các nền tảng mạng xã hội để tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kiểm soát chống vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn dịp Tết như: Bánh kẹo, thực phẩm, rượu bia, nước giải khát...

Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT trên toàn tỉnh cũng thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn người tiêu dùng không tiếp tay tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm, chủ động, tích cực phối hợp thông tin cho lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật để giữ vững ổn định thị trường... Nhiều vụ việc vi phạm được xử lý, tăng tính răn đe, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Được biết, trong năm 2023, Cục QLTT tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.034 vụ vi phạm, trong đó bảy vụ vi phạm kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, mặt hàng chủ yếu là đồ gia dụng, pháo, quần áo; 50 vụ vi phạm về hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã phát hiện, xử lý 231 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không lưu mẫu thức ăn theo quy định, nơi kinh doanh bảo quản hàng hóa không đảm bảo vệ sinh... Ngoài ra, lực lượng QLTT còn phát hiện hơn 318 vụ vi phạm khác, chủ yếu về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng số tiền nộp thu ngân sách nhà nước trên 4,1 tỉ đồng.

Lực lượng QLTT kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng của hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Tam Nông.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Mặc dù trên địa bàn tỉnh tuy không phải là điểm nóng, nơi phát luồng hàng hóa trong cả nước nhưng các hoạt động kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tại các địa phương vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, ở nhiều lĩnh vực với nhiều phương thức, thủ đoạn, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Hơn nữa, việc mua bán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cũng rất nhộn nhịp với đa dạng các mặt hàng phục vụ Tết. Vì vậy, đòi hỏi lực lượng QLTT và các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, thực hiện các giải pháp để đẩy lùi, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT trên địa bàn tỉnh quản lý chặt địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường.

Tập trung kiểm tra, kiểm soát các nhóm mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao như: Bánh kẹo, lương thực, thực phẩm, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống... Chú trọng tập trung vào các chợ truyền thống, siêu thị, cơ sở kinh doanh thương mại lớn, nhà phân phối, nơi tập kết dự trữ hàng hóa.

Đồng thời, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Mặt khác, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, mua, bán, trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến; các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, đầu cơ, găm hàng; phối hợp với đơn vị liên quan để kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Lê Hùng - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Thời điểm này, lực lượng QLTT đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các huyện, thành, thị để thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm răn đe, ngăn ngừa chung; không để phát sinh các nhóm tụ điểm phức tạp về vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cục cũng yêu cầu các Đội QLTT thực hiện hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không gây phiền hà, trở ngại cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các hoạt động kinh doanh hợp pháp được diễn ra bình thường.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của lực lượng QLTT, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn chứng từ, thông tin nguồn gốc hàng hóa. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần chủ động phối hợp, khiếu nại với cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, bày bán công khai trên thị trường, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, mang sắc Xuân và sự bình an đến cho mọi người, mọi nhà.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/siet-chat-quan-ly-on-dinh-thi-truong-hang-hoa-dip-tet/206076.htm