Siết chặt quản lý các phòng khám tư nhân

Hàng loạt sai phạm đã được phát hiện sau khi đoàn công tác của Bộ Y tế tiến hành kiểm tra đột xuất một số phòng khám tư nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới đây. Cần làm gì để quản lý chặt chẽ các phòng khám tư nhân, nhất là phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài?

Quá nhiều sai phạm

Phòng khám Đa khoa Mayo nằm trên đường 3-2, phường 11 (quận 10), có quy mô 8 tầng, gồm nhiều phòng, khoa chuyên môn. Khi đoàn kiểm tra đến làm việc, chỉ có 5 bác sĩ và một vài nhân viên làm việc. Quá trình kiểm tra, đoàn công tác phát hiện phòng khám này quảng cáo hoạt động quá phạm vi cho phép; có bác sĩ Trung Quốc nhưng người phiên dịch chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; không có bảng niêm yết giá… Bác sĩ Nguyễn Công Phúc, Giám đốc phụ trách chuyên môn Phòng khám Đa khoa Mayo cho biết: “Phòng khám hoạt động từ đầu năm 2016, có hai bác sĩ Trung Quốc. Mỗi ngày chỉ có khoảng 20 bệnh nhân tới khám, chủ yếu là nội tổng quát, ngoại tổng quát và sản phụ khoa. Tôi được thuê về làm việc chứ không biết chủ đầu tư là người nước nào và hoạt động của phòng khám tôi cũng không nắm rõ”. Tình trạng thiếu nhân lực là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng khám, điều trị bệnh tại đây “có vấn đề”. Bên cạnh đó, các trang thiết bị tại phòng khám quá sơ sài, không bảo đảm xử lý được những tai biến bất ngờ xảy ra cho bệnh nhân.

Bảng giá cao ngất của Phòng khám Đa khoa Raffles Medical.

Tương tự, Phòng khám Đa khoa quốc tế Raffles Medical (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) cũng có quy mô khá lớn, với nhiều bác sĩ ngoại quốc, tiếp nhận khám cả đối tượng có bảo hiểm nước ngoài, khám sức khỏe xin visa. Mặc dù giá khám tại đây được niêm yết nhưng quá cao, chỉ cần khám cơ bản trong thời gian 30 phút đã lên tới hơn 2 triệu đồng/lượt. Năm 2016, phòng khám đã bị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử phạt hành chính vì thiếu bác sĩ tiếp nhận khám sức khỏe tổng quát và chấn chỉnh mức độ chênh lệch giá khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, tình trạng này đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Tại Phòng khám Đa khoa Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1), hệ thống sổ đăng ký khám bệnh, bệnh án… đều không được ghi chép rõ ràng, thiếu địa chỉ bệnh nhân, thậm chí không ghi chỉ dẫn hoặc thông tin phác đồ điều trị; không niêm yết giá. Hầu hết bệnh nhân đến khám đều được… chẩn đoán ngoại khoa. Đặc biệt, trong giờ làm việc nhưng nhiều khoa chuyên môn không có bác sĩ, nhân viên y tế trực. Phòng siêu âm, xét nghiệm, chẩn đoàn hình ảnh chỉ "lèo tèo" vài chiếc máy cũ kỹ. Theo giải thích của bác sĩ Nguyễn Hải Linh, phụ trách phòng khám: Các xét nghiệm, chẩn đoán phức tạp, chuyên sâu ở đây đều được gửi tới các bệnh viện để tiến hành chứ phòng khám không đủ khả năng thực hiện. Công việc chủ yếu tại phòng khám là… cắt bao quy đầu và cắt trĩ. Trong khi đó, kiểm tra hóa đơn thanh toán, giá các phẫu thuật này được phòng khám đẩy lên tới 22-30 triệu đồng, cao gấp hơn 10 lần so với giá ở bệnh viện công…

Tăng cường kiểm tra, siết chặt hoạt động

Trong 4 tháng đầu năm 2017, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 35 cơ sở y tế tư nhân, trong đó có 34 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng. Quá trình kiểm tra đã phát hiện, chấn chỉnh nhiều sai phạm, song mức độ chuyển biến chưa đáng kể. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở cho biết: Nhiều chủ đầu tư phòng khám đa khoa không có nghiệp vụ y tế. Các phòng khám cố tình sai phạm, còn đối phó với đoàn kiểm tra bằng cách gắn thiết bị theo dõi, báo động từ xa, trì hoãn, kéo dài thời gian tiếp cận của đoàn. Thời gian tới, sở sẽ tăng cường kiểm tra các phòng khám đa khoa trên địa bàn, sau đó sẽ phân hạng phòng khám giống như phân hạng chất lượng bệnh viện, ưu tiên đánh giá phòng khám có yếu tố nước ngoài trước. Đây cũng là hình thức phân hạng để kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động của phòng khám tư nhân.

Thực tế thời gian qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều bất cập ở các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là các phòng khám của bác sĩ người Trung Quốc. Có trường hợp người nhà bệnh nhân kiện phòng khám vì giá điều trị mập mờ, quá cao và không hề thông báo trước. Cá biệt có trường hợp bác sĩ “vẽ bệnh” để lấy tiền bệnh nhân. Tiến sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định: Tình trạng trên là có thực ở một số phòng khám tư nhân. Về giá cả, theo Luật Giá áp dụng năm 2017, các phòng khám phải niêm yết giá khám, thực hiện các dịch vụ y tế và giá phải được đăng ký với Sở Y tế để ngăn chặn việc phòng khám tự ý "thổi" giá. Dù luật pháp cho phép các cơ sở y tế tư nhân được tự chủ về giá, nhưng giá khám, chữa bệnh phải được niêm yết công khai với người bệnh. Trường hợp “vẽ bệnh” để kiếm tiền cũng bị coi là hành vi chẩn đoán sai, vi phạm pháp luật và đạo đức hành nghề, nhất định phải nghiêm trị.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và cơ quan chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo: Với những phòng khám không đủ điều kiện hoạt động, thiếu nhân lực và trang thiết bị chuyên môn, Sở Y tế phải rà soát, kịp thời phát hiện sai phạm, bám sát tiêu chí, siết chặt quản lý, không để phòng khám tư nhân không đủ tiêu chuẩn vẫn hoạt động tràn lan gây bức xúc cho người bệnh; đồng thời yêu cầu phòng khám chỉ được thực hiện các kỹ thuật mà sở đã phê duyệt, không thực hiện quảng cáo các dịch vụ kỹ thuật không được phép, hoặc quảng cáo vượt quá năng lực chuyên môn để “móc túi” người bệnh, gây hậu quả khôn lường. Trên cơ sở rà soát, đối chiếu thực tế, sở cần thống nhất điều chỉnh, phê duyệt bảng giá khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân, không để xảy ra chênh lệch quá lớn. Những phòng khám có yếu tố nước ngoài cần kiểm tra năng lực thực tiễn, yêu cầu người phiên dịch phải có bằng chuyên môn về y tế… Mọi sai phạm đều phải bị xử lý nghiêm minh vì sức khỏe và sự an toàn tính mạng của người bệnh, không ngoại lệ bất cứ phòng khám nào.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/siet-chat-quan-ly-cac-phong-kham-tu-nhan-506636